Ngày 7-5 tuyên án Dương Chí Dũng

Mở đầu ngày xử thứ sáu (29-4) phiên tòa phúc thẩm vụ án tiêu cực xảy ra tại Vinalines, chủ tọa phiên tòa lần lượt công bố tài liệu phía Nga cung cấp theo yêu cầu của VKSND Tối cao. Tài liệu gồm xác minh về Công ty Nakhodka (chủ sở hữu ụ nổi 83M), hợp đồng mua bán ụ nổi giữa Công ty Nakhodka và Công ty AP, lời khai của nhân chứng Prikhod Alexsey Adrevicha (đại diện của Global Success - công ty môi giới của Nga, viết tắt là GS)…

Giá trị của các chứng cứ mới từ Nga

Trong số tài liệu này, đáng chú ý là lời khai của ông Prikhod. Ông này cho biết mình là đại diện theo ủy quyền của GS. Khi được hỏi về thỏa thuận ngày 7-7-2007, ông Prikhod khai: “Công ty GS đã ký thỏa thuận là đại lý bán ụ nổi. Tôi không biết họ có ký thỏa thuận khác không. Tôi ký thỏa thuận này vì nó có lợi cho các bên…”.

Ông Prikhod khẳng định không biết việc GS có nhận tiền hay không, cá nhân ông này không nhận số tiền mặt nào từ việc mua bán ụ nổi mà chỉ nhận lương đại diện của công ty. “Ông có đưa ra hướng dẫn để Công ty AP chuyển số tiền 1,666 triệu USD (được cho là tiền “lại quả” - PV) đến Việt Nam không?” - điều tra viên hỏi. “Tôi không nhớ, có thể tôi đã ký giấy tờ nào đó theo yêu cầu của lãnh đạo. Bởi vì thời gian đã trôi qua khá lâu rồi. Tất cả giấy tờ tôi ký sau khi có sự đồng ý của lãnh đạo Công ty GS” - ông Prikhod trả lời. Hỏi: “Có kế hoạch chuyển 1,666 triệu USD tới Việt Nam không?”. “Tôi không biết. Tôi không thể trả lời câu hỏi này… Tôi không biết tiền được chuyển cho ai, khi nào, tới đâu…”.

 
Dương Chí Dũng vẫn kêu oan đối với tội tham ô và xin tòa cho được sống. Ảnh: TTXVN

Sau khi chủ tọa công bố tài liệu nói trên, các luật sư nói không biết những văn bản này là “cái gì” trong vụ án khi rất nhiều bản không có chứng thực. Một số văn bản được ghi tên người dịch là “Trương Thị Hồng Tho” và được Phòng Tư pháp huyện Chương Mỹ (một địa chỉ cách khá xa trung tâm Hà Nội) chứng thực. Luật sư cho rằng việc hợp thức hóa lãnh sự phải được dịch tại cơ quan lãnh sự Việt Nam chứ không phải “ai đi ngoài đường cũng gọi vào dịch được”. “Những tài liệu này không thỏa mãn tính đầu tiên của chứng cứ, đó là tính hợp pháp” - luật sư của Mai Văn Phúc (nguyên tổng giám đốc Vinalines) nói. Chưa hết, “Một người dịch mà ngay đến khái niệm phổ thông là “Viện kiểm sát” lại dịch là “Viện kiểm soát” thì những nội dung dịch trong này có tin tưởng được không?” - luật sư nói.

Đại diện VKS cho biết mới được tòa sao chụp và chuyển cho tài liệu này từ chiều 28-4. Tài liệu này được thực hiện theo đúng Luật Tương trợ tư pháp. Vụ 1B (Vụ Hợp tác quốc tế) đã chuyển lại cho Viện Phúc thẩm, Viện Phúc thẩm chuyển cho tòa, trình tự như vậy phù hợp với quy định của pháp luật.

Chủ tọa cho biết HĐXX sẽ xem xét, đánh giá chứng cứ này hợp pháp hay không, nếu không hợp pháp thì chỉ là tài liệu tham khảo.

Các bên đều bảo lưu quan điểm

Đại diện VKS cho rằng chứng cứ trong hồ sơ đã đầy đủ để quy kết hành vi phạm tội của các bị cáo. Chẳng hạn, VKS đã đưa ra sáu nguồn chứng cứ để chứng minh các bị cáo có hành vi tham ô 1,666 triệu USD. “VKS cho rằng không cần phải có kết quả tương trợ tư pháp nhưng luật sư cho rằng nhất thiết phải chờ kết quả này. VKS thấy rằng việc quay trở lại xét hỏi không làm thay đổi nội dung vụ án. VKS giữ nguyên quan điểm như đã từng đưa ra”.

Các luật sư cho rằng VKS đã cố tình bỏ ra ngoài hồ sơ một số tài liệu, chứng cứ, VKS không khách quan… Đáp lại, đại diện VKS cho rằng: “Khi đưa ra quan điểm, VKS cũng chỉ nói đó là nhận định của VKS, đề nghị các luật sư không có những nhận định chủ quan như vậy”. “Chúng ta ngồi đây để nói về sự kiện đã xảy ra cách đây năm năm, điều này không phải dễ. Nếu các bị cáo nhận tội mà không có những nguồn chứng cứ khác thì lời nhận tội đó cũng không phải là căn cứ để buộc tội các bị cáo. Gần 7.000 bút lục, không phải cái gì VKS cũng đưa ra ở phiên tòa hôm nay, do đó luật sư không nên quy kết tài liệu này, tài liệu khác VKS để ngoài hồ sơ” - kiểm sát viên phản ứng.

Kết thúc phần tranh luận, khi nói lời sau cùng, Dương Chí Dũng vẫn kêu oan đối với tội tham ô và xin tòa cho bị cáo được sống.

HĐXX dự kiến sẽ tuyên án vào chiều 7-5.

ĐỨC MINH

 

Đường đi của 1,666 triệu USD “lại quả”

Theo bản án sơ thẩm của TAND TP Hà Nội, thông qua môi giới và chào hàng, ngày 7-7-2007, giữa Công ty AP và Công ty GS ký hợp đồng thỏa thuận: Công ty AP có trách nhiệm bảo đảm hợp đồng bán, xuất khẩu ụ nổi tới Việt Nam, tìm ra một giải pháp phù hợp chuyển ụ nổi từ Liên bang Nga về Việt Nam. Thỏa thuận ghi rõ việc ăn chia số tiền bán ụ nổi, theo đó Công ty GS được hưởng trên 4,3 triệu USD, chuyển cho bên thứ ba do GS chỉ định số tiền 1,666 triệu USD.

Theo bản thỏa thuận và yêu cầu của ông Prikhod Alexsey Adrevicha (bản án sơ thẩm viết là Aprikhodko), ông Goh Hoon Soew (Giám đốc AP) đã mở thư tín dụng 1,666 triệu USD cho một bên thứ ba theo hướng dẫn của Công ty GS. Sau khi Công ty AP nhận 9 triệu USD của Vinalines, ông Prikhod yêu cầu Công ty AP chuyển 1,666 triệu USD cho Công ty Phú Hà (Việt Nam). Số tiền này sau đó được các quan chức Vinalines chia chác…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm