Chiến sự Nga - Ukraine kéo dài đã hơn ba tháng và ngày càng căng thẳng khi Moscow chuyển trọng tâm vào TP Severodonetsk (tỉnh Luhansk, miền đông Ukraine). Trước tình hình trên, ngày càng nhiều nước kêu gọi Nga và Ukraine đàm phán thực chất để thống nhất giải pháp giải quyết xung đột.
Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ, Trung Quốc lên tiếng
Theo đài RT, điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 30-5, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ - ông Recep Tayyip Erdogan một lần nữa đề nghị được làm trung gian tổ chức đàm phán hòa bình giữa Nga - Ukraine tại Istanbul với sự tham gia của đại diện không chỉ hai nước mà cả Liên Hợp Quốc (LHQ).
Chỉ khi cả hai bên đều nhận ra mình đang bị tổn hại và không thể đánh bại bên kia về mặt quân sự thì đàm phán mới trở thành sự lựa chọn.
Chuyên gia ANDREW BLUM
“Tổng thống Erdogan tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng, nếu được cả hai bên đồng ý về nguyên tắc, là địa điểm tổ chức cuộc gặp mặt giữa Nga, Ukraine và LHQ tại Istanbul, đảm nhận vai trò trung gian cho tiến trình đàm phán hòa bình” - trích thông báo từ Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ ngày 30-5.
“Ông Erdogan lưu ý sự cần thiết phải giảm thiểu tác động tiêu cực của chiến tranh và xây dựng lòng tin bằng cách khôi phục càng sớm càng tốt nền tảng hòa bình giữa Nga và Ukraine” - thông báo có đoạn.
Thổ Nhĩ Kỳ đã từng tổ chức hai vòng đàm phán giữa Nga và Ukraine hồi tháng 3, song các nỗ lực đàm phán khi đó đã bị đình trệ mà không thu được kết quả đột phá. Chính quyền Ankara, theo tờ Wall Street Journal, tới lúc này vẫn theo đuổi lập trường trung lập trong cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện tại. Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục duy trì kênh đối thoại mở với Moscow, không tham gia cùng phương Tây trong việc trừng phạt Nga và ra sức đảm nhận vai trò trung gian hòa giải xung đột.
|
Binh sĩ Ukraine mang quan tài một đồng đội thiệt mạng trong giao tranh với phía Nga tại một đám tang ở tỉnh Lviv ngày 26-5. Theo Tổng thống Volodymyr Zelensky, Ukraine mất 60-100 binh sĩ mỗi ngày trong chiến trận. Ảnh: GETTY IMAGES |
Có cùng quan điểm này, trả lời phỏng vấn đài Fox News hôm 31-5, Tổng tham mưu trưởng liên quân Mỹ - tướng Mark Milley nói rằng lựa chọn hợp lý nhất để chấm dứt xung đột giữa Ukraine và Nga là đàm phán. Theo tướng Milley, xung đột có thể kết thúc bằng hòa đàm nhưng điều này phải xuất phát từ ý muốn của cả hai bên tham chiến. Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cũng khẳng định rằng “những gì chúng tôi biết là hầu như tất cả cuộc chiến đều kết thúc thông qua đàm phán”.
Trước đó, trong cuộc điện đàm hôm 10-5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã trao đổi quan điểm về tình hình chiến sự ở Ukraine và nhất trí rằng các bên nên hỗ trợ Moscow và Kiev khôi phục hòa bình thông qua đàm phán.
Chỉ hòa đàm mới chấm dứt xung đột, không phải trừng phạt
Trong bài bình luận trên đài CNN, GS Jeffrey Sachs - chuyên gia tại Trung tâm Phát triển bền vững thuộc ĐH Columbia (Mỹ) và là chủ tịch của Mạng lưới Giải pháp phát triển bền vững của LHQ cho rằng biện pháp tốt nhất để chấm dứt xung đột ở Ukraine là các thỏa thuận hòa bình chứ không phải các biện pháp trừng phạt mà Mỹ và phương Tây liên tục áp đặt vào Nga.
GS Sachs chỉ ra rằng ngay cả khi các lệnh trừng phạt khiến nền kinh tế Nga gặp khó nó cũng không có khả năng thay đổi nền chính trị cũng như chính sách của Moscow. Một số biện pháp trừng phạt rất dễ bị “lách”. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ có hiệu quả nhất đối với các giao dịch dựa trên đồng USD và liên quan đến hệ thống ngân hàng Mỹ. Các quốc gia muốn lách trừng phạt sẽ tìm cách thực hiện các giao dịch thông qua các phương tiện phi ngân hàng hoặc phi đô la, chẳng hạn giao dịch bằng đồng rúp (Nga), rupee (Ấn Độ), đồng nhân dân tệ (Trung Quốc)... Ngoài ra, trừng phạt Nga gây tổn hại không chỉ cho Nga mà cả phương Tây và toàn bộ nền kinh tế thế giới, gây gián đoạn chuỗi cung ứng, lạm phát và khủng hoảng lương thực.
Về vũ khí phương Tây gửi cho Ukraine, GS Sachs đánh giá chúng thật sự giáng đòn mạnh và gây ra tổn thất lớn cho Nga nhưng không thể cứu Ukraine. Khả năng Nga rút quân rất thấp, thậm chí Moscow còn có nguy cơ leo thang thêm chẳng hạn sử dụng vũ khí hạt nhân. Theo đó, chỉ có một thỏa thuận hòa bình mới có thể chấm dứt cuộc chiến.
Tờ The Conversation đưa ý kiến của ông Andrew Blum - chuyên gia đàm phán tại Viện Hòa bình và Công lý Kroc thuộc ĐH San Diego (Mỹ) rằng các cuộc đàm phán hòa bình thật sự rất hữu ích, thậm chí ngay cả khi hai bên tham chiến vừa đánh vừa đàm, vì chúng có thể tạo nền tảng đi đến thỏa thuận cuối cùng nhằm chấm dứt xung đột, giảm thiểu thiệt hại cho cộng đồng.
Thách thức lớn nhất đối với đàm phán hòa bình là tình trạng bạo lực liên quan đến xung đột, sự giận dữ và ngờ vực mà nó tạo ra giữa các bên tham chiến. Các nhà đàm phán phải ngồi đối diện với những người mà họ cho rằng là “kẻ thù”, nghĩa là họ cần phải có lý do thuyết phục mới quyết định ngồi vào bàn đàm phán. Tuy nhiên, một trở ngại thường xuyên xảy ra thường là một bên tin rằng họ đang thắng thế và không có động cơ để đàm phán. Có vẻ điều này giống với trường hợp Ukraine và Nga hiện nay.
Trả lời phỏng vấn hãng tin RIA Novosti, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Hạ viện Nga - hạ nghị sĩ Andrey Kartapolov vẫn khẳng định rằng hoạt động quân sự của Nga “sẽ phát triển theo đúng kế hoạch và sẽ kết thúc khi giới lãnh đạo Ukraine hiện tại đồng ý đàm phán”. Tuy vậy, Chủ tịch Thượng viện Nga - nghị sĩ Valentina Matviyenko cho biết Moscow không nhận được “bất kỳ phản hồi gì từ phía Kiev”.•
Ukraine khó thắng Nga về mặt quân sự
Trong bài viết trên trang 19fortyfive, cựu Trung tá quân đội Mỹ - ông Daniel L. Davis nêu ra ba lý do cơ bản khiến Ukraine có rất ít triển vọng đánh bại Nga trong tương lai gần.
Theo ông, điều đầu tiên là lợi thế trên chiến trường hiện vẫn nghiêng về phía Moscow. Thứ hai, tổng lượng khí tài mà phương Tây đã cung cấp hoặc hứa cung cấp cho Kiev hoàn toàn không đủ để giúp Ukraine đẩy lùi quân Nga. Cuối cùng, tổng thiệt hại về người và của ở Ukraine là rất lớn khi lực lượng này cố gắng đẩy lùi Moscow.
Theo ông, để có cơ hội đẩy lùi Nga, Kiev sẽ phải xây dựng một lực lượng ít nhất 100.000 người, được trang bị vũ khí hiện đại (tương đương với trang bị của NATO).
Những đội quân này sẽ cần ít nhất một năm để lắp ráp hàng ngàn xe bọc thép từ các nước phương Tây, dự trữ một lượng lớn đạn dược, hàng triệu gallon nhiên liệu, phụ tùng thay thế, những chuyên gia máy móc để bảo trì các phương tiện này và xe tải tiện ích để hỗ trợ tất cả nhu cầu hậu cần này trong suốt cuộc tấn công.