Sau 3 mùa thành công, ngày hội Việt phục: "Tóc xanh - vạt áo" mùa 4 nằm trong khuôn khổ tuần lễ văn hoá "Sóng đôi", đã diễn ra tại trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) vào ngày 24-3.
"Tóc xanh - vạt áo" mùa 4 tôn vinh Việt phục và văn hoá truyền thống, hướng đến kỉ niệm 280 năm ngày Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát định chế áo dài.
Vui mừng vì người trẻ yêu cổ phục Việt
Phát biểu tại chương trình, TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VH&TT Thừa Thiên Huế, Uỷ viên Hội đồng di sản quốc gia bày tỏ niềm vui vì sau một lần ngày hội được tổ chức lại được thấy sự quan tâm của cộng đồng xã hội, của mọi người nhiều hơn.
"Tôi nghĩ đó là sự thành công đáng trân trọng nhất" - TS Phan Thanh Hải nói.
TS Phan Thanh Hải cho rằng áo dài không chỉ là trang phục mà còn là niềm tự hào, sự nhận diện và thể hiện tính thống nhất về văn hoá của người Việt Nam và rất vui khi trong 10 năm trở lại đây phong trào cổ phong, đi tìm lại truyền thống văn hoá dân tộc ở cả 3 miền Bắc Trung Nam phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là ở TP.HCM.
"Ngày hội 'Tóc xanh - vạt áo' là một ví dụ điển hình về việc tiếp thu các tinh hoa văn hoá cuộc sống đưa nó vào cuộc sống hiện đại. Chắc chắn nó sẽ là nguồn cảm hứng lan toả rộng rãi cộng đồng.
Với tư cách là người theo dõi phong trào áo dài, người chủ trì đề án 'Huế - kinh đô áo dài' tôi hết sức vui mừng cứ mỗi khi đến TP.HCM, thấy mọi người quan tâm nhiều hơn về các di sản văn hoá của dân tộc trong đó có chiếc áo dài.
Tất cả những việc làm này chắc chắn sẽ là sự bồi dưỡng, giáo dục tốt nhất sinh động nhất về tinh thần yêu quê hương đất nước, tinh thần dân tộc, truyền thống văn hoá mà thế hệ trẻ sẽ tiếp tục truyền tải, lan rộng và làm tốt hơn thế hệ chúng ta. Đó là điều chúng tôi tin tưởng" – TS Phan Thanh Hải nhận định.
Theo TS Lưu Văn Quyết, Trưởng khoa Lịch sử, Trường ĐH KH XH&NV, qua 3 mùa tổ chức, Tóc xanh - vạt áo đã khẳng định vị thế của một ngày hội truyền thống với quy mô lớn nhất miền Nam.
"Ngày hội là nơi các bạn trẻ có thể đắm chìm trong bầu không khí văn hoá, khoác lên mình những trang phục truyền thống, mang đến những câu chuyện cha ông cũng như kết giao những người bạn mới" – ông nói thêm.
"Tóc xanh - vạt áo" thu hút đông đảo người trẻ
Từ sớm, đông đảo sinh viên và khách tham quan đã có mặt chật kín ngày hội "Tóc xanh - vạt áo".
Mọi người được trải nghiệm thử mặc, tìm hiểu và chụp ảnh cùng với Việt phục một cách chính thống.
Chia sẻ với PLO, Kiều Phương (Bến Tre), cho biết trang phục này mình và ông xã mua để làm đám cưới, biết đến "Tóc xanh - vạt áo" thì mặc trang phục từ Bến Tre lên từ 6h sáng để tham gia.
Tham gia Tóc xanh - vạt áo, đôi bạn Lê Minh Bảo Ngọc (bìa trái - SV khoa Ngôn ngữ học) bày tỏ niềm vui và hào hứng tự hào khi Việt Nam phong phú trang phục rất đẹp mắt.
Tại ngày hội Việt phục: "Tóc xanh - vạt áo", nhiều hoạt động xen kẽ bên lề như tặng chữ thư pháp, hát cải lương hay trải nghiệm làm và thử bánh dân gian cùng các nghệ nhân.
Tại lễ hội Tóc xanh- vạt áo, các bạn trẻ, sinh viên cũng được thưởng lãm các gốm sứ, mô hình tướng lĩnh Việt, cổ vật của nhà sưu tập Lê Gia hay gốm của người Chăm.
Là sinh viên năm 3 của khoa Báo chí truyền thông, vì nhiều lý do nên đây là lần đâu tiên Uyên Phương tham gia Tóc xanh - vạt áo .
Nói với PLO, Tôn Thất Minh Khôi, đồng tổ chức "Tóc xanh - vạt áo" cho biết năm nay ngoài TP.HCM, chương trình còn có sự tham gia của các đơn vị đến từ Hà Nội, Huế và Nha Trang tạo nên sự phong phú, đặc sắc cho ngày hội.
"Tóc xanh- vạt áo" mùa thứ 4 có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Lễ hội quy tụ 25 đơn vị làm văn hóa với hơn 30 gian hàng trải nghiệm trong lĩnh vực văn hóa.
Những đơn vị tham gia đều có những lĩnh vực chuyên môn riêng, tạo nên bức tranh đa màu sắc trong công cuộc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam.