Theo dự kiến, sáng mai (23-9), TAND Cấp cao tại TP.HCM sẽ tuyên án phúc thẩm vụ "bán con ở Trà Vinh".
Đây là vụ án hết sức đau lòng, được dư luận quan tâm bởi hoàn cảnh của các bị cáo, bởi lúc được ba mẹ đưa cho người khác cháu bé chỉ hơn 50 ngày tuổi; bởi mức án sơ thẩm mà tòa đã tuyên với đôi vợ chồng "hờ" Nguyễn Vũ Hoàng Tuấn và Thạch Thị Kim Nhung.
Người mẹ khóc nghẹn nói "không bán con"
Theo hồ sơ vụ án, Tuấn và Nhung chung sống với nhau như vợ chồng và có bốn người con, trong đó con gái út tên TN.
Sau khi sinh TN được 50 ngày tuổi, Nhung và Tuấn bàn bạc thống nhất với nhau tìm gia đình hiếm muộn có nhu cầu nhận nuôi trẻ để cho làm con nuôi thông qua hội nhóm trên Facebook.
Sau đó, Nhung và Tuấn trao đổi thông tin với Nguyễn Hữu Dương, hai bên thống nhất số tiền Dương phải trả là 18 triệu đồng.
Đến khoảng 14 giờ 30 ngày 4-12-2022, bên đưa tiền - bên trao con gái trên taxi do Dương thuê. Sau đó, Dương yêu cầu tài xế chở Dương cùng cháu bé đi TP.HCM.
Tài xế nghi ngờ Dương mua bán trẻ em nên đã âm thầm báo công an. Khi xe đến địa phận tỉnh Bến Tre thì lực lượng Công an tỉnh Trà Vinh yêu cầu dừng xe và bắt quả tang.
Xử sơ thẩm, HĐXX nhận định: Mặc dù hai bị cáo khai tìm người hiếm muộn để cho con làm con nuôi nhưng thực tế lại không tìm hiểu về lý lịch của Dương, không hỏi Dương là người trực tiếp nhận nuôi con nuôi hay nhận rồi tiếp tục chuyển giao cho người khác. Khi giao bị hại cho Dương cũng không làm thủ tục nhận con nuôi vì mục đích nhân đạo theo quy định của pháp luật.
Như vậy, việc Tuấn và Nhung chuyển giao con gái cho Dương để nhận 18 triệu đồng không thuộc trường hợp vì mục đích nhân đạo, có đủ căn cứ xác định và khẳng định hành vi của hai bị cáo Tuấn và Nhung đã cấu thành tội mua bán người dưới 16 tuổi.
Từ đó, HĐXX sơ thẩm tuyên phạt Tuấn 13 năm tù, Nhung 10 năm tù. Mức án được tuyên sau khi xem xét các yếu tố: cả hai bị cáo đều có nhân thân tốt, không có tiền án, tiền sự; sau khi phạm tội đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Bị cáo Nhung là người dân tộc Khmer, là thành viên trong hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không có nghề nghiệp ổn định, không có đất đai sản xuất và đang nuôi con nhỏ.
Sau khi có bản án sơ thẩm, Tuấn không kháng cáo còn Nhung kháng cáo kêu oan (mà theo bị cáo này nói là ký theo đơn luật sư gửi, không biết nội dung cụ thể, điều này cho thấy nhận thức pháp luật còn hạn chế của bị cáo này - PV).
Trong phiên tòa phúc thẩm ngày 16-9, Nhung khai sau khi sinh bé TN được 50 ngày tuổi, do hoàn cảnh khó khăn, không chăm sóc được nên bị cáo có ý tìm gia đình khá giả nhận con nuôi.
Sau đó, Nguyễn Hữu Dương nhắn tin xin nhận nuôi con của bị cáo. Về việc nhận tiền là do Dương hỏi là "Có cần bồi dưỡng gì không". Bị cáo nói, nếu có thể thì bị cáo xin được bồi dưỡng là số tiền 20 triệu.
Khi được tòa hỏi lý do gì giảm 2 triệu, bị cáo trả lời: Lúc đó Dương nói xin lại 2 triệu để về lo sữa tã cho em bé.
Khi tòa hỏi bị cáo có nhận thức được việc nhận con nuôi phải cần điều kiện gì không, bị cáo trả lời là không biết về việc này.
Pháp luật luôn có chính sách khoan hồng
Ngay khi tòa sơ thẩm tuyên án, nhận thấy vụ việc quá đau lòng, PV đã có mặt tại nhà bị cáo để tìm hiểu rõ hơn về hoàn cảnh của các bị cáo.
Như đã nói ở trên, Nhung (người dân tộc Khmer) và chồng hờ có tới 4 người con. Bố của Nhung bị tật nguyền bán vé số ngày được ngày không, còn mẹ Nhung cũng không có công ăn việc làm ổn định. Cả gia đình không có đất sản xuất.
Khi được hỏi về lý do chuyển giao con gái mình đứt ruột đẻ ra, Nhung nói: “Cả hai vợ chồng em đều không có việc làm ổn định, cuộc sống khó khăn, lại có nhiều con. Do đó vợ chồng em đã bàn bạc với nhau tìm gia đình hiếm muộn để cho đứa con gái út làm con nuôi với mong muốn con có cuộc sống đầy đủ hơn và được đi học đàng hoàng.
Do không am hiểu pháp luật nên em đã giao con và nhận tiền. Khi cơ quan điều tra phân tích, giải thích thì em mới biết đó là vi phạm. Sau khi nhận tiền thì vợ chồng em có đi mua xe máy làm phương tiện để đi làm”.
"Em không bán con, em sợ quá rồi, lúc đó vợ chồng chỉ vì nghèo quá, con lại đông, chồng em là lao động chính, nhưng cũng không đủ ăn nên chỉ muốn tìm gia đình hiếm muộn để tặng cho họ nuôi, mong rằng con mình có cuộc sống tốt hơn, được đi học đàng hoàng" - đây cũng là lời bị cáo Nhung nói trong nước mắt với PV.
Bà Kim Thị Chane Tha (mẹ Nhung) nói: "Thật sự nghèo quá, cũng vì không được ăn học, thiếu hiểu biết, mong tòa xem xét chứ nó không có bán con".
Để tường tận hơn vụ việc dưới góc độ pháp lý, chúng tôi đã đem vụ việc đến hỏi các chuyên gia am hiểu về công tác xét xử.
Theo luật sư Phạm Công Hùng (nguyên thẩm phán TAND Tối cao), Nhung và Tuấn thực hiện hành vi phạm tội trong hoàn cảnh nhận thức về pháp luật còn hạn chế.
Nếu vợ chồng Nhung đi tù, cuộc sống của hai người già (cha mẹ Nhung) và ba đứa trẻ chỉ phụ thuộc vào tiền bán vé số của ông ngoại tật nguyền.
Pháp luật luôn nghiêm khắc đối với những người có hành vi nguy hiểm cho xã hội nhưng cũng có chính sách khoan hồng để tạo điều kiện cho người phạm tội có cơ hội được trở về với gia đình, có cuộc sống mới.
Do đó, trong trường hợp này, HĐXX phúc thẩm có thể xem xét lại bản án sơ thẩm một cách toàn diện để tuyên mức án nhẹ hơn, vừa đủ sức răn đe nhưng cũng giúp cho chính những đứa trẻ có thể có một tương lai tươi sáng hơn.
Còn theo luật sư Nguyễn Thị Kim Vinh (nguyên thẩm phán TAND Tối cao), HĐXX có thể xem xét thêm yếu tố về trình độ học vấn của bị cáo và cả trách nhiệm của chính quyền địa phương đã tuyên truyền, phổ biến pháp luật như thế nào để những gia đình dân tộc thiểu số nhận thức đúng về việc cho con hay chưa. Hay chính quyền địa phương đã có những chính sách giúp đỡ những gia đình dân tộc có hoàn cảnh rất khó khăn như cha mẹ đứa trẻ không, để từ đó có một bản án thấu tình đạt lý hơn.