“Ngày mai tôi nghỉ…”

Sau hội thảo “Doanh nghiệp làm bóng đá và hướng đi cho bóng đá Việt Nam” do báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức ngày 15-9, chúng tôi nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp cho bóng đá Việt Nam. Trong số đó có rất nhiều ý kiến nêu ở VFF thiếu thứ “văn hóa từ chức” khi nhận thấy năng lực mình yếu kém và không hoàn thành nhiệm vụ. Lại cũng có góp ý nói rằng Việt Nam với hơn 80 triệu dân và rất nhiều người yêu bóng đá, hâm mộ bóng đá, thế mà nói rằng không thể tìm ra người làm trưởng ban tổ chức là hết sức hài hước và vô trách nhiệm. Cũng có những ý kiến chỉ trích ngược lại các ông bầu là người chỉ biết chỉ trích mà không biết tìm ra giải pháp trong mớ bòng bong mà chính các ông bầu cũng có phần lỗi trong việc làm bóng đá theo bệnh thành tích…

Cũng sau hội thảo trên, chúng tôi rất tâm đắc khi đăng nguyên văn thư ngỏ của nguyên Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Phạm Khắc Lãm đồng thời cũng là nguyên Chủ tịch Liên đoàn Thể dục Việt Nam trong vai trò người đã “qua cầu”. Ông Lãm đề cập rằng ông nhìn ra được phần khó lớn nhất mà bóng đá Việt Nam gặp phải là những người ngồi vào ghế điều hành là người của nhà nước cài vào trong tổ chức xã hội hóa và đó là kiểu xã hội hóa nửa vời làm sai chủ trương xã hội hóa.

Tôi đồng tình với ông Lãm khi nhìn ra những cuộc bầu bán ở VFF đã có những cơ cấu người của Ủy ban TDTT trước đây và sau này là Tổng cục TDTT. Thậm chí trong nhiệm kỳ đang tồn tại, trước kỳ đại hội còn có những thông tin “vận động” suất chủ tịch của một quan chức Tổng cục về hưu (!?).

“Ngày mai tôi nghỉ…” ảnh 1

Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ ghi nhận và cảm ơn bầu Kiên về đề án cho V-League được tất cả ủng hộ. Ảnh: ANH THÁI

Rõ ràng là bóng đá Việt Nam xã hội hóa về chủ trương nhưng bản chất của sự việc lại không như thế. Và cuộc lên tiếng của các ông bầu - những người trực tiếp bỏ tiền ra làm bóng đá - thực chất chỉ là những phản ứng xuất phát từ một cuộc chơi mang tính xã hội hóa nhưng không công bằng.

Ông bầu Nguyễn Đức Kiên khi làm đề án thành lập Công ty Cổ phần Bóng đá Việt Nam chịu trách nhiệm điều hành và tổ chức V-League đã thú nhận rằng ông chỉ mất có hơn 2 giờ đồng hồ cho đề án này và vài giờ ngồi lại với những ông bầu cùng chí hướng với ông. Hoàn toàn không tốn kém theo kiểu hội họp đình đám của VFF khi lên kế hoạch làm đề án.

Cái đề án hơn 2 giờ đồng hồ chỉ ra một nghịch lý (và cũng là sự trì trệ) của bóng đá Việt Nam khi phải mất 4-5 năm nghiên cứu bóng đá chuyên nghiệp và 11 năm làm bóng đá chuyên nghiệp nhưng khán giả thì quay lưng và không tin tưởng.

Bầu Đức đã giữ đúng lời hứa khi là người xung phong mở màn hội nghị tại Văn phòng VFF vào sáng 29-9, khi ông khẳng khái nói rằng ngay ngày mai ông sẽ rút khỏi V-League và chỉ đầu tư vào bóng đá trẻ nếu không nhận được sự thay đổi. Ông Đức không nói chơi bởi nếu để PR thì sự kiện ông kết hợp với Arsenal mở lò đào tạo cầu thủ chuyên nghiệp đã đủ để giật sàn chứng khoán lên rồi.

Và ông Đức cũng khẳng định nếu ông rút thì rất nhiều người sẽ rút theo cho dù chẳng ai muốn điều đấy xảy ra.

Hôm qua, rất nhiều người nói rằng các ông bầu đã chiến thắng hoặc nói quá đà là các ông bầu đã thay VFF điều hành V-League. Thực chất thì các ông bầu không thể thay VFF điều hành mà họ chỉ giúp VFF nhìn ra điều cần phải thay đổi như các nước đã, đang làm và rất thành công. Nó thực sự là xã hội hóa và tách bạch kiểu điều hành V-League nhưng mang nặng tính tổ chức của bóng đá thời bao cấp gom hết quyền lực về một phía rồi từ quyền lực lại phát sinh ra đủ thứ quyền khác, trong đó có cả quyền lợi.

VFF vẫn là người điều hành nhưng phải có sự tương tác và cộng hưởng của chính những người đến với bóng đá và làm bóng đá.

VFF vẫn là người đứng đầu tổ chức xã hội được Nhà nước giao nhưng cuộc chơi phải có sự thay đổi về cấu trúc, thay đổi phương pháp điều hành và thay đổi nhận thức. Nó không thể tồn tại thứ bóng đá mà các đội tham dự phải sợ ông tổ chức, sợ trọng tài và sợ giám sát.

“Ngày mai tôi nghỉ…” mới chỉ là phát biểu của các ông bầu trong trạng thái nếu họ không thể buộc các nhà điều hành phải thay đổi.

“Ngày mai tôi nghỉ…” cũng là lời phát biểu của Phó Chủ tịch Lê Hùng Dũng - người duy nhất trong bộ máy VFF dự khai mạc Cúp Quốc tế TP.HCM không bị khán giả chộ và huýt sáo khi xướng tên.

Đáng để suy nghĩ lắm khi còn rất nhiều người không dám thốt lên câu “Ngày mai tôi nghỉ…” để bóng đá Việt Nam tốt hơn.

NGUYỄN NGUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm