Chiều cuối năm, chúng tôi có dịp đến thăm nhà ông Khăm Phết Lào, người con trai thứ 11 của vua voi Ama Kông để được nghe những câu chuyện thú vị về vị vua voi.
Vua của các loài voi
Trên ngôi nhà sàn gia tộc, Khăm Phết Lào chậm rãi pha một ấm trà với phương thuốc gia truyền mang tên người cha để bắt đầu câu chuyện. Phương thuốc này cũng gắn liền với voi rừng Tây Nguyên. Ngày xưa, tổ tiên Khăm Phết đều là những người săn voi có tiếng và trong quá trình săn voi đã phát hiện được những vị thuốc có một không hai này. Bài thuốc được ông Ama Kông (năm 1909-2012) truyền lại cho người con trai cả và ông Khăm Phết Lào.
Khăm Phết Lào, con trai thứ 11 của "Vua voi" Ama Kông, kể về chuyện săn voi ở núi rừng Tây Nguyên. Ảnh: H.TRƯỜNG
Thấy chúng tôi tò mò về một bức ảnh voi trắng được treo trên tường, Khăm Phết bảo đấy là con voi trắng - vua của các loài voi - được cha ông săn và tặng cho vua Bảo Đại. Voi trắng - theo Khăm Phết, đây là loài voi thông minh và hiền nhất so với các loài voi khác. Khi đã bắt được voi rồi, việc huấn luyện voi này rất dễ dàng vì nó rất biết nghe lời. Không cần trói, không cần buộc, chỉ cần một sợi dây vắt ngang là voi có thể hiền và nghe lời chủ. Chủ đi đâu, voi đi theo đó. Trong đàn voi rừng có hơn một trăm con thì dễ có voi trắng. Voi trắng được mường tượng như một “vị thần” qua lời kể của hậu duệ vua Ama Kông.
Hình ảnh về voi trắng do Ama Kông săn được gia đình Khăm Phết Lào lưu giữ. Ảnh: H.TRƯỜNG
Thường thường, voi trắng sẽ đi ở giữa đàn và được bảo vệ bởi đàn voi xung quanh. Khăm Phết kể, ông có vài lần đi săn với cha cùng các gru khác và được tận mắt chứng kiến những chuyến săn voi. Việc phân biệt được voi trắng và voi thường cũng không dễ dàng, bởi bên ngoài thì nhìn giống nhau. Voi ở trong rừng không được tắm nên nhìn đen giống nhau. Muốn phát hiện được voi trắng, người ta thường nhìn vào mắt nó. Mắt bạch tượng có màu xanh, giống như mắt người Tây.
Ama Kông trong một chuyến đi săn.
“Nghĩa là, sẽ không biết được đâu là voi trắng cho đến khi bắt được. Khi bắt được một con voi rừng, người ta buộc lại và nhìn vào mắt nó thấy có màu lạ thì mới nghĩ, à đây là voi trắng. Sau đó, những người săn voi mang voi về làng tắm rửa thì mới thấy voi có màu trắng. Ngoài ra, ngà voi trắng cũng khác so với voi đen. Theo như mẫu vật ông giữ lại từ cha ông, ngà voi trắng có màu hổ phách trong khi voi thường thì ngà có màu trắng như nhựa” - Khăm Phết nói.
Tương truyền, voi trắng rất quý hiếm, người săn được voi trắng cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cha vợ của Ama Kông là ông Y Thu Knul với chiến tích bắt và thuần dưỡng 500 con voi, đặc biệt có voi trắng mang tặng vua Thái Lan. Ông Y Thu Knul đã đi vào huyền thoại ở Tây Nguyên như một vị vua về tài săn bắt voi ở đại ngàn. Sau này, ông được người Pháp xây cho ngôi mộ khang trang.
Cuộc chiến săn voi trắng
Nối nghề cha, Ama Kông nổi lên như một dũng sĩ săn voi kiệt xuất. Theo ghi chép, cả đời ông Ama Kông đã bắt được tổng cộng ba con voi trắng. Một tặng cho Tổng thống Ngô Đình Diệm, một tặng vua Bảo Đại và một còn lại sau khi săn về chẳng may chết yểu. Nói thêm về việc tặng voi trắng cho ông Ngô Đình Diệm, Ama Kông được tặng lại hai khẩu súng và 150 đồng. Trò chuyện với chúng tôi, con trai vua voi còn tiết lộ, khi ông Ama Kông còn tặng voi trắng cho vua Bảo Đại, ông cũng tặng hai khẩu súng gồm súng hai nòng và súng lục, ngoài ra còn được tặng tiền.
Ngoài ra, Ama Kông còn được Bác Hồ tặng giấy khen và tiền thưởng, sau này được Nhà nước tặng Huân chương kháng chiến hạng Nhất về việc góp voi vận chuyển lương thực, đạn dược trong kháng chiến chống Mỹ.
Hình ảnh săn voi rừng của người dân Tây Nguyên.
Theo lời Khăm Phết Lào, việc săn được voi trắng cũng thể hiện đẳng cấp của các gru (dũng sĩ săn voi). Chính vì vậy cả đời mình, ai cũng muốn một lần bắt được voi trắng. Tuy vậy, để săn được voi trắng không hề dễ dàng. Trước khi đi săn, dân làng thường phải làm lễ và cầu xin trời đất để chuyến đi săn được thuận lợi và gặp may mắn. Người đi săn thường mổ heo, mổ gà làm lễ cầu xin những vị thần sông, thần núi để mang thú rừng về. Họ sẽ thổi tù và liên hồi nhằm khích lệ tinh thần các dũng sĩ trước mỗi chuyến đi săn. Những cuộc hành trình săn voi có thể kéo dài ba, bốn hoặc cả chục ngày.
Khăm Phết kể về những chuyến đi săn.
Lần theo dấu vết, các dũng sĩ phát hiện được đàn voi rừng. Sau đó, các gru ngồi trên lưng voi sẽ tiến hành lựa chọn một con voi rừng mà họ muốn bắt và thúc voi nhà vào đàn voi. “Nếu trong đàn có voi bạch thì đàn voi này ít hung dữ. Những dũng sĩ săn voi phải tiếp cận nhiều vòng mới tách được con voi trắng ra khỏi đàn. Vòng ngoài cùng là voi đực dũng mảnh, vòng tiếp là những con voi cái hung dữ bảo vệ con, đến những con voi con rồi mới đến voi bạch ở trung tâm. Khi đã xác định được voi bạch, người săn sẽ thả thòng lọng để voi trắng bước vào. Tiếp đó, các gru cưỡi trên voi nhà sẽ giật sợi dây thòng lọng cho vướng vào chân voi” - Khăm Phết kể.
Ama Kông (phải) bên con trai Y Kông - người săn được 37 con voi rừng.
Lúc này voi trắng sẽ giãy dụa bỏ chạy kèm tiếng kêu inh ỏi cả trời đất. Sau đó, người săn voi sẽ hất bộ dụng cụ săn voi xuống đất. Đàn voi nghe tiếng hét sẽ bỏ chạy tán loạn và tan rã đàn. Tiếp đến, nhóm thợ săn sẽ tách voi trắng và ép voi di chuyển về làng. Sau khi biết chắc chắn đã bắt được voi bạch, nhóm thợ săn sẽ cột dây thừng vào gốc cây và thổi tù và báo hiệu cho dân làng biết.
Cũng theo Khăm Phết, dù là bắt được voi trắng hay voi đen, thì những gru đều thổi tù và báo hiệu, mỗi loài voi sẽ có những tiếng tù khác nhau. Riêng với voi trắng, nếu bắt được thì ngay lập tức nhóm người đi săn phải buộc vào cây và về làng tổ chức cúng cầu xin bề trên, núi rừng, sau đó mới dắt voi về. Khi đã về gần đến nhà, các gru tiếp tục thổi tù và người dân biết sẽ mổ heo, mổ gà tụ tập cùng chung vui. Mỗi chuyến đi săn voi thường có nhiều người, ít nhất bốn người với hai voi nhà. Thường thì nhiều người được chia từng tốp và phân công nhiệm vụ khác nhau, hỗ trợ cho nhau.
Sợi dây da được bện từ da nhiều con trâu được Ama Kông sử dụng trong lúc săn voi rừng.
Dẫn chúng tôi đến kho “báu vật” - bộ dụng cụ săn voi của vua voi Ama Kông để lại cho ông. Chỉ vào sợi dây da dùng trong săn bắt voi, Khăm Phết nói, bộ dây da này được bện từ da của bảy con trâu mới thành. Bên cạnh là chiếc tù và đã cũ, một bộ quần áo bằng vỏ cây rừng và nhiều vũ khí bằng kim loại.
Người tuyên chiến bỏ lễ đua voi
Mặc dù là hậu duệ của vua voi nhưng nhà Khăm Phết Lào không nuôi voi mà chỉ tạc tượng voi bằng bê tông. Lý giải về việc này, ông nói hình ảnh con voi dường như thấm nhuần trong máu mình rồi nên không nuôi voi. Chỉ tạc tượng voi để ghi nhớ về một thời của ông cha mình. Ai nuôi gì thì nuôi chứ mình thấy tội nó quá. Bố tôi đã nói đừng nên nuôi voi, trước kia vì không hiểu nên người ta mua bán voi. Giờ mình biết thì không nên giữ nó, để nó được tự do giống như vốn có.
Khăm Phết Lào là người rất tâm huyết trong việc bỏ lễ hội đua voi.
“Chúng ta phải tăng cường bảo tồn, đừng nên đánh đập voi. Vậy nên phải bỏ ngay cái lễ đua voi đó. Con voi giống như người nhà, giống như bản thân tôi. Không phải tôi không mua được voi nhưng tôi không mua và cũng không nuôi nó. Nói là lễ đua voi nhưng nhìn thấy voi bị đánh đập mà xót lắm. Rồi đến chuyện cưỡi voi làm du lịch nữa, thấy tàn nhẫn quá. Trong 20 năm đấu tranh, đến giờ tôi mới thành công” - Khăm Phết nhấn mạnh.