Nhiếp ảnh gia người Pháp Rehahn 35 tuổi đã ghi lại được hàng loạt hình ảnh về tình bạn lạ lùng giữa cô gái bé bỏng và con thú hoang dã khổng lồ trong một dịp tình cờ đầu tháng 10-2014.
“Kim Luân” trong ảnh của Rehahn.
Mô tả của Rehahn cho hay, con voi to lớn nhưng rất nhẹ nhàng, lễ phép, thậm chí còn tỏ ra tôn kính người bạn nhỏ. Tôi thấy có điều gì đó, như là xúc động, như là mừng vui khi đọc đi đọc lại bản tin này. Năm 2009, tôi có dịp viết một bài báo về việc đàn voi Việt Nam đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Trước năm 2000, săn voi vẫn là một nghề đầy tự hào của đồng bào Tây Nguyên. Những ngày hội được sản sinh từ nền - văn - hóa - voi lâu đời như voi chạy đua trên cạn, voi bơi vượt sông, voi nhà biểu diễn săn bắt voi rừng, voi đá bóng, voi ném cây, voi kéo vật nặng, voi kéo co với người… vốn thu hút hàng vạn ánh mắt nhìn thích thú. Nhưng nguồn voi ngày càng “mỏng dần” tới gần mức cạn kiệt vì không được bổ sung, một số người hiểu chuyện dự đoán tới năm 2020, voi cũng như nghề săn voi lừng lẫy chân trời góc biển sẽ tàn lụi rồi mất hẳn. Như con tê giác cuối cùng của Việt Nam đã chết, biến mất như chưa từng tồn tại khỏi dải đất hình chữ S này.
Y Cúc, tức “Kim Luân” ngoài đời thực. |
Bỗng nhiên cái tên Kim Luân đột ngột chen ngang vào chuỗi thông số buồn bã ấy. Em giao tiếp được với muôn loài chăng, “nữ chúa rừng xanh” của tôi? Tên em vang lên như tên bộ đàn đá Ndut Liêng Krăk (tìm thấy ở Đắk Lắk năm 1949, được coi là nhạc cụ bằng đá cổ nhất thế giới 3.000 – 5.000 năm tuổi, hiện đang lưu giữ cẩn mật ở Paris) từng vang lên ngân nga trong tâm trí tôi, nghe danh nhưng chưa từng được gặp. Nhưng trong bản tin nhỏ vài dòng ngắn ngủi của Rehahn chỉ viết mơ hồ: “Cô bé sống ở miền Trung Việt Nam”. Cụ thể là ở đâu của Miền Trung dài ngàn cây số? Tôi liên hệ với anh Huỳnh Trung Luân - GĐ Trung tâm Bảo tồn Voi Đắk Lắk: “Anh có biết cô bé nào 6 tuổi người M’Nông tên là Kim Luân vừa thuần dưỡng được voi rừng 5 tấn không?” Anh Luân trả lời: “Thường thì người M’Nông không đặt tên con bằng tiếng Kinh như vậy. Nhưng cứ vào đây, rồi mình tính cách đi tìm cô bé ấy”.
Bạn trăm đời
Làm bạn với người từ cả trăm đời trước, voi tồn tại trong sử sách. Ngay giữa thế kỷ XII (1145 - 1159), người Ê đê, M’Nông và các dân tộc Tây Nguyên khác do Vancaraya làm thủ lĩnh đã kịch liệt chống lại vua Chàm và từng cầu cứu sự giúp đỡ của triều đình Đại Việt, đó có thể là một trong những mối liên hệ sớm giữa cư dân Tây Nguyên với người Kinh. Triều đình Đại Việt đã tiếp đón các thủ lĩnh một cách chân thành, nồng hậu, giúp đỡ về vũ khí, lương thực và cho quân đội hộ tống nghĩa quân trở lại Tây Nguyên.
Từ năm 1458, hai vị tù trưởng lớn mạnh nhất là M’tao Pui (Hỏa xá - Hỏa Vương ở Gia Lai) và M’tao Ea (Thủy xá - Thủy Vương ở Đắk Lắk) đã có những mối liên hệ khăng khít hơn với triều đình Đại Việt. Về sau này, M’tao Pui và M’tao Ea từng được triều đình phong chức Tam phẩm và ban hành một chính sách tự trị rộng rãi đối với các dân tộc Tây Nguyên. Theo ghi chép của Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục: “Hai vị Thủy Vương và Hỏa Vương nước Nam Bàn, nước này có 50 làng lệ thuộc, trong đó có núi Bà Nam. Núi rất cao và lớn, làm trấn sơn cho một phương. Thủy Vương ở về phía đông núi Bà Nam, còn Hỏa Vương ở về phía tây núi, có địa phận riêng và làm nhà gác bằng gỗ để ở, bộ hạ có đến mấy trăm người. Khi vua đi đâu thường cưỡi voi, có hơn chục người tùy tùng đi theo...
Jaly ngày nay với nỗi buồn không nguôi ngoai khi được hỏi về cái chết của Hồi Sinh. |
Hai Vương mặt đen và xấu nhưng vợ và thiếp thì người nào cũng có nhan sắc đẹp đẽ, họ đều bận xiêm áo của Chiêm Thành có xiêm hoa rực rỡ”. Quan hệ trao đổi giữa các dân tộc Tây Nguyên với người Kinh được tiến hành đều đặn và đã xuất hiện những tụ điểm giao lưu hàng hóa quan trọng. Người Tây Nguyên cần muối ăn và thuốc men chữa bệnh, ngược lại người Kinh cũng rất cần những mặt hàng lâm thổ sản quý hiếm của Tây Nguyên, trong đó có voi. Voi tồn tại trong điêu khắc gỗ - nghề thủ công truyền thống của người Tây Nguyên, một hoạt động mang tính chất mỹ thuật và được bảo tồn khá nguyên vẹn. Mỗi cầu thang nhà sàn thường có 6 - 7 bậc, đó là một cây gỗ khá lớn, được đẽo theo hình đa giác và cong, để phần đầu uốn về phía trước như dáng con thuyền cưỡi sóng. Phía đầu cầu thang được chạm khắc gỗ bằng hình nổi một đôi bầu vú sữa (ksâu), bên trên còn được khắc một vầng trăng lưỡi liềm hoặc đôi ngà voi.
Voi tồn tại trong lời răn đe về lối sống: “Anh chị em mà ăn nằm với nhau thì sẽ bị sét đánh, rồng lột da, hổ xé xác, voi xiên” (Chúng tôi ăn rừng - G. Condominas) hoặc tồn tại trong dân ca người M’Nông huyện Lắk: “Ai đến thăm Lăk quên cả ngày về / Lúa bla nhà nào cũng đầy bồ / Lúa đrô nhà nào cũng đầy chòi / Mua voi, mua chiêng bằng lúa gạo / Hạt lúa vàng đi khắp bốn phương”... Tháng 10.1945, sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập, Đăk Lăk đã tổ chức một cuộc liên hoan đoàn kết các dân tộc dưới hình thức hội chợ triển lãm và mời một số đại biểu các dân tộc anh em trong tỉnh và các tỉnh Nam Trung Bộ đến tham dự.
Trong đoàn đại biểu của dân tộc M’Nông có một vị bô lão đặc biệt, nguyên là chiến hữu của thủ lĩnh chống Pháp mẫu mực có một không hai ở Tây Nguyên dưới thời thuộc địa N’Trang Lơng. Đắk Lắk đã tổ chức các cuộc thi bắn ná, đua ngựa, đua voi... ngay từ thời điểm ấy để cổ vũ tinh thần thượng võ, trí thông minh sáng tạo của thanh niên các dân tộc Tây Nguyên. Đầu những năm 1960, người dân Tây Nguyên đã giao rất nhiều voi ngựa của mình cho cách mạng để vận chuyển hàng hóa, vũ khí. Voi cũng trực tiếp tham gia trận mạc, như đêm 20.9.1961 đã cùng đại đội 32 và các đội vũ trang công tác và du kích người M’Nông từ 4 hướng kéo ập vào dinh Quảng Cư, Buôn Yang Bông, Khuê Ngọc Điền và các ấp khác trên địa bàn huyện Lăk...
Năm 2015 này, khi tôi quay trở lại Bản Đôn, vua săn voi Ama Kông vốn cao lớn, vạm vỡ, đẹp trai, giàu có, nổi tiếng, sống phóng khoáng, hoang dã, dữ dội, tài ba và đào hoa không còn nữa. Mộ ông nằm gần cửa ngõ ra vào Bản Đôn, xây cao hình tháp nhọn đâm thẳng lên bầu trời, có tượng voi áp quanh chop mái và tượng chim công canh cửa mộ. Nhà Jaly người M’Nông cách mộ ông không xa. Chị sinh năm 1976, cao hơn mét bốn mươi một chút, tất nhiên da nâu, có 3 đứa con gái, đứa đầu là H’Sari, đứa út là H’Bela. Đứa thứ hai H’Savai, nuôi được 8 tháng thì mất. Gia đình chị sống bằng 1 sào ruộng 8 sào rẫy, mưa xuống mới có nước mà làm, không thì quanh quẩn ở nhà.
Jaly thời chăm sóc con voi nhỏ Hồi Sinh (Buôn Cợt). |
Năm 1999, Bản Đôn mở cửa rộng rãi đón khách du lịch. Dăm năm sau, bên Cty Du lịch mua của người trong bản được 1 con voi rừng lạc đàn nhỏ, tên tiếng Lào được đặt là Buôn Cợt, tên tiếng Việt là Hồi Sinh. Nó nhỏ xíu, tội nghiệp lắm, lưng to cỡ 2 gang tay thôi, dài từ đuôi đến cổ cỡ 4 - 5 gang, nặng chỉ chừng hơn 1 tạ. Ngày ngày Jaly, khi đó còn trẻ lắm, là nhân viên Cty Du lịch, dạy nó, vỗ về nó, cho nó ăn sữa pha với cháo, rồi ăn lá tre và cỏ voi vớt dưới hồ. Nó chỉ ăn thức ăn từ tay Jaly, chỉ theo Jaly, chị đi nó đi, chị chạy nó chạy, nói với nó bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Lào: Đi chơi (Ma pay lịn), đi tắm (pha pay ạp). Cái đêm định mệnh ấy, chị vừa mơ thấy nó chết thì quãng 4-5h sáng có người đến báo tin nó bị đánh. Chị chạy tới chỗ buộc nó, con voi nhỏ chưa có ngà nên còn trẻ con giờ nằm gục một góc. Nó quấn vòi vào tay chị, dựa đầu vào đùi chị, không chịu cho chị đi đâu, hễ đứng lên là nó hú. 3 ngày 3 đêm sau, con Hồi Sinh lịm dần rồi chết trên tay chị. Chị ngất luôn khi ấy. Khi người ta phẫu thuật nó để giữ làm tiêu bản mới phát hiện thấy kẻ ác tâm nào đó đã đánh gãy hai chân sau của nó, còn hai chân trước thì bị đánh tới mức vỡ vụn cả xương. Jaly kể, chị đau đến mức phải nằm bệt 1 tháng sau khi con Hồi Sinh chết.
Sự thật khắc nghiệt
Ngày 24.3.2011 UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành quyết định 761/QĐ-UBND về việc thành lập Trung tâm bảo tồn voi. Ngày 19.7.2012 Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định 940/QĐ-TTg về việc phê duyệt kế hoạch Hành động khẩn cấp đến năm 2020 để bảo tồn voi ở Việt Nam. Ngày 12.11.2013 UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành quyết định 2362/QĐ-UBND về việc phê duyệt Dự án khẩn cấp bảo tồn voi tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020...
Dù vậy nhưng đàn voi Đắk Lắk, tỉnh có nhiều voi nhất Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung, vẫn đang trượt theo đà sụt giảm. Voi đực 21 tuổi Boọc Khăm chết tháng 1.2015, voi đực 29 tuổi Khăm Thưng chết tháng 3.2015, voi đực Khăm Phui 31 tuổi chết tháng 3.2015, voi cái 41 tuổi Na Liêng chết tháng 4.2015… Tính đến tháng 5.2015, tổng số voi nhà của Đắk Lắk chỉ còn lại 44 con, sụt giảm tới hơn 90% so với thời kỳ hòa bình vừa lập lại.
20 năm trở lại đây, đàn voi nhà Đắk Lắk không còn sinh sản. Nhu cầu thức ăn của chúng từ 6 - 8% trọng lượng cơ thể, với con đực trưởng thành cần 240 - 320kg/ngày, con cái cần 180 - 240kg/ngày, nên sở hữu voi thì không quá khó, nhưng chăm nuôi chúng không hề dễ. Chị Nguyễn Thị Thu - Khu Du lịch sinh thái Vân Long, huyện Lắk, chủ 6 voi - kể, cột con Boọc Khăm trên núi, có lẽ do nó với tìm thức ăn mà ngã tới mức long cả ngà ra. Chết năm 21 tuổi, cặp ngà của nó mới chỉ nặng chừng 10 ký, cả nhà chị đã thực sự sốc vì cú ngã kinh hoàng ấy.
Bãi chăn thả của voi nhà bị thu hẹp, thiếu thức ăn, nguồn nước hạn chế trong mùa khô (tháng 11 đến 4 năm sau) làm chúng giảm sức đề kháng dễ sinh bệnh, chủ voi thiếu thuốc để chữa trị khi voi bị thương, bị bệnh. Một số voi chết do già yếu. Một vài trường hợp voi nhà đánh nhau và chết khi tranh giành thức ăn tại bãi thả hoặc bị voi rừng tấn công. Voi bị lén lút bán đi nơi khác hoặc trao đổi lấy trâu bò. Voi bị khai thác sức lao động quá mức trong hoạt động du lịch. Voi bị bắn trộm để lấy ngà trong rừng... Trong khi đó, quần thể voi hoang dã chỉ còn khoảng 4 - 5 đàn với 60 - 80 cá thể sống co cụm tại khu vực rừng khộp thuộc 2 huyện Buôn Đôn và Ea Súp tiếp giáp với Campuchia. Sinh cảnh sống của chúng bị chia cắt bởi các hoạt động kinh tế nên đến nay các đàn voi rừng đều gây ra xung đột với người, từ 2008 - 2012 đã phá nát 285ha hoa mầu, giết chết 2 người chính tại hành lang di chuyển quen thuộc của chúng.
Những năm gần đây số vụ voi chết có liên quan đến con người ngày càng tăng. Hiện trường các vụ sát hại thường cho thấy voi bị mất nhiều bộ phận cơ thể như ngà, đế bàn chân và đuôi. Bên xác 2 con voi rừng chết tại tiểu khu 257 Vườn Quốc gia Yok Don tháng 8.2012 công an còn thu được 7 vỏ đạn. “Mỗi năm xung đột voi - người chừng 18 - 20 vụ, có vụ thiệt hại mấy tỉ đồng. Mỗi ngày voi rừng di chuyển mấy chục cây số, sáng ở đây nhưng chiều có khi đã ở Campuchia. Sinh cảnh sống quen thuộc của chúng bị con người chia cắt còn dẫn tới hiện tượng đồng huyết trong cộng đồng voi hoang dã. Khi phê duyệt các dự án kinh tế trước đây đã không nghĩ đến đàn voi, cư dân cũng không nhận thức được hết giá trị của voi. Trong rừng biết có voi chết mà không thấy xác, càng không biết nghĩa địa của chúng ở đâu. Số lượng voi rừng mình cũng chỉ dám đứng từ xa mà đếm. Ta lừng chừng không làm bảo tồn là thế giới đánh giá, mà làm thì vô cùng khó khăn. Chúng tôi đang tính mời quốc tế gắn chíp cho voi nhà để theo dõi. Trong tự nhiên voi rừng có thể thọ 60 - 70 tuổi, nhưng voi nhà hơn 40 đã chết. Người thù nhau giết voi của nhau cũng lại vừa mới xảy ra” - anh Huỳnh Trung Luân kể.
Hiện Trung tâm Bảo tồn voi Tây Nguyên đang liên kết với Công ty CP Kiến trúc IDIC lập quy hoạch 1 khu vực rộng 200ha chuyên để nghiên cứu sinh sản voi nhà, cải thiện điều kiện sống và cứu hộ voi hoang dã. Với tổng số vốn đầu tư từ 2014 - 2020 chưa đến 100 tỉ đồng, Trung tâm Bảo tồn Voi hiện còn gặp quá nhiều khó khăn, trụ sở hiện vẫn phải đi ở nhờ ở tạm, biên chế được phép lấy 26 người nhưng nhân sự chưa đào tạo kịp. 13 con người hiện nay của Trung tâm làm tất tật mọi việc, kể cả đi bộ băng rừng hàng trăm cây số theo dấu voi hoang dã hay túc trực 24/24h để chữa trị cho voi sa bẫy. “Dân Ea Súp coi chúng tôi như những thiên thần”, anh Phạm Văn Láng - PGĐ phụ trách voi hoang dã, kể.
Xem bức ảnh của Rehahn chụp Kim Luân, Nguyễn Công Chung - PGĐ phụ trách voi nhà, nhận xét rằng, quang cảnh núi sông phía sau không thể có ở huyện Buôn Đôn, có lẽ được chụp ở bên mạn Lắk. Chúng tôi lên đường sang huyện Lắk, khoảng trên dưới 100km, trên chiếc xe Isuzu Trooper 3.200 phân khối, 2 cầu duy nhất của Trung tâm, đã không còn mới. Bùi Văn Đức - Chủ nhiệm HTX Du lịch Buôn Jun nói rằng, có lẽ nên tìm ở phía bên kia hồ Lắk.
Chúng tôi lại đi, qua những gò đồi Bảo Đại từng săn voi dưới thời phong kiến, qua những nơi từng có nhà thiêng thờ đầu lâu voi của đồng bào. Người dân thôn 1 buôn M’Liêng huyện Lắk xem ảnh Kim Luân qua smartphone mách rằng, đây là con gái của nhà Ma Vượt. Nắng lửa, vợ chồng Ma Vượt không bận đi nương, nhà cửa chẳng có của nả gì đáng kể, hỏi kỹ lý do của tôi rồi Ma Vượt mình trần chạy xe máy lên trường mẫu giáo đón con gái về. Sinh năm 2009, vợ chồng anh đặt tên con bé là Y Cúc, không hiểu sao lại xuất hiện trên báo với cái tên Kim Luân. Y Cúc về, gầy gò bé nhỏ, ăn mặc xộc xệch, gương mặt đầy nhút nhát. Tôi hỏi: “Con có yêu voi không?”. Trả lời: “Con có”. “Con có sợ voi không?”. Trả lời: “Con có”. Tôi nén tiếng thở dài, sợ thì làm sao dám đến gần voi được? Anh Đức trò chuyện kỹ với vợ chồng Ma Vượt và trao đổi lại rằng, người ta mượn trang phục cổ truyền của người M’Nông cho nó mặc, cho đứng gần voi nhà để chụp ảnh, có quản tượng kè kè bên cạnh, để làm hình ảnh quảng bá cho du lịch.
Chẳng thấy kỳ tích gần chạm mức “hoang đường” nào cả, chỉ có chúng ta với nhau thôi.
Thay lời kết
Sau ngày giải phóng miền Nam, phần lãnh thổ rộng lớn Tây Nguyên - khối Nam Trường Sơn đã được nghiên cứu trong một chương trình trọng điểm của Nhà nước kéo dài đến 10 năm, nhờ đó mà chúng ta bắt đầu hiểu biết được phần nào các đặc điểm của một vùng lãnh thổ miền núi - cao nguyên rộng lớn với sự thống trị đặc biệt của nhịp điệu mùa.
Cố GS Lê Bá Thảo - một lữ khách mê mải của thiên nhiên xứ sở, một nhà khoa học uyên bác có tầm ảnh hưởng đã viết về nơi này, xin được nhắc lại như sau: “Rừng rậm ở gờ núi Trường Sơn Nam và những rừng rậm ở Tây Nguyên là nơi trú ẩn của các đàn nai trâu, nai cà tong, lợn rừng, đười ươi và nhất là những gia đình gấu đen, gấu ngựa thường săn lùng các tổ ong để lấy mật; ở đáy của một số thung lũng hiểm trở, một vài con tê giác còn sót lại sống một cách cô lập trong thế giới hầu như chỉ dành riêng cho chúng. Đáng buồn là người ta chỉ nhìn thấy dấu chân hoặc biết đến sự tồn tại của chúng khi có người thợ săn hám lợi đã bắn chết như mới xảy ra gần đây.
Những rừng thưa đồng cỏ tranh và nương rẫy bỏ hóa có nhiều động vật có móng hơn: Những đàn trâu rừng trông xa đen bóng như những đá tảng lớn, những bò rừng nặng đến gần 1 tấn, có con sau mông có một đám lông trắng (Bos Benthen), có con đeo một dải yếm trước cổ (Bos Cuprey) và đều thuộc những loài bò đẹp nhất thế giới. Những heo vòi, nai, hoẵng và đặc biệt là những đàn voi bề ngoài trông hiền lành nhưng trở nên thật đáng sợ khi chúng nổi giận, cũng sống khi thì trong rừng thưa khi thì trong đồng cỏ.
Tất nhiên là có cả hổ, báo, trăn hoa và cá sấu. Công và trĩ, gà rừng và gà gô cũng sống cả trong rừng rậm, còn rừng săng lẻ và rừng khộp lại là thế giới của loài vẹt và loài ong”... Ông cũng nhắn nhủ với chúng ta rằng: “Đã qua rồi những ngày đầu sau giải phóng, chúng ta nhìn Tây Nguyên nói riêng và Nam Trường Sơn nói chung như là những vùng “đất mới” chỉ cần đưa dân lên khai thác là đủ làm giàu. Ngày nay chúng ta đã rút được kinh nghiệm rằng, không có “món quà” nào của tự nhiên mà được cho không cả. Sự chuyển động của một trạng thái cân bằng vốn có của tự nhiên sang một trạng thái khác đòi hỏi ở con người một sự nghiên cứu thấu đáo và những bước đi thận trọng. Chỉ có trong điều kiện đó thì Tây Nguyên - khối Nam Trường Sơn mới phục vụ được một cách tốt nhất lợi ích của con người và phát triển theo chiều hướng có lợi cho chính nó”.