Một góc làng than Tân Thành - Ảnh: Tấn Đức |
Cứ tưởng nghề đốt than (hầm than) chỉ tồn tại ở rừng núi xa xôi, nơi có nguồn củi gỗ dồi dào. Nhưng không, giữa miệt vườn sông nước chằng chịt, bên dòng kênh Phụng Hiệp lại có một xóm hầm than với gần 200 miệng lò hoạt động ngày đêm, mỗi năm cung ứng 4.000 - 5.000 tấn than cho thị trường cả nước và xuất sang tận Hàn Quốc, Nhật Bản…
Nhấp hớp rượu đưa cay, ông Tư Hoàng (Nguyễn Văn Hoàng, 54 tuổi, một chủ lò hầm than bên bờ rạch Ngay, thuộc ấp Đông An 2A, xã Tân Thành, thị xã Ngã Bảy, Hậu Giang), cất giọng ngâm nga mấy câu ca dao nằm lòng từ thuở bé: Chim quyên xuống đất ăn trùn / Anh hùng lỡ vận lên nguồn đốt than / Đốt than thì phải sàng than / Làm sao đừng để lấm gan anh hùng”.
Tổ của làng nghề
Rồi quay sang mấy vị khách đường xa, Tư Hoàng “thanh minh”: “Hát cho vui thôi nha, chứ tui chẳng phải anh hùng, anh hào gì đâu, chẳng qua chỉ là một “tằng khạo” (người coi sóc lò than, theo cách gọi của người Việt gốc Hoa ở Cà Mau), nhờ cha truyền mà biết thêm nghề xây lò!”.
Ông Tư Hoàng nói khiêm tốn vậy, chứ nhiều người dân trong xóm đều biết cha con ông là người đầu tiên có công đưa nghề hầm than từ Năm Căn (Cà Mau) về đây, khai sáng ra làng nghề hầm than Tân Thành, tới nay cũng ngót 40 năm.
Đó là vào những năm đầu sau ngày đất nước thống nhất, khi ông Nguyễn Văn Tốt (một tằng khạo, đồng thời là thợ xây lò có tiếng ở xứ hầm than Năm Căn, Cà Mau) đưa người con trai Tư Hoàng lên chiếc ghe bầu đi tìm vùng đất mới lập nghiệp.
Mất cả tuần xuôi cửa biển Trần Đề, rồi rẽ vào sông Mái Dầm, qua kênh xáng Cái Côn, vào tới rạch Ngay, ông Năm Tốt cho neo ghe lại, lên bờ cắm đất xây lò hầm than. Không chỉ làm riêng cho mình, ông Năm Tốt còn giúp xây lò và truyền thụ những “bí quyết” trong nghề hầm than cho một số người bạn đồng niên trong xóm. Nguồn củi hầm than được mua từ các lâm ngư trường quốc doanh ở Cà Mau, Bạc Liêu.
Dạo đó nói tới than củi là người ta nghĩ ngay tới than đước Năm Căn. Bởi lẽ cách đây hơn trăm năm, nghề hầm than đã ra đời và phát triển mạnh ở xứ rừng đước bạt ngàn nơi đất mũi Cà Mau. Theo một số tài liệu khảo cứu, thời kỳ thịnh hành nhất Cà Mau có tới 772 miệng lò hầm than, trung bình mỗi tháng sản xuất gần 6.000 tấn than, xếp hàng cao nhất trong toàn xứ Nam kỳ.
Những mẻ than đước đầu tiên được làm ra ngay tại miệt vườn sông nước Phụng Hiệp, Hậu Giang không khiến người dân quanh vùng ngạc nhiên. Thời buổi điện chưa kéo về nông thôn, xăng dầu, khí gas là thứ xa xỉ thì than củi là nguồn cung cấp nhiệt năng quan trọng trong sinh hoạt hằng ngày, từ sản xuất tới nấu ăn, sưởi ấm và cả... ủi quần áo.
Than Tân Thành làm ra không đủ bán, nên người ta đua nhau xây lò. “Nhiều đêm cha con tui phải thức đêm, thắp đèn măng sông để vừa xây lò vừa dạy cách đốt than cho người dân trong xóm. Từ rạch Ngay, làng nghề hầm than nhanh chóng lan ra hai bờ kênh xáng Cái Côn với khoảng 200 miệng lò, đêm ngày đỏ lửa, ghe tàu tấp nập cả một khúc sông ra vào chở củi, chở than tỏa đi tiêu thụ các tỉnh” - ông Tư Hoàng nhớ lại. Khi ông Năm Tốt qua đời, ông Tư Hoàng tiếp tục thay cha “thổi lửa” cho làng nghề.
Lò hầm than có hình bầu tròn như cái bánh bao khổng lồ, đường kính chỗ rộng nhất khoảng7,5 - 8m, cao chừng 3,5m. Đặc biệt lò xây không dùng tới ximăng hay sắt thép, mà chỉ cần bùn non trộn với cát để kết dính những viên gạch lại với nhau. Người thợ khéo tay như ông Tư Hoàng cùng với một thợ phụ để sai vặt trong hai ngày có thể xây xong một lò, chứa tới 60 thước củi hầm và được trả công chừng 2,5 - 3 triệu đồng.
Qua hơn 30 năm trong nghề, ông Tư Hoàng đã xây hàng trăm lò hầm than, không chỉ cho làng nghề Tân Thành mà mở rộng ra nhiều tỉnh miền Trung, Tây nguyên. Số thợ phụ theo tiếp việc chuyển gạch, trộn vữa giờ đã ra nghề trở thành thợ xây hầm chính cũng tớihàng chục.
“Trông đơn giản vậy nhưng xây lò là cả một nghệ thuật, đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm, chứ nếu non tay thì bị “sập hầm” như chơi”. Như thế nào là sập hầm?, ông Ba Chân - một người có thâm niên hơn 30 năm trong nghề hầm than - giải thích: “Ấy là khi xây không khéo, lò bị nứt, lửa bén vô thiêu rụi củi hầm ra tro chứ không thành than. Đó là thảm họa đối với dân làm nghề hầm than. Nhưng trong suốt mấy chục năm trong nghề, ông Tư Hoàng chưa một lần phải chứng kiến tình cảnh ấy”.
Trong một cơ sở đóng gói than xuất khẩu ở xã Tân Thành - Ảnh: Tấn Đức |
Giấc ngủ 2 giờ
Phạm Ngọc Tú (38 tuổi, là con thứ hai trong gia đình có ba thế hệ làm nghề hầm than, ở ấp Đông An 2A, xã Tân Thành) ví von: “Nghề hầm than như chăm trẻ sơ sinh, nhất là giai đoạn đốt lò, phải thức canh giờ giấc để duy trì cường độ đốt lò trong từng giai đoạn, chứ không thì than thành tro hoặc bị bong (vụn nát) hết.
Hồi đầu chưa quen còn phải đặt đồng hồ báo thức bên đầu. Giờ đã thành phản xạ tự nhiên, ngủ ngon cỡ nào cũng trong vòng hai giờ là tự nhiên thức dậy kiểm tra, vô củi đốt lò rồi lại ngủ tiếp. Cứ thế thành ra mỗi đêm có tới ba, bốn giấc!” - Tú cho biết.
Cũng theo lời Tú, người chủ lò có thể thuê mướn nhân công phụ làm mọi việc, từ cưa củi, lột vỏ củi, gánh củi xếp vô lò, ra than... nhưng việc chụm lò thì rất khó có người đủ kinh nghiệm để thay thế. Thời gian để cho ra đời một mẻ than, từ lúc chất củi vô đốt kéo dài khoảng 35 - 40 ngày, tùy theo loại củi hầm và độ khô, ướt.
Vậy nhưng, dù là củi gì việc đốt lò cũng phải qua ba giai đoạn. Giai đoạn đầu từ 4 - 7 ngày, phải đốt lò thật nhiều để duy trì ngọn lửa cao (dân trong nghề gọi là lửa dương) nhằm tạo sức nóng trong lò. Giai đoạn hai cũng từng ấy thời gian, là thời điểm “căng thẳng” nhất, phải duy trì “lửa âm”, chụm lò ít hơn nhưng không được để lửa tắt, nhằm duy trì hơi nóng cho lò, giữ cho ngọn lửa cứ âm ỉ mãi. Lúc này củi đã có vẻ khô, khói và hơi nóng trong lò bốc từ dưới lên liên tục, nhưng do trong lò thiếu oxy nên củi hầm không cháy được, bắt đầu thành than từ trên xuống.
Những thợ lò có kinh nghiệm như ông Tư Hoàng, anh Tú chỉ cần nhìn màu và ngửi mùi khói là biết đã tới lúc “bế” lò hay chưa. Nếu thấy khói lên thành sợi, không màu, có mùi “thơm như khoai lang nướng” chủ lò phải mau mau kêu người tới phụ dùng gạch và bùn non pha cát bít miệng lò và bốn ống khói xung quanh lại. Lò được bế trong khoảng hai tuần mới nguội hẳn, và lúc này người chủ mới có thể khui miệng hầm bốc than đi giao cho mối.
Hỏi chuyện lời lỗ sau mỗi mẻ than, anh Tú xòe bàn tay đen nhẻm tính. “Với giá củi đước dưới 2 triệu đồng/m3 như hiện nay, chi phí đầu tư một lò than khoảng
120 - 130 triệu đồng. Nếu suôn sẻ, sau khoảng 40 ngày ra than, trừ hết chi phí, còn lời khoảng hơn chục triệu đồng. Lợi nhuận tuy meo (ít) nhưng ổn định, mối mang cũng sẵn, mua bán dễ èng nên cứ làm tới” - anh Tú nói một cách vô tư.
Vừa qua, địa phương cũng đã xây dựng mô hình lọc khói bụi trong quá trình hầm than, đồng thời khuyến cáo người dân thực hiện theo nhằm giảm thiểu khí, bụi độc hại trong quá trình sản xuất. Người dân thấy rõ hiệu quả của mô hình nhưng do chi phí đầu tư khá cao, khoảng 40 triệu đồng / thiết bị lọc nên việc đầu tư chống ô nhiễm của người dân làm nghề đốt lò than vẫn còn khó khăn quá (Ông Ngô Văn Khởi, Phó chủ tịch UBND xã Tân Thành) |
Băn khoăn làng nghề Giữa đồng bằng mà có một làng hầm than như Tân Thành kể cũng là chuyện lạ. Xuôi dòng kênh Phụng Hiệp từ Cần Thơ về Sóc Trăng, dọc hai bên dòng kênh là những lò hầm than san sát nhau, mùi khói mùi than quyện trong không gian trong lành của miệt sông nước Nam bộ này gây cảm giác vừa khó chịu vừa lạ lùng cho những người xuôi ghe thuyền qua đây. Nhiều người khách vãng lai thắc mắc giữa vùng lúa mênh mang này lấy củi đâu để đốt lò? Té ra nguồn vật liệu để làm than chính là các loại củi tràm, đước được chở từ vùng rừng U Minh đến cách đó cả trăm cây số đường đò. Bổ sung vào đó là nguồn cây tạp từ những vườn cam, quýt, nhãn đặc sản của đồng bằng bị nông dân đốn bỏ. Nghề hầm than đã nuôi sống hàng ngàn con người, qua mấy thế hệ ở xã Tân Thành. Ở đây có nhiều hộ gia đình làm ăn khấm khá, từ một lò than giờ đã phát triển lên 5 - 7 miệng lò. Nhiều người góp tiền đóng ghe trọng tải hàng chục tấn để trực tiếp chở than đi giao mối cho các tỉnh. Khoảng ba năm trở lại đây trong làng nghề cũng hình thành một cơ sở mua than đóng hộp để xuất khẩu sang Nhật. “Đầu ra cho sản phẩm đang rất rộng mở khi song hành với các loại chất đốt khác, than củi vẫn còn “chỗ đứng” trên những bàn ăn từ thành thị tới nông thôn” - ông Ngô Văn Khởi, phó chủ tịch UBND xã Tân Thành, nói. Đó là những tín hiệu vui. Nhưng nhìn những đôi tay lấm lem, đen nhẻm cặm cụi làm việc bên các lò than, người ta không khỏi bận lòng: liệu rằng khói bụi lò than có ảnh hưởng đến sức khỏe con người? Rồi những vườn cây trái chuyên canh cam, bưởi, chôm chôm ngay phía sau làng nghề, trong đó có nhiều vườn cây trái của chính những chủ lò than, liệu có bị giảm năng suất. Ai cũng biết làng hầm than này gây ô nhiễm không khí cho cả vùng nhưng từ trước giờ vẫn chưa có một nghiên cứu, khảo sát căn cơ nào để khuyến cáo và đánh giá tác động của bụi than đối với con người và môi trường tại làng nghề này. Đó cũng là tâm trạng của ông Ngô Văn Khởi: “Vào khu vực lò than một lúc là bị khói bụi đóng đen sì. Cây cối ở gần cũng bị xạm lá. Mắt thường thấy vậy nhưng lâu nay xã cũng chưa thấy có ai phàn nàn, phản ảnh tình trạng ô nhiễm môi trường tại làng nghề hầm than. Tôi cũng có hỏi thăm mấy người trực tiếp làm nghề hầm than, họ nói sức khỏe cũng bình thường, không thấy ảnh hưởng gì. Mong sao có một nghiên cứu chính thức của cơ quan chức năng về tác động của khói bụi than đối với con người và môi trường”. |