Mâu thuẫn xóm làng: Quả bom nổ chậm!

Chị Nguyễn Thị Tuyết (ấp Chòm Dừa, xã Đồng Khởi, Châu Thành, Tây Ninh) đến Pháp Luật TP.HCM bày tỏ bức xúc của mình: Có một hàng xóm xấu bụng khơi nước ngập tám công ớt của chị làm hôm sau nhiều vạt ớt héo rũ, rụng hết bông. Công thợ, tiền nợ ngân hàng, tiền ăn học của con gái chị đều dựa vô đám ớt đó.

Không nhìn mặt nhau vì… tiếng chửi thề

Chuyện bắt đầu từ việc chị Tuyết góp ý một người hàng xóm phun thuốc làm thuốc bay qua chết một đám ớt của chị. Chị có gặp hàng xóm này nhắc nhở rồi bỏ qua. Nhưng không hiểu cơn cớ từ đâu, một người hàng xóm khác tên là C. cứ gặp chị là chửi thề, rồi chửi chị là “ớt xấu chết bày đặt đổ thừa”. Chị giận quá, vả miệng ông hàng xóm chửi thề một cái. Vậy là hai bên xô xát, ông C. bị lọt xuống cái mương cạn.

Cuối tháng 4-2015, gia đình chị đi công chuyện thì ở nhà có người khơi nước từ kênh vô ngập đám ớt làm thiệt hại tám công ớt, trị giá 25 triệu đồng. Có người thấy hôm xảy ra vụ việc, ông C. đi qua rẫy nhà chị. Chị Tuyết mếu máo đi trình báo ấp và làm đơn gửi lên xã. Ấp mời cả hai lên hòa giải.

Từ khi xảy ra xích mích với hàng xóm, chị Tuyết vừa giận vừa lo lắng. Chị bị sụt ký và tối không ngủ được. Chị nói: “Hàng xóm dọa sẽ “cho nhà mày banh luôn”. Ban, ấp không giải quyết thì tôi biết sống sao với hàng xóm này đây”. Hàng xóm của chị cũng ra ấp khiếu nại chị về “tội” hành hung vì chị đã tát má ông và đẩy ông lọt mương.

Chị Tuyết cho rằng nhiều cây ớt vườn nhà chị phải nhổ bỏ, thiệt hại hết 25 triệu đồng vì có người hàng xóm xấu bụng tháo nước vào làm ngập ớt. Ảnh: H.MINH

Ông Đinh Thế Nhung (trưởng ấp Chòm Dừa) cho biết: “Mới đây, ban hòa giải của ấp đã dàn xếp ổn thỏa chỗ chị Tuyết và ông C. Cả hai bên gia đình đã không còn căng thẳng với nhau. Trước khi ra hòa giải, tôi nghiên cứu kỹ sự tình rồi nói có tình có lý nên họ chịu”.

Về việc ớt của chị Tuyết bị chết do khơi nước, ông chuyển đơn lên công an xã để điều tra, vì việc này thuộc thẩm quyền của cơ quan chức năng. Dù vậy, ông cũng khuyên chị Tuyết bình tĩnh vì không bắt quả tang được ai khơi nước mà cứ đổ qua hàng xóm là không hay. Riêng xích mích xung quanh vụ xô xát, ông nghe cả hai phía trình bày rồi tổ chức họp hòa giải. Mặc dù ông C. là người viết đơn khiếu nại nhưng đã bị trưởng ấp phê bình gay gắt: “Anh làm đàn ông không nên chấp nhất với phụ nữ. Anh cũng có lỗi sao đi kiện người ta? Hàng xóm có gì cũng nên chạy qua giúp đỡ nhau”. Vì bên nào cũng bị phê bình “đúng người, đúng tội” nên cả hai đồng ý bỏ qua cho nhau, dù vẫn làm mặt giận chưa nói chuyện.

Có thể dẫn đến án mạng

Vào tháng 3-2015, BV Đa khoa Cao Văn Chí (Tây Ninh) tiếp nhận một nạn nhân bị té xe. Nạn nhân là ông MVB (Hòa Thành, Tây Ninh) cho biết ở xóm ông có nhiều thanh thiếu niên đi chơi về khuya thường xuyên nẹt pô, làm ông không ngủ được, nhiều người cũng thấy phiền hà.

Ông sang nhà hàng xóm, nói chuyện với cha mẹ của một thanh niên trong xóm yêu cầu họ “dạy bảo con cho đàng hoàng”. Trong lúc tức giận, ông có nói hàng xóm không biết dạy con, để con “chạy xe mất dạy như tướng cướp”. Hàng xóm chửi lại, nói ông già khó tính, kỳ cục, nhỏ nhen. Thấy có thể xảy ra xô xát nên ông bỏ về. Cũng từ đó mối quan hệ giữa ông và hàng xóm trở nên rất căng thẳng.

Mấy lần đụng mặt nhau, hàng xóm đều xỉa xói xúc phạm ông. Một hôm, ông thấy cây mai trước sân nhà bị chặt ngang. Nghĩ hàng xóm làm, ông lấy dao ra chặt hết những cành cây ăn trái của nhà hàng xóm “đụng” hàng rào vườn nhà để trả đũa.

Một hôm ông đi ăn đám giỗ về hơi trễ, thấy phía sau có xe chạy theo ép xe ông mấy lần, lần ép sau cùng khi đến gần nhà ông làm ông bị té xe, gãy chân. Ông cho rằng ở cạnh hàng xóm xấu bụng rất dễ xảy ra án mạng. Ông nói: “May mà tôi kiềm chế nhiều lần, chứ như người khác chắc xảy ra án mạng lâu rồi”. Vì ông B. làm ở mặt trận xã nên không muốn đưa chuyện ra xã giải quyết, mâu thuẫn cứ như thế âm ỉ kéo dài mãi...

Vai trò của ấp rất quan trọng

Việc xích mích giữa các gia đình, giữa các thôn xóm là rất phổ biến. Vì vậy ai cũng cần khoan dung, nhường nhịn một chút. Từ mâu thuẫn nhỏ, nếu cứ lời ra tiếng vào, nếu không ai chịu ai có thể thành lớn chuyện.

Trong hai nhiệm kỳ làm trưởng ấp, tôi thấy khi hàng xóm có mâu thuẫn thì vai trò của ban hòa giải ấp rất quan trọng. Các thành viên ban hòa giải phải tìm hiểu được nguyên nhân và hiểu được nỗi ấm ức của cả hai. Khi đưa ra ấp hòa giải, tùy tính cách từng người mà cán bộ ấp có cách nói phù hợp. Có nhiều người ăn to nói lớn, bình thường không chịu nhường ai nhưng khi bị phê bình “trúng tim đen” và nhìn nhận khía cạnh đúng của họ thì họ tâm phục khẩu phục và chấp nhận phương án hòa giải. Hầu hết vụ việc đều đưa ra ấp trước phần lớn vụ việc chúng tôi hòa giải thành. Có mấy nhà hôm trước xô xát nhau, hôm sau đồng ý làm hòa. Chỉ một số ít tôi phải đưa vụ việc lên xã hoặc chuyển qua tòa án.

Ông ĐINH THẾ NHUNG, Trưởng ấp Chòm Dừa,
xã Đồng Khởi, Châu Thành, Tây Ninh

Không phải lúc nào người trong cuộc cũng đủ tỉnh táo để kiềm chế. Năm 2014, ở xã Tân Phú (Tân Châu, Tây Ninh) xảy ra một vụ án mạng làm một người thiệt mạng, một người vào tù. Mâu thuẫn bắt đầu từ những chuyện lặt vặt giữa hàng xóm với nhau. Ông NVCh không muốn vợ mình sang nhà hàng xóm chơi. Một hôm thấy vợ sang nhà hàng xóm, ông Ch. sang kêu vợ về và đứng ở nhà hàng xóm chửi. Hàng xóm của ông là Nguyễn Văn Phú đã có sẵn chút men rượu nên ra chửi lại, hai bên xô xát với nhau.

Ông Ch. về nhà rồi nhưng một lúc sau Phú vẫn thấy… tức mình nên cầm theo một cây kéo qua nhà hàng xóm gây lộn tiếp. Được một lúc thì tiếp tục xảy ra xô xát. Phú bị phang thanh kim loại vào đầu chấn thương, ông Ch. bị đâm hai nhát kéo thiệt mạng. Hiện Phú phải chấp hành án tù chung thân về tội giết người khi mới 20 tuổi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm