Ngày thứ 2 xử đại án đăng kiểm: VKS công bố được 84/341 trang cáo trạng

(PLO)- Kết thúc ngày làm việc thứ hai của đại án đăng kiểm, đại diện VKS đã công bố đến trang 84/341 trang cáo trạng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 19-7, TAND TP.HCM tiếp tục phiên xét xử sơ thẩm 254 bị cáo trong đại án đăng kiểm xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, 11 trung tâm đăng kiểm trên địa bàn TP.HCM và 3 trung tâm đăng kiểm tại Long An, Bến Tre, Sóc Trăng.

Kết thúc ngày làm việc thứ 2, đại diện VKS đã công bố đến trang 84/341 trang cáo trạng về hành vi phạm tội của các bị cáo.

HĐXX thông báo, 8 giờ sáng thứ 2 (ngày 22-7) sẽ tiếp tục phiên xét xử. Đối với các bị cáo đang bị tạm giam tại Trại giam T30 - Công an TP.HCM, tòa đã có danh sách dẫn giải gửi đến trại giam. Trại giam cứ theo danh sách đó trích xuất các bị cáo đến phiên tòa.

HĐXX lưu ý đối với nhóm lãnh đạo Cục được xét hỏi đầu tiên có 28 bị cáo tính cả bị cáo tạm giam và tại ngoại, đến ngày xét hỏi tất cả các bị cáo và luật sư của các bị cáo này đều phải vào bên trong phòng xử án, nhằm thuận tiện cho HĐXX, viện kiểm sát và luật sư tham gia xét hỏi.

Quy luật ăn chia tại Cục đăng kiểm

Cáo trạng của VKSND TP.HCM xác định, hàng tháng sau khi nhận được tiền hối lộ và phân chia, các đăng kiểm viên (ĐKV) sẽ đưa tiền cho Trần Anh Quân (quyền trưởng phòng VAR), sau đó Quân trực tiếp đưa cho Trần Kỳ Hình 60 triệu đồng/tháng và Đặng Việt Hà (Phó Cục trưởng) số tiền 20 triệu đồng/tháng, một phần Quân sử dụng để ngoại giao, tiếp khách; phần còn lại Quân hưởng lợi.

đại án đăng kiểm.jpg
Đại diện VKSND TP.HCM đã công bố xong trang 84/341 trang cáo trạng. Ảnh: HOÀNG GIANG

Từ tháng 8-2021, Trần Kỳ Hình nghỉ hưu và Đặng Việt Hà được bổ nhiệm giữ chức vụ Cục trưởng. Trong cuộc họp với lãnh đạo Phòng VAR, Đặng Việt Hà đã yêu cầu Phòng VAR hàng tháng phải báo cáo chính xác số liệu hồ sơ đã thẩm định thiết kế, với mục đích phải bảo đảm lợi ích của Hà là cao nhất. Quân và những người tham gia trong cuộc họp đều hiểu rằng khi nhận tiền trong quá trình thẩm định thiết kế thì phải chia cho Hà tỷ lệ cao nhất.

Sau cuộc họp trên, Trần Anh Quân đã triệu tập tất cả các ĐKV để bàn bạc, và cùng thống nhất cách thức chia tiền theo tỷ lệ như sau: Đặng Việt Hà 400.000 đồng/hồ sơ, Trần Anh Quân 300.000 đồng/hồ sơ, các Phó phòng VAR mỗi người 100.000 đồng/hồ sơ, đưa vào quỹ ngoại giao 140.000 đồng/hồ sơ, cho các nhân viên văn phòng mỗi người 40.000 đồng/hồ sơ, số tiền còn lại ĐKV được hưởng. Tất cả các ĐKV đều thống nhất chủ trương, quy ước chia tiền nêu trên.

Sau khi có quy ước nêu trên, từ ngày 1 đến ngày 10 các ĐKV sẽ tổng kết lại số hồ sơ để tính toán đưa tiền cho Quân, Quân sau đó bỏ tiền vào phong bì đưa tiền cho Đặng Việt Hà tại phòng làm việc của Hà.

Công ty kiểm định xe cơ giới là "sân sau" của các đăng kiểm viên

Về sai phạm của các bị cáo trong nhóm các công ty thiết kế cải tạo xe cơ giới, VKS xác định, để có tiền chung chi cho lãnh đạo Cục đăng kiểm và chia nhau, lãnh đạo phòng VAR và các ĐKV thống nhất chủ trương nhận tiền hối lộ đối với tất cả các phương tiện gửi hồ sơ đến phòng VAR thẩm định thiết kế cải tạo phương tiện cơ giới.

Do vậy, các Công ty thiết kế hồ sơ khi nộp hồ sơ thẩm định lên Cục đăng kiểm, muốn hồ sơ thẩm định đạt thì buộc phải nộp tiền cho các ĐKV theo số lượng hồ sơ được thẩm định đạt theo mức từ 2-3 triệu đồng/hồ sơ (tùy từng Công ty).

dang-kiem 2.jpg
Các bị cáo trong đại án đăng kiểm tại tòa ngày 19-7. Ảnh: THUẬN VĂN

Qua đối chiếu kiểm tra thì có 16 Công ty đã được cấp 26.692 hồ sơ, đưa hối lộ số tiền 60,7 tỉ đồng cho ĐKV phòng VAR.

Ví dụ, Công ty TNHH thương mại dịch vụ ô tô An Bình và Công ty cổ phần thương mại và dịch vụ kỹ thuật VCAR tại Hà Nội, cả hai Công ty nêu trên do Hoàng Xuân Thảo, Trịnh Bình Dương, Vũ Hồng Quang (là các ĐKV phòng VAR) góp vốn thành lập và thuê Lã Thu Chiền làm Giám đốc, người đại diện theo pháp luật để thực hiện việc nhận, lập hồ sơ thiết kế cải tạo cho các phương tiện.

Từ ngày 1-3-2019 đến ngày 30-9-2022 hai công ty trên đã được thẩm định 4.519 hồ sơ thẩm định "đạt", đưa hối lộ hơn 11,1 tỉ đồng.

Tương tự, Công ty TNHH dịch vụ thiết kế kỹ thuật ô tô Đức Thịnh và Công ty TNHH ô tô An Phát tại Hà Nội đều do Lê Đức Thiện làm Giám đốc, đại diện theo pháp luật, tham gia điều hành hoạt động hai Công ty trên có Lại Thái Phong và Nguyễn Minh Tuấn (hai ĐKV phòng VAR) thỏa thuận ăn chia lợi nhuận. Tổng số tiền đưa hối lộ của hai công ty này xác định là 12,4 tỉ đồng.

Phá đại án đăng kiểm từ 2 chiếc ôtô vi phạm

Theo cáo trạng, ngày 26-10-2022 và ngày 28-10-2022, khi tuần tra, kiểm soát, tổ công tác của Phòng CSGT, Công an TP.HCM phát hiện 2 xe ô tô có dấu hiệu cơi nới thành thùng so với quy chuẩn. Kết quả kiểm tra xác định số đo kích thước thành, thùng xe trùng khớp với số đo kích thước trong Giấy chứng nhận kiểm định. Tuy nhiên, lại sai lệch so với số đo theo thông số kỹ thuật của xe trên cơ sở dữ liệu của Cục đăng kiểm Việt Nam.

Từ dấu hiệu tội phạm này, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM tiến hành điều tra, xác định hành vi phạm tội có tổ chức xuyên suốt từ Cục đăng kiểm Việt Nam đến các Trung tâm đăng kiểm phương tiện cơ giới, Chi cục đăng kiểm phương tiện thủy nội địa tại TP.HCM và các địa phương trên cả nước.

Kết quả điều tra đến nay, cơ quan điều tra đã khởi tố 254 bị can về 11 tội danh, trong đó có nhiều bị can bị khởi tố từ 2-3 tội.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm