Báo cáo nhanh của Sở GD&ĐT TP.HCM cho hay kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại TP kết thúc tốt đẹp, không có trường hợp giám thị hay thí sinh nào vi phạm quy chế thi.
TP.HCM: Đề toán có mức độ phân hóa
Đánh giá về đề thi môn toán tại TP.HCM, nhiều giáo viên cho biết nhìn chung để đạt được điểm trung bình, học sinh (HS) có thể làm tốt nhưng đây là kỳ thi tuyển sinh nên đề cũng có mức độ phân hóa.
Thầy Lâm Vũ Công Chính, giáo viên toán, Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, cho biết đề thi gồm tám câu. Đề thi có 50% kiến thức sách giáo khoa, 50% vận dụng thực tế. Điều này rất tốt để khuyến khích giáo viên và HS trong dạy và học.
Câu 1, 2, 8 là dạng bài tập theo sách giáo khoa. Các câu còn lại là dạng toán thực tế. Câu 4, 7 tương đối dễ với HS. Riêng câu 3 dữ kiện khá dài với hai câu hỏi mà mức điểm chỉ 0,75 điểm. Còn câu 5 là một bài toán dạng lớp 7.
Đề thi có sự phân hóa HS tại câu 6 và phần cuối của câu 8. Câu 6 là dạng tích hợp kiến thức hình học không gian với một ít kiến thức địa lý, cụ thể là hai khái niệm kinh tuyến, vĩ tuyến đã học ở lớp 6 khiến nhiều HS quên, không thể vận dụng để giải bài toán.
“Nói chung nội dung câu hỏi hay, mức độ câu hỏi vừa phải. Thí sinh biết cân đối thời gian làm bài sẽ có thể làm tốt” - thầy Chính nói.
Đồng quan điểm, thầy Nguyễn Đăng Phú, giáo viên toán, Trường THCS Lê Quý Đôn, quận 3, cho biết nói chung đề thi toán vừa sức với thí sinh, chỉ riêng câu thứ 6 HS giỏi mới có thể làm được.
Cấu trúc đề năm nay tương tự năm ngoái. Có điều HS đã quen dần với các dạng toán thực tế nên các em dễ làm hơn. Các câu hỏi vừa sức, không khó. Tuy nhiên, câu 6 hơi lạ, HS cần phải có sự tư duy mới có thể làm được. Còn câu 8 phần hình học ở mục a, b đơn giản, chỉ có câu c hơi khó.
Thí sinh rời phòng thi sau giờ thi toán tại điểm thi THCS Đống Đa, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG
Hà Nội: Đề tiếng Anh vừa sức với HS
Thầy Nguyễn Trung Nguyên, giáo viên tiếng Anh tại Hệ thống giáo dục HOCMAI, cho biết tổng quát đề thi tiếng Anh tuyển sinh lớp 10 năm nay phân bổ theo 50% từ vựng và 50% ngữ pháp. Ngữ pháp và từ vựng đều nằm trong kiến thức chương trình THCS.
“Đề thi vào lớp 10 tại Hà Nội năm nay được đánh giá khá vừa sức với HS, không có nhiều yếu tố đánh đố HS. Về chi tiết: Phần trắc nghiệm có 32 câu được chia thành năm nội dung: Phát âm, hoàn thành câu, chữa lỗi sai, giao tiếp, đọc hiểu và điền từ. Phần trắc nghiệm nội dung tìm lỗi sai khá khó vì nó nằm ở trong mảng cụm động từ, một mảng kiến thức luôn khó với HS.
Phần đọc hiểu được chia thành hai bài và cả hai bài đều mang tính thời sự và gắn liền thực tế (trò chơi đồng đội và giảm áp lực thi cử). Bài đọc và trả lời câu hỏi (chọn đáp án đúng) có độ khó trung bình, các em chỉ cần tìm đúng từ khóa là có thể trả lời được.
Phần chọn từ điền vào chỗ trống tương đối khó, HS phải có từ vựng mới có thể làm được tốt.
Phần viết lại câu (tự luận) khá đơn giản vì gần như là nằm trong các cấu trúc ngữ pháp cơ bản. Tuy nhiên, bài tự luận số hai (viết lại câu với từ cho trước) khá khó. Đây là bài mang tính phân loại, HS cần nắm chắc ngữ pháp và từ vựng mới có thể làm được.
Dự kiến ngày 10-7, TP.HCM công bố điểm chuẩn vào lớp 10 Ngay sau khi kết thúc kỳ thi, ngày 4 và 5-6, Sở sẽ tiến hành làm phách bài thi. Ngày 6-6, Sở sẽ tiến hành chấm thi. Dự kiến ngày 13-6, Sở công bố kết quả thi. Từ ngày 13 đến 15-6, nhận đơn phúc khảo của thí sinh tại trường THCS. Ngày 14 đến 18-6, Sở tiến hành chấm phúc khảo. Ngày 19-6, công bố kết quả phúc khảo. Ngày 10-7 dự kiến công bố điểm chuẩn tuyển sinh lớp 10. Ông LÊ HOÀI NAM, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM |
Còn thầy Nguyễn Danh Chiến, giáo viên tiếng Anh tại Hà Nội, cũng cho biết: Các thí sinh nhận thấy đề thi tiếng Anh năm nay có cấu trúc tương tự đề minh họa do Sở GD&ĐT Hà Nội công bố. Đề thi có 40 câu, thời gian làm bài 60 phút, bám sát kiến thức và kỹ năng của chương trình tiếng Anh cấp THCS, chủ yếu là chương trình lớp 9.
Đề thi có mức độ yêu cầu rất cơ bản, không gây khó khăn nhiều cho HS. Các câu hỏi trắc nghiệm liên quan đến kiến thức ngôn ngữ như ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp được HS đánh giá là dễ dàng trả lời. Phần viết chuyển dạng câu có phần khó đối với các em vì đây là phần có tính phân loại cao, đòi hỏi thí sinh phải biết vận dụng kiến thức đã học như cấu trúc câu, dạng thức ngữ pháp, khả năng kết nối và diễn đạt. Bài đọc không có tính thách đố đối với các HS trung bình-khá vì thông tin rất rõ ràng trong bài, giúp các em nhận diện câu trả lời thuận lợi.
Tóm lại, với mức độ yêu cầu của đề thi tiếng Anh vào lớp 10 THPT năm nay của Hà Nội là rất cơ bản, vừa sức HS. Chỉ cần các em chăm chỉ học tập và vận dụng kiến thức đã học là có thể đạt được 5 điểm trở lên, với những HS khá-giỏi có thể đạt điểm 8 trở lên.
Môn lịch sử: Học sinh không khó để đạt điểm 7 Theo TS Lê Thị Thu Hương, giáo viên lịch sử, Hệ thống giáo dục HOCMAI, nhận định: Nhìn chung đề thi phù hợp với yêu cầu của kỳ thi, vừa sức với thí sinh và vẫn có tính phân loại, mức phổ điểm chủ yếu ở mức 7 điểm. Đề thi nằm hoàn toàn trong chương trình lịch sử lớp 9. Các câu hỏi phủ đều các cấp độ nhận biết (60%), thông hiểu (30%) và vận dụng (10%). Trong đó, có 12 câu thuộc phần lịch sử thế giới (chiếm 30%) và 28 câu thuộc phần lịch sử Việt Nam (70%). Đề thi chủ yếu kiểm tra HS khả năng tái hiện các sự kiện, nhân vật lịch sử, bên cạnh đó các em cũng phải nắm được những đặc điểm nổi bật của từng giai đoạn lịch sử, có cái nhìn tổng quát xuyên suốt các vấn đề để trả lời những câu hỏi ở mức độ khó hơn. |