Năm 2025, nhiều trường đại học bỏ chỉ tiêu xét tuyển điểm học bạ

(PLO)- Từ năm 2025, nhiều trường đại học dự kiến bỏ hoặc giảm mạnh chỉ tiêu xét tuyển điểm học bạ THPT khi tuyển sinh đầu vào bậc đại học chính quy.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thời điểm này, nhiều trường đại học (ĐH) đã bắt đầu có những công bố dự kiến về kế hoạch tuyển sinh ĐH chính quy năm 2025 và định hướng những năm tiếp theo để phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới 2018.

Trong đó, điểm mới đáng chú ý là nhiều trường sẽ tăng các phương thức xét tuyển riêng và giảm mạnh, thậm chí bỏ hẳn việc xét điểm kết quả học tập THPT (học bạ).

Nhiều trường ĐH lớn bỏ xét học bạ

Trao đổi với PLO, Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trung, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết từ năm 2025 trường sẽ duy trì ba phương thức xét tuyển chính.

Ba phương thức này gồm: Xét điểm thi tốt nghiệp THPT (40-50% chỉ tiêu); tổ chức và xét điểm thi đánh giá năng lực chuyên biệt (40-50% chỉ tiêu theo ngành); xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển (10-15% chỉ tiêu).

Đáng chú ý trong đó, trường sẽ bỏ hình thức xét kết hợp với điểm học bạ và xét điểm thi đánh giá năng lực chuyên biệt do trường tổ chức. Thay vào đó, kỳ thi này sẽ sử dụng xét tuyển độc lập cho hơn 30 ngành học của trường.

Kỳ thi được tổ chức với sáu bài thi, gồm: Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn và tiếng Anh. Cấu trúc các bài thi được điều chỉnh để phù hợp theo chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018. Trong đó, phần nội dung kiến thức chiếm 70-80% là chương trình lớp 12, còn lại là chương trình lớp 10 và 11.

Để xét tuyển, thí sinh cần thi tối thiểu hai môn theo tổ hợp do trường quy định ở từng ngành dành. Điểm xét tuyển gồm một môn chính nhân hệ số 2 cộng với điểm môn còn lại trong tổ hợp.

Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trung cho biết dự kiến kỳ thi năm 2025 sẽ tăng số đợt thi ở các địa phương như: Long An, Gia Lai, Đà Nẵng và TP.HCM. Riêng tại TP.HCM, kỳ thi sẽ thêm điểm thi do Trường ĐH Công Thương TP.HCM tổ chức để thuận tiện cho thí sinh.

Tương tự, từ năm 2025, ĐH Quốc gia TP.HCM cũng xác định giảm còn 3 phương thức tuyển sinh ĐH, gồm: Xét tuyển thẳng, xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức, xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT.

Đồng thời, ĐH Quốc gia TP.HCM khuyến khích các đơn vị xây dựng phương thức xét tuyển kết hợp. Điều này đồng nghĩa với một số phương thức đánh giá kết quả điểm học bạ THPT của học sinh sẽ không còn được sử dụng, như ưu tiên xét tuyển học sinh giỏi…

Trường ĐH Công Thương TP.HCM cũng dự kiến tiếp tục dành 50-60% chỉ tiêu cho xét tuyển bằng điểm tốt nghiệp THPT năm 2025. Đáng chú ý, trường sẽ giảm chỉ tiêu cho xét điểm học bạ THPT lớp 10, 11 và học kỳ 1 của lớp 12 xuống còn 15-20%.

Số chỉ tiêu còn lại sẽ dành cho xét tuyển thẳng, xét điểm đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM, xét tuyển điểm đánh giá năng lực chuyên biệt của ĐH Sư phạm TP.HCM.

Một số trường ĐH lớn ở khu vực phía Bắc cũng dự kiến không còn xét điểm học bạ như: Trường ĐH Y Hà Nội, ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân…

Xét điểm học bạ đại học năm 2025
Phụ huynh, thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển học bạ tại một trường ĐH ở TP.HCM. Ảnh: XD

Muốn tuyển chọn thí sinh phù hợp hơn

Nói về lý do bỏ sử dụng điểm học bạ trong xét tuyển ĐH từ năm 2025, Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trung, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho rằng chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 có nhiều thay đổi trong nội dung, kiểm tra đánh giá học sinh so với trước đây.

Hơn nữa, năm 2025 là năm thứ 4 trường tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt nên đã tạo được độ tin cậy cao và đánh giá được năng lực người học phù hợp với nhu cầu đào tạo của trường.

Kỳ thi này cũng bao quát, đủ đánh giá kết quả học tập của các em ở THPT. Cạnh đó, thí sinh cũng có thêm cơ hội xét tuyển hơn vì nếu chỉ dựa vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ bị hạn chế số môn xét tuyển (chỉ còn 4 môn thi – PV).

Còn theo đại diện lãnh đạo một trường ĐH phụ trách tuyển sinh tại TP.HCM, trường cũng đang cân nhắc mức độ sử dụng điểm học bạ trong tuyển sinh năm nay, vì đây là phương thức theo đánh giá từ Bộ GD&ĐT là chưa đảm bảo chất lượng.

Qua thống kê năm 2023, thí sinh trúng tuyển ĐH bằng điểm học bạ có kết quả thi tốt nghiệp THPT thấp hơn nhiều so với các em trúng tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT.

Chưa kể, vị này cho rằng thực tế ở nhiều trường những năm gần đây đã có tình trạng “làm đẹp” điểm học bạ khi các trường ĐH tăng chỉ tiêu cho xét điểm học bạ, hoặc cách đánh giá học bạ không có sự đồng nhất giữa các trường, giữa các địa phương nên chưa đảm bảo công bằng cho thí sinh ở các phương thức.

Bộ GD&ĐT đề xuất không công bố điểm chuẩn xét tuyển sớm trước 31-5

Theo văn bản chỉ đạo mới nhất của Bộ GD&ĐT cho năm học 2024-2025, bộ đề nghị các cơ sở đào tạo sớm hoàn thiện và công bố kịp thời các phương thức tuyển sinh từ năm 2025 trở đi.

Bộ cũng yêu cầu các cơ sở khắc phục triệt để vấn đề thiếu công bằng, tin cậy trong các phương thức, tiêu chí xét tuyển; bảo đảm phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, đồng thời có tác động tích cực tới hoạt động dạy và học trong giáo dục phổ thông.

Cùng với đó, tại hội nghị tổng kết kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2020-2024 và chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), lưu ý việc các trường ĐH sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh sớm (không sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT) khiến chỉ tiêu để xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT bị thu hẹp.

Nhiều em điểm thi cao nhưng vẫn không đỗ được nguyện vọng vào ngành học yêu thích. Điều này gây ra những ý kiến đánh giá không tốt về kỳ thi, đồng thời khiến học sinh lơ là việc học vì được trúng tuyển sớm.

Do đó, để khắc phục, Bộ GD&ĐT đề xuất các trường ĐH sẽ không được công bố điểm chuẩn xét tuyển sớm trước 31-5.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm