Như dự báo, khoảng 2 giờ sáng 17-7, bão số 2 (có tên quốc tế là Talas) đổ bộ vào Nghệ An với sức gió mạnh nhất đạt cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 9-10.
Cơn bão đã gây ra hậu quả nặng nề ở Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Bình…
Thiệt hại nặng về người và tài sản
Theo thông tin ban đầu, đến tối 17-7, Nghệ An có chín người chết và mất tích (hiện ba thuyền viên của tàu VTP 26 chưa tìm thấy).
Ở Nghệ An, bão làm 35 nhà bị sập, 200 căn nhà bị tốc mái, hư hỏng nặng và hơn 3.600 nhà bị tốc mái, hư hỏng nhẹ. Có 14 nhà bị sạt lở, 160 phòng học bị tốc mái, hư hỏng, một trạm y tế bị tốc mái; hơn 17.000 ha lúa, hoa màu, cây trồng bị thiệt hại và khoảng 80.000 cây xanh bị đổ, gãy cùng hàng ngàn gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi…
Theo thông tin mới nhất, có sáu thuyền viên trên tàu VTP 26 chết và mất tích; một người dân bị mái tôn căn nhà sập đè tử vong.
Ở khu vực huyện biên giới Quế Phong, đoàn công tác của Tổng cục Đường bộ, Cục Quản lý đường bộ 2 và Sở GTVT tỉnh Nghệ An vào bản Xốp Cháo (xã Đồng Văn, huyện Quế Phong) để kiểm tra, khắc phục tình trạng sạt lở ở một số vị trí tuyến đường giao thông. Khi đi trên quốc lộ 16 đoạn qua xã Đồng Văn, ô tô bán tải mất lái trôi theo dòng nước lũ. Anh Thái Huy Hào (chuyên viên của Ban quản lý vốn sự nghiệp thuộc Sở GTVT tỉnh Nghệ An) và anh Phạm Văn Chung (cán bộ kỹ thuật Công ty Cổ phần Trung Tín) không kịp thoát ra ngoài đã bị mất tích. Lực lượng chức năng đang tích cực tìm kiếm người bị nạn.
Lực lượng cứu hộ đưa anh Nguyễn Văn Sáng, máy trưởng của tàu VTP 26, lên bờ đi cấp cứu. Ảnh: ĐẮC LAM
Ở Quảng Bình: Sóng lớn đến 6 m đã đánh đắm 26 tàu cá của ngư dân xã Quảng Đông cùng một tàu vỏ thép của ngư dân xã Cảnh Dương, chín tàu cá tỉnh bạn, một tàu lai dắt của hải quân, ba sà lan của cảng, bảy tàu hàng bị sóng đánh vào bờ.
Tại Thanh Hóa có 10 căn nhà bị sập, tốc mái gần 300 căn, ngập úng hư hại hơn 2.000 ha lúa và hoa màu, nhiều tuyến đường tại các huyện miền núi Thanh Hóa bị chia cắt bởi lũ, mưa lớn.
Hà Tĩnh, nơi có rìa cơn bão đi qua nhưng gió cũng làm gần 100 căn nhà, kiốt, trường học, trụ sở UBND xã bị tốc mái, sập. Bão đánh chìm tám tàu thuyền ở tỉnh này.
Riêng khu vực Hà Nội, mưa to khiến nhiều tuyến phố ngập úng. Các cửa phai hồ Thành Công, Giảng Võ, Bảy Mẫu, Đống Đa… và đập Thanh Liệt đã được mở để điều hòa nước theo quy trình. Trạm bơm Yên Sở, trạm bơm Đồng Bông đang vận hành các bơm để tiêu thoát nước trên hệ thống.
Hà Nội vẫn đang có mưa và tình trạng úng ngập có thể còn diễn biến phức tạp.
Tìm thuyền viên mất tích xuyên đêm
Đến chiều tối 17-7, lực lượng cứu hộ ở Nghệ An đã cứu được bảy thuyền viên trong số 13 người trên tàu VTP 26 bị chìm lúc 2 giờ sáng cùng ngày trên vùng biển Cửa Lò. Ba thuyền viên đã tìm thấy nhưng không qua khỏi, hiện còn ba nạn nhân mất tích. Lực lượng cứu hộ, cứu nạn đang căng mình tìm kiếm họ.
Có mặt tại sở chỉ huy tiền phương tìm kiếm cứu nạn, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh chỉ đạo lực lượng tìm kiếm khẩn trương dồn sức tìm kiếm các thuyền viên đang mất tích. Ông cũng lưu ý các tàu phải thận trọng vì vùng biển đang không an toàn do sóng lớn.
Đại tá Trần Hải Bình, Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh Nghệ An, cho biết hiện bốn tàu hàng, hai tàu tìm kiếm cứu nạn SAR, hai tàu cảnh sát biển Việt Nam, ba tàu của bộ đội biên phòng Nghệ An, một tàu của biên phòng Hà Tĩnh cùng các tàu cá có các cán bộ, chiến sĩ tham gia tìm kiếm nạn nhân.
Có mặt tại sở chỉ huy tiền phương, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đề nghị lực lượng cứu hộ mở rộng khu vực tìm kiếm ra hướng phía Bắc. Công tác tìm kiếm diễn ra xuyên đêm.
Hai em nhỏ tử vong ở hố công trình trường học. Trưa 17-7, bão số 2 vừa tan, hai em nhỏ Nguyễn Văn Đạt, Nguyễn Văn Hoàng (tám tuổi) rủ nhau đến công trình Trường Tiểu học xã Cẩm Hưng (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) chơi thì rơi xuống hố công trình tự hoại của trường tử vong. |