Nghe cuộc gọi lạ giả danh công an, người phụ nữ bị lừa mất 1.6 tỷ đồng

(PLO)- Nhận được điện thoại của một đối tượng tự xưng là cán bộ công an thông báo có liên quan đến vụ án, bà T chuyển 1.4 tỷ đồng cho đối tượng giả danh. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cho biết, trong hai tuần (26-2 đến 2-3-2024) tiếp tục xuất hiện nhiều vụ lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam.

PLO xin gửi tới bạn đọc những vụ lừa đảo nổi bật

Bán iPhone chính hãng giá rẻ thông qua mạng xã hội

Mới đây, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết đang mở rộng điều tra hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức bán điện thoại di động iPhone chính hãng giá rẻ thông qua mạng xã hội.

Sau quá trình điều tra, cơ quan chức năng đã xác định được đối tượng và tiến hành bắt giữ. Tại đây, các đối tượng khai nhận hành vi phạm tội.

nghe-cuoc-goi-la-gia-danh-cong-an-nguoi-phu-nu-mat-1-6-ty-dong.jpg
Các đối tượng quảng cáo việc bán điện thoại di động nhãn hiệu Apple iPhone chính hãng. Ảnh: Cục ATTT.

Các đối tượng quảng cáo bán iPhone chính hãng, mới nguyên seal (chưa bóc hộp) với giá giao động từ 6.990.000 đến 7.590.000 đồng trên mạng xã hội Facebook.

Khi người dùng Facebook thấy điện thoại iPhone được bán với giá rẻ nên để lại thông tin liên hệ mua hàng gồm: họ tên, địa chỉ, số điện thoại và lựa chọn loại máy để mua.

Sau đó các đối tượng sử dụng số điện thoại rác, Zalo không chính chủ với tên gọi Ngọc SP, Phương SP, Hằng SP, Phương SP… để liên hệ tư vấn bán hàng và cam kết với khách hàng đây là iPhone chính hãng, còn nguyên seal và được bảo hành chính hãng 12 tháng.

Khi khách hàng đồng ý mua hàng, các đối tượng gửi hàng cho khách thông qua dịch vụ giao hàng thu hộ và yêu cầu khách hàng phải thanh toán tiền cho nhân viên giao hàng rồi mới cho nhận hàng để kiểm tra.

Nhưng trên thực tế, hàng các đối tượng dùng để gửi cho khách chỉ là điện thoại di động giả, có bề ngoài gần giống với iPhone chính hãng.

Tạo lập tài khoản Facebook ảo sau đó lừa đảo bán vé máy bay qua mạng

Công an tỉnh Quảng Bình cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Bố Trạch vừa quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trần Khả Ái (SN 2006, trú tại xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) về tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc tạo lập tài khoản Facebook ảo sau đó lừa đảo bán vé máy bay qua mạng.

Tại cơ quan Công an, Trần Khả Ái khai nhận do không có công ăn việc làm nên đã lập Facebook tên Ngọc Minh (sau đổi tên lần lượt thành Uyen TranTran Nhu Hao đăng tải thông tin hiển thị như một trang đại lý bán vé máy bay chuyên nghiệp.

Sau đó, đối tượng đăng bài lên các hội nhóm mua bán vé máy bay nhằm thu hút khách hàng. Khi có khách hàng tiếp cận mua vé máy bay và chốt đơn, đối tượng sẽ yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào các số tài khoản ngân hàng mà đối tượng gửi.

Sau khi nhận được tiền, Trần Khả Ái lập tức chặn liên lạc với nạn nhân để chiếm đoạt tiền. Với thủ đoạn trên, Trần Khả Ái đã chiếm đoạt của các bị hại trên toàn quốc với số tiền lớn.

Theo điều tra, đối tượng mà Trần Khả Ái tiếp cận chủ yếu là người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại nước ngoài đang có nhu cầu đặt vé về nước hoặc thăm thân. Chính vì vậy, việc tìm kiếm bị hại rất khó khăn cho lực lượng Công an.

Chiêu lừa cộng tác viên online việc nhẹ lương cao rầm rộ trở lại

Sau một thời gian tạm lắng, chiêu lừa cộng tác viên online việc nhẹ lương cao bắt đầu rầm rộ trở lại. Nhiều người dùng mạng xã hội đã chia sẻ các câu chuyện bị lừa đảo trực tuyến hoặc lên các hội nhóm hỏi xác minh về những lời mời làm cộng tác viên thanh toán đơn hàng cho các sàn thương mại điện tử.

Liên tiếp thời gian gần đây, chị N.T.T (Hà Nội) chia sẻ, chị được một người mời tham gia công việc vừa có thể làm qua mạng lại vừa có chiết khấu cao, chỉ cần gắn link sản phẩm từ mỹ phẩm, đồ gia dụng, quần áo… trên các sàn thương mại điện tử lên trên Facebook, Zalo… để nhận tiền hoa hồng từ các shop (trung bình 10.000 - 500.000 đồng/sản phẩm).

nghe-cuoc-goi-la-gia-danh-cong-an-nguoi-phu-nu-mat-1-6-ty-dong-3.jpg
Đối tượng tạo niềm tin cho nạn nhân bằng cách giả mạo thành viên trong hội nhóm. Ảnh: Cục ATTT.

Để tham gia công việc này, các đối tượng yêu cầu chị T. phải bỏ ra một khoản phí là 399.000 đồng và sau đó thêm chị vào một nhóm trên Telegram.

Đối tượng tạo niềm tin cho nạn nhân bằng cách giả mạo thành viên trong hội nhóm, liên tục gửi các hóa đơn nhận tiền từ vài trăm đến hàng triệu đồng.

"Sau 3 đơn hàng đầu được nhận tiền thật, đến đơn thứ 4 giá trị đơn hàng cao, họ yêu cầu tôi gửi tiền đối ứng cọc giá trị, lấy lý do hệ thống bị lỗi cần thêm tiền để xác minh, đóng thuế. Khi nạn nhân phát hiện ra thì cũng đã bị đối tượng chặn tài khoản, không thể liên lạc", chị T. kể.

Nghe cuộc gọi lạ từ đối tượng giả danh công an, người phụ nữ bị chiếm đoạt 1.4 tỷ đồng

Theo đó, ngày 17-1, bà T. (SN 1965, Tây Hồ, Hà Nội) có nhận được điện thoại của một đối tượng tự xưng là cán bộ công an, thông báo rằng bà T. có liên quan đến vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản và yêu cầu bà kết bạn Zalo.

Sau khi kết bạn qua mạng xã hội Zalo, bà nhìn thấy một người mặc trang phục công an nhân dân trong Video call yêu cầu bà phải chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng để xác minh.

công an
Đối tượng tự xưng là cán bộ công an. Ảnh: Cục ATTT.

Ngay lập tức, bà T. đã chuyển 1.4 tỷ đồng cho đối tượng vì lo sợ và tin tưởng do nhìn thấy hình ảnh thông qua cuộc gọi video. Ngay sau đó, bà biết mình bị lừa nên đã cơ quan công an trình báo.

Lừa đảo kêu gọi đầu tư tài chính thông qua các ứng dụng

Theo Cục An toàn thông tin, bà Nguyễn Thị H. (hơn 60 tuổi, trú TP. Thanh Hóa), nạn nhân trong vụ lừa đảo do cài đặt ứng dụng (app) trên điện thoại cho biết, được một người bạn giới thiệu về việc tham gia đầu tư tài chính kiếm tiền nhanh.

Vì tin tưởng, lần đầu, bà đầu tư vào 4 triệu đồng, nhận về được tiền gốc và 1,6 triệu đồng tiền lãi. Đỉnh điểm, bà H. nộp số tiền đầu tư lên tới con số hơn 360 triệu đồng nhưng ngay sau đó ứng dụng bị sập, không thể truy cập, bà H. mới vỡ lẽ mình bị lừa.

Theo bà H., các chiêu trò của họ rất tinh vi và công khai. Không chỉ tư vấn trực tuyến qua Zalo, tin nhắn, họ còn tổ chức các hoạt động truyền thông trực tiếp tại khách sạn lớn trên địa bàn TP. Thanh Hóa.

Có thể thấy, thủ đoạn mà các đối tượng sử dụng để khiến nạn nhân mắc bẫy là mạo danh các sàn đầu tư nước ngoài hoặc giả mạo công ty để tạo ra các trang web, ứng dụng đầu tư lừa đảo.

nghe-cuoc-goi-la-gia-danh-cong-an-nguoi-phu-nu-mat-1-6-ty-dong-5.jpg
Các đối tượng mạo danh các sàn đầu tư nước ngoài hoặc giả mạo công ty để tạo ra các trang web, ứng dụng đầu tư lừa đảo. Ảnh: Cục ATTT.

Các tên miền mà những sàn giao dịch này sử dụng thường chỉ tồn tại trong một thời gian, sau khi đã lừa được một lượng người nhất định thì các tổ chức sẽ chuyển sang một tên miền khác và tự đánh sập sàn cũ để ngăn cản hoạt động điều tra, truy vết của các cơ quan chức năng.

Mặt khác, các tổ chức lừa đảo sẽ dẫn dụ người chơi, bằng cách trong thời gian đầu, các app đầu tư sẽ để người chơi sinh lời cao. Ngoài ra, đối tượng còn tạo ra các hội, nhóm chia sẻ kinh nghiệm đầu tư trên các mạng xã hội và mời các thành viên vào nhóm.

Những người đứng ra chia sẻ tự xưng là các chuyên gia, người đại diện của doanh nghiệp với nhiều năm kinh nghiệm, được xây dựng hình ảnh, hồ sơ cá nhân hào nhoáng, sang chảnh nhằm tạo thiện cảm và gây dựng lòng tin với mục tiêu mà họ nhắm đến. Khi người chơi tin tưởng, đầu tư với những khoản tiền lớn thì các tổ chức lừa đảo dùng các chiêu thức để chiếm đoạt tiền.

Công an thành phố Hà Nội khẳng định, để làm việc với người dân, cơ quan công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua công an địa phương, tuyệt đối không yêu cầu công dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm