Nghề dệt trăm tuổi ở Đồng Tháp nhận bằng Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

(PLO)-  Qua hơn 100 năm hình thành và phát triển Nghề dệt choàng xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp vinh dự đón nhận bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia nghề thủ công truyền thống
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 2-8, UBND huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp long trọng tổ chức lễ đón nhận bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia nghề thủ công truyền thống “Nghề dệt choàng” xã Long Khánh A.

Đến dự có Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong cùng lãnh đạo UBND tỉnh.

Nằm dọc theo cù lao sông Tiền, làng nghề dệt choàng ấp Long Tả, xã Long Khánh ra đời từ những năm đầu thế kỷ XX. Qua hơn 100 năm hình thành và phát triển, hiện tại làng nghề có gần 60 hộ làm nghề với gần 150 khung dệt, tạo việc làm cho trên 300 lao động địa phương.

Từ những chiếc khăn rằn đen, nâu truyền thống đến nay làng nghề đã phát triển thêm nhiều sản phẩm, đa dạng mẫu mã như khăn thêu hoa sen, sếu đầu đỏ đây đều là những hình ảnh đặc trưng của Đồng Tháp. Mỗi năm, làng nghề sản xuất và cung ứng cho thị trường hơn 5 triệu chiếc khăn choàng các loại. Bên cạnh đó, làng nghề còn cho ra nhiều sản phẩm từ khăn choàng như áo sơ mi, áo dài, túi xách, mũ, cà vạt…

nghề dệt choàng đồng tháp

Khăn rằn thêu hoa sen, sếu đầu đỏ đây đều là những hình ảnh đặc trưng của Đồng Tháp.
Ảnh: Hải Dương

nghề dệt choàng đồng tháp

Mỗi năm, làng nghề dệt choàng Long Khánh A cung ứng cho thị trường hơn 5 triệu chiếc khăn choàng các loại. Ảnh: Hải Dương

Ngày nay, làng nghề dệt choàng Long Khánh A còn là điểm tham quan trải nghiệm du lịch làng nghề truyền thống độc đáo cho du khách trong và ngoài nước.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Phước Thiện nhấn mạnh, nghề dệt choàng xã Long Khánh A được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vừa là niềm vui, vinh dự, tự hào của người dân Đồng Tháp.

Thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh, ông Thiện gửi lời cảm ơn đến những hộ dân làng nghề dệt choàng, góp phần gìn giữ, phát huy và trao truyền di sản văn hóa truyền thống của địa phương.

nghề dệt choàng đồng tháp

Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong trao Quyết định và Bằng Công nhận của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa Nghề dệt choàng xã Long Khánh A vào danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia. Ảnh: Việt Tiến

Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cấp, các ngành, địa phương có liên quan khẩn trương có biện pháp hữu hiệu để bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa, trong đó cần gắn kết di sản văn hóa với phát triển du lịch; xây dựng cơ chế chính sách ưu tiên cho các cơ sở, hộ dân làng nghề thủ công truyền thống đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị máy móc phục vụ cho việc phát triển làng nghề thủ công truyền thống…

Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 01 tập thể và 09 cá nhân có đóng góp xuất sắc trong công tác bảo tồn và phát triển làng nghề dệt choàng Long Khánh A.

Với bốn đời theo nghề dệt choàng, nghệ nhân Huỳnh Hữu Hiệp (Bảy Nghề) chia sẻ, rất vui mừng, phấn khởi khi làng nghề dệt choàng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia và khẳng định sẽ cùng bà con làng nghề tiếp tục thực hiện việc truyền, giữ nghề, phấn đấu đưa làng nghề để nghề dệt choàng phát triển, vươn xa hơn nữa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm