Nghe lén để chống quan tham: Con dao hai lưỡi

Ngày 27-11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua BLTTHS sửa đổi, trong đó đã dành riêng một chương (Chương XVI) để quy định áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng hình sự đặc biệt (từ Điều 223 đến Điều 228). Các biện pháp này được áp dụng đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tội phạm về tham nhũng, tội khủng bố, tội rửa tiền; các tội phạm khác có tổ chức thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Các biện pháp gồm: Ghi âm, ghi hình bí mật; nghe điện thoại bí mật; thu thập bí mật dữ liệu điện tử...

Từ tài liệu trinh sát đến chứng cứ tố tụng

Ông Đinh Văn Quế (nguyên Chánh tòa Hình sự TAND Tối cao) cho biết thực ra trước đây những biện pháp này vẫn được cơ quan điều tra sử dụng để đấu tranh với các loại tội phạm nguy hiểm. Nhưng nó không công khai mà chỉ được coi là tài liệu trinh sát, không được đưa vào hồ sơ vụ án để làm chứng cứ chứng minh cho hành vi phạm tội. Nếu có chuyển hóa thì cũng là sự chuyển hóa vụng về của cơ quan điều tra.

“Từ đây, cơ quan tố tụng có thể củng cố chứng cứ để bắt đầu khởi động quá trình tố tụng. Nó cũng trả lời được câu hỏi: Vì sao phải áp dụng các biện pháp này. Bởi nếu không thì rất khó phá được những vụ án nghiêm trọng, đặc biệt là tham nhũng và ma túy” - ông Quế nói.

Theo ông Quế, việc BLTTHS lần này chính thức công nhận áp dụng biện pháp trên với một số tội sẽ tạo thuận lợi cho quá trình điều tra, củng cố chứng cứ, đồng thời không làm kéo dài thời gian điều tra.

Áp dụng biện pháp điều tra đặc biệt sẽ phá được nhiều vụ án tham nhũng. Trong ảnh: Bị cáo Vũ Quốc Hảo, nguyên tổng giám đốc Công ty Cho thuê tài chính II, lãnh hai án tử hình vì liên quan đến tham nhũng. Ảnh: HOÀNG YẾN

Phù hợp, cần thiết

Luật sư Hoàng Kim Vinh - Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước cho rằng quy định trên không chỉ phù hợp mà còn cần thiết trong đấu tranh tội phạm nguy hiểm. Các nhóm tội phạm kể trên thường có thủ đoạn hết sức tinh vi, tính toán kỹ lưỡng các bước phạm tội và cách thức che giấu tội phạm. Trong khi quá trình điều tra theo quy định hiện hành tỏ ra không thật hiệu quả vì thiếu các biện pháp đặc thù để phát hiện, thu thập chứng cứ đưa ra ánh sáng những kẻ phạm tội.

“Đặc biệt tội phạm về tham nhũng trên thực tế có nhiều nhưng phát hiện, xử lý được rất ít, chưa nói đến việc thu hồi tài sản tham nhũng thì càng vất vả. Phải nghe lén, phải ghi âm, ghi hình bí mật thì mới lôi quan tham ra ánh sáng được. Vì vậy cần phải tạo điều kiện tốt nhất cho cơ quan điều tra chủ động thu thập chứng cứ, đấu tranh hiệu quả với các tội phạm này” - luật sư Hoàng Kim Vinh (Chủ nhiệm Đoàn luật sư Bình Phước) nhấn mạnh.

Còn theo ông Phạm Công Hùng (nguyên Thẩm phán TAND Tối cao tại TP.HCM), quy định nói trên đã tạo ra sự minh bạch về những hành vi mà cơ quan điều tra được thực hiện, nhất là với tội phạm ma túy và tham nhũng.

“Thực tế đã có những tình huống người phạm tội cầm ma túy trên tay nhưng khi công an đến thì họ nhanh tay vứt đi để phi tang, nói vật đó không phải của mình. Vì thế khi xét xử tòa phải mất thời gian đánh giá kỹ, thậm chí buộc phải tuyên họ không phạm tội do chưa đủ chứng cứ. Nếu được công khai áp dụng những biện pháp điều tra đặc biệt thì những tình huống như thế dễ dàng xử lý. Đây là một quy định rất tiến bộ và cần thiết” - ông Hùng nói.

Kiểm soát chặt để tránh bị lạm dụng

TS Nguyễn Duy Hưng (Trưởng khoa Luật, Trường ĐH Thủ Dầu Một, Bình Dương) nhận xét đây là quy định tiến bộ nhưng làm sao quá trình thực hiện phải đảm bảo không vi phạm quyền con người, quyền công dân, tránh sự lạm dụng.

“Nếu không hướng dẫn cụ thể thì sẽ tạo ra việc áp dụng tùy tiện, điều tra viên sẽ lạm dụng quyền của mình để phục vụ cho lợi ích cá nhân. Ngoài ra việc sử dụng thông tin, tài liệu thu thập được bằng việc áp dụng biện pháp điều tra đặc biệt là vấn đề liên quan đến quyền tự do cá nhân, quyền nhân thân. Nếu không quy định chặt chẽ sẽ ảnh hưởng đến quyền của họ và những người liên quan. Lúc đó dễ tạo ra dư luận và những phản ứng không tốt trong xã hội khiến quá trình đấu tranh tội phạm gặp cản trở” - TS Hưng bày tỏ.

Theo ông Đinh Văn Quế, muốn hạn chế được việc lạm dụng thì luật cũng phải quy định các biện pháp chế tài cho người vi phạm. Chẳng hạn, thẩm phán độc lập trong xét xử nhưng phải tuân theo pháp luật thì điều tra viên được điều tra đặc biệt cũng phải tuân theo pháp luật, nếu vi phạm thì bị xử lý giống nhau. Muốn vậy các văn bản pháp luật liên quan như Pháp lệnh Điều tra hình sự và các quy định dưới luật phải quy định biện pháp chế tài cần thiết và đủ mạnh.

Ai giám sát người thực thi “mật lệnh”?

Việc Quốc hội thông qua biện pháp điều tra tố tụng hình sự, góp phần phát hiện đưa ra ánh sáng các vụ việc tham nhũng. Tuy nhiên, phải nói rằng biện pháp này là con dao hai lưỡi. Bởi việc cơ quan tố tụng áp dụng biện pháp này thì cơ quan nào sẽ giám sát, kiểm tra cán bộ thực thi việc nghe lén điện thoại, ghi hình bí mật…

Luật quy định biện pháp trên chỉ được thực hiện khi thủ trưởng cơ quan điều tra cấp tỉnh ra quyết định, viện trưởng cấp tỉnh phê chuẩn. Tuy nhiên sau đó thì sao? Ai giám sát những người thực thi “mật lệnh” này? Không loại trừ chính cán bộ thực hiện các biện pháp điều tra tố tụng hình sự đặc biệt lại trở thành người “cảnh báo” cho đối tượng có dấu hiệu tham nhũng bị điều tra mật…

Vấn đề chính của công tác phòng, chống tham nhũng vẫn là con người. Trọng tâm của biện pháp này ngoài sự tiến bộ của biện pháp thì vấn đề người thực thi công vụ này phải thật sự minh bạch, trong sáng. Có chọn lọc, giám sát được sự minh bạch, trung thực của cán bộ thực thi các biện pháp này thì mới khả thi, đem lại hiệu quả tích cực cho công tác phòng, chống tham nhũng.

Ông NGUYỄN MINH ĐƯỢC,
Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Bình Phước

Phải bảo mật, tránh lạm quyền, trục lợi

Quốc hội thông qua quy định này đã đánh dấu mốc quan trọng trong công tác điều tra các loại tội phạm đặc biệt, nhất là tội phạm tham nhũng. Việc áp dụng biện pháp điều tra đặc biệt sẽ giúp cơ quan tố tụng có thêm trợ thủ đắc lực, có hành lang pháp lý bảo vệ hoạt động công vụ đặc biệt này.

Tuy nhiên, có công cụ trong tay nhưng thực tiễn áp dụng quy chế này thì cần phải tuân thủ quy định pháp luật về tính bảo mật, khách quan. Đồng thời, tránh lợi dụng hoạt động điều tra nghe lén để xâm phạm đời tư hoặc trục lợi từ hoạt động điều tra này.

Để tránh sự lạm quyền trong hoạt động trên, các cơ quan tố tụng phải ngồi lại với nhau để có một quy chế được cụ thể hóa bằng quy định. Người thực thi hoạt động này phải là người hội đủ phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn như thế nào? Người đứng đầu cơ quan tố tụng phải chịu trách nhiệm cao nhất nếu để xảy ra tình trạng lạm quyền, vi phạm pháp luật trong hoạt động điều tra tố tụng hình sự đặc biệt.

Một lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương

Nguyễn Đức ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm