Nghe lén để bắt ‘quan tham’?

Tại buổi thảo luận, đại biểu (ĐB) Phạm Trường Dân (Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam) nói dự thảo BLTTHS (sửa đổi) quy định việc hỏi cung bị can phải được ghi âm, ghi hình là “chưa cần thiết, khó có tính khả thi và không phù hợp với điều kiện của nước ta”.

Ghi hình 4 triệu lượt hỏi cung/năm

Ông Dân cho rằng nếu thực hiện đúng quy định như dự thảo thì khoản kinh phí trang bị lên đến hàng chục ngàn tỉ đồng. Đó là chưa kể phải đầu tư kinh phí để sửa chữa, nâng cấp, xây mới cơ sở vật chất phục vụ cho công tác ghi âm, ghi hình…

ĐB Đỗ Kim Tuyến (Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm, Bộ Công an) cho biết bình quân mỗi năm các cơ quan điều tra (CQĐT) thực hiện điều tra trên 100.000 vụ án với 200.000 bị can (chưa tính số người bị bắt chưa khởi tố). Nếu hỏi cung mỗi người bị bắt 20 lần thì sẽ có khoảng 4 triệu lượt hỏi cung mỗi năm.

Theo ĐB Phạm Trường Dân, nếu Quốc hội (QH) quyết định thực hiện việc ghi âm, ghi hình việc hỏi cung bị can như dự thảo thì cần làm rõ một số vấn đề: Nội dung băng ghi âm, ghi hình có được coi là chứng cứ trong tố tụng hình sự hay không? Khi CQĐT chuyển hồ sơ vụ án qua VKS, tòa thì có chuyển những băng ghi âm, ghi hình này với tư cách là chứng cứ trong hồ sơ hay không? Việc khai thác, quản lý sử dụng băng ghi âm, ghi hình như thế nào? Các băng ghi âm, ghi hình có được coi là tài liệu mật hay không, ở độ mật như thế nào?

ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (Phó Chánh án TAND TP.HCM) cũng băn khoăn: Nếu luật đã quy định mà CQĐT không ghi âm, ghi hình khi hỏi cung thì hậu quả pháp lý ra sao? Khi xét xử, tòa có được tuyên bố rằng việc điều tra này không có giá trị pháp lý? Tòa có được hủy kết quả điều tra để trả về làm lại cho đúng tố tụng hay không?

Xét xử vụ tiêu cực tại Công ty cho thuê tài chính 2 tại TAND TP.HCM. Ảnh: HTD

“Tôi cũng lo lắng là liệu chúng ta sẽ có cơ chế gì để giám sát, loại trừ trường hợp mà trên thực tế hoàn toàn có thể xảy ra. Đó là CQĐT hỏi cung bị can, bị cáo ở ngoài phòng có ghi âm, ghi hình. Hỏi xong mới đưa vào trong phòng có ghi âm, ghi hình để hợp thức hóa?” - ông Ánh nói.

ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật) cho rằng việc bức cung, nhục hình xảy ra thời gian qua chủ yếu do năng lực, trình độ, phẩm chất, đạo đức của điều tra viên. Để hạn chế tình trạng này thì điều quan trọng vẫn là giáo dục phẩm chất đạo đức, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu.

“Chúng ta không nên quá lệ thuộc vào ghi âm, ghi hình. Tôi đề nghị quy định gọn lại theo hướng chỉ ghi âm, ghi hình trong các trường hợp sau: Bị can kêu oan ngay từ đầu. Bị can có đơn tố cáo bức cung, nhục hình. Bị can bị điều tra, truy tố về tội có khung hình phạt cao nhất là chung thân, tử hình. Bị can trong vụ án mà tòa từng hủy án để điều tra lại. Bị can, bị cáo là người có quốc tịch nước ngoài. Như vậy sẽ đảm bảo tính khả thi hơn rất nhiều” - ông Xuyền đề xuất.

Nghe lén: Có ổn không?

ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng) đề nghị ngoài ba biện pháp trên thì cần bổ sung hai biện pháp khác là trinh sát theo dõi bí mật và cộng tác viên theo dõi. “Nếu chúng ta cho phép làm cái này để theo dõi những người bị tình nghi tham nhũng thì chúng ta bắt được rất dễ” - ông Thuyền nói.

Theo ĐB Đỗ Kim Tuyến, thực tế trong phòng, chống tội phạm đã áp dụng các phương pháp trinh sát đặc biệt. Đây là các phương pháp bí mật và áp dụng trong phạm vi rất hạn chế. Bộ Công an đã tham mưu cho Chính phủ ban hành nghị định, thông tư quy định về việc thực hiện các biện pháp này.

Ông Tuyến cho rằng việc điều tra các vụ án đòi hỏi phải chặt chẽ, bí mật nhưng cũng phải nhanh nhạy, linh hoạt. Nếu quy định “sát” như dự thảo thì rất khó đảm bảo sự linh hoạt, trong khi các đối tượng phạm tội liên tục thay đổi cách thức, phương thức phạm tội…

Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh (Phú Thọ) thì không đồng tình với quy định cho phép người tố giác tội phạm, người bị hại được đề nghị áp dụng biện pháp điều tra đặc biệt đối với chính họ. “Trên thực tế chúng ta không bao giờ tách người tố giác tội phạm, người bị hại ra khỏi hoạt động chung của xã hội. Chúng ta theo dõi bí mật hoạt động của họ trên mạng, nghe họ trao đổi qua điện thoại thì không phải một mình họ có thể tự nói chuyện với chính họ mà phải liên quan đến người khác. Dù họ đồng tình nhưng những người khác vô tình lại bị áp dụng các biện pháp điều tra đặc biệt này là không phù hợp” - ông Khánh nói.

Chỗ ngồi của kiểm sát viên và luật sư

ĐB Nguyễn Thành Bộ (Thanh Hóa, Vụ trưởng Vụ Thi đua Khen thưởng TAND Tối cao) nhận xét Điều 252 dự thảo quy định về vị trí ngồi của kiểm sát viên với người bào chữa tại phiên tòa hình sự chưa thể hiện sự bình đẳng giữa các bên (buộc tội - gỡ tội), không đảm bảo nguyên tắc bình đẳng trong xét xử. Trong thực tiễn hiện nay, nhiều tòa địa phương đã sắp xếp vị trí, chỗ ngồi trong phiên tòa hình sự theo hướng HĐXX ngồi phía trên, phía dưới có thư ký phiên tòa ngồi giữa, kiểm sát viên giữ quyền công tố và luật sư ngồi ngang và đối diện nhau. “Hiện TAND Tối cao đang nghiên cứu xây dựng dự thảo Đề án về phòng xét xử để áp dụng thống nhất cách bố trí phòng xét xử trên toàn quốc” - ông Bộ cho biết và đề nghị QH giao cho TAND Tối cao hướng dẫn thi hành điều khoản này.

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Bá Thuyền lại cho rằng VKS vừa là cơ quan buộc tội, vừa là cơ quan kiểm sát hoạt động xét xử của tòa án nên không thể để VKS ngồi dưới được. “Thực tiễn khảo sát 63 đoàn luật sư thì các luật sư lại muốn ngồi sau lưng bị cáo, đó là chỗ ngồi lý tưởng nhất để họ có thể tư vấn cho thân chủ của họ trong khai báo… Quan trọng không phải là vị trí, chỗ ngồi. Quan trọng là chất lượng bài bào chữa của anh thế nào, có thuyết phục được HĐXX hay không” - ông Thuyền lập luận.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều