Với thời lượng gần ba giờ, tôi phải giải đáp khá nhiều thắc mắc của các bạn, trong đó có hai câu hỏi rất thú vị và ấn tượng.
Câu hỏi thứ nhất: Nếu luật sư nhận vụ việc của một khách hàng với phí thù lao 200 triệu đồng nhưng sau đó phía đối phương nói sẽ trả 3 tỉ đồng để mình làm ngược lại thì luật sư xử lý thế nào. Tôi trả lời: “Không riêng gì nghề luật sư mà tất cả ngành nghề khác đều không chấp nhận việc phản bội thân chủ/khách hàng. Nó là điều tối kỵ, vì không ai chấp nhận bạn “đi đêm” hay hành xử “hai mang” với khách hàng, dù giá của nó có là 3 tỉ hay nhiều hơn nữa”.
Câu hỏi thứ hai các bạn đưa ra là: Nếu một bị cáo có tội ác “trời không dung, đất không tha”, không có tình tiết giảm nhẹ và khả năng bị án tử rất cao thì luật sư có nhận lời bào chữa hay không? Nếu nhận lời thì sẽ bào chữa thế nào?
Quả thật đây là câu hỏi khó nhưng luật sư thường gặp phải khi hành nghề, kể cả khi bào chữa chỉ định. Tôi trả lời: Không ai bị xem là có tội khi chưa có bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án có thẩm quyền. Vì vậy, trách nhiệm của luật sư vẫn phải bào chữa cho họ. Sứ mệnh của luật sư là tìm mọi biện pháp hợp pháp để làm nhẹ bớt trách nhiệm pháp lý của thân chủ mình. Ra tòa, tùy theo diễn biến của phiên xử, bạn sẽ tìm được những điểm có lợi nhất cho thân chủ mình.
Khi nhận những vụ án này, luật sư cần có phương án bào chữa cẩn trọng, hợp lý, hợp tình để vừa có lợi cho thân chủ nhưng không được gây tổn thương cho gia đình nạn nhân và sự phẫn nộ của dư luận. Khi bạn làm đúng lương tâm và trách nhiệm thì không có gì phải e ngại. Đó cũng là bản lĩnh cần có của một luật sư.
Những gì chia sẻ trên đây hoàn toàn bột phát, nó dựa trên sự trải nghiệm nghề nghiệp của bản thân và sự chia sẻ của đồng nghiệp. Nó cũng là câu hỏi thường trực mà tôi luôn phải trả lời trên bước đường hành nghề. Nghề luật sư không phải là con đường hoa hồng, để có thể sống và tồn tại được với nghề là không hề đơn giản. Nhưng dù khó thế nào bạn cũng không được phép “hai mang”.