Còn giờ thì nhiều diễn viên hài nổi tiếng chẳng cần tập luyện, chẳng cần kịch bản, họ cứ đến sân khấu lúc diễn rồi nắm ý sơ sơ, diễn sao thì diễn” - nghệ sĩ Minh Nhí.
Đa số nghệ sĩ hài nổi tiếng hiện nay đều bận chạy show kiếm cát-sê như Hoài Linh, Việt Hương, Trấn Thành, Trường Giang… chẳng còn thời gian, sức lực, tâm trí đầu tư cho một vai diễn chỉn chu, nghiêm túc khiến cho vai diễn dở, nhảm.
Đã có một thời hài không như thế.
Nghệ sĩ Ngọc Giàu để đời với vai hài cô Bảy cán vá trong vở cải lương Đời cô Lựu.
Có một thời hài rực rỡ
Trong vài năm qua, khi hài bùng nổ trên truyền hình, đã và đang có rất nhiều nhóm hài bắt chước khuôn mẫu vở cải lương hài Ngao Sò Ốc Hến lừng lẫy một thời ghi dấu ấn của các nghệ sĩ Thanh Điền, Thanh Kim Huệ, Giang Châu, Trường Xuân, Nam Hùng, Tô Kim Hồng… để diễn lại. Vở cải lương của thập niên 1980 này đã được diễn mấy ngàn suất qua mấy năm liền, mỗi ngày diễn hai suất và ghi dấu vào lòng bao thế hệ khán giả với ấn tượng không phai. Cũng trong thập niên 1980-1990, khán giả chứng kiến hàng loạt nghệ sĩ hài danh tiếng mà tài nghệ của họ đều được khán giả ngưỡng mộ, đồng nghiệp nghiêng mình, công nhận là nghệ sĩ thượng thặng. Đó là nghệ sĩ Bảo Quốc với vai Chương Hầu trong Tiếng trống Mê Linh. Là Ngọc Giàu với Bảy cán vá trong Đời cô Lựu. Là Thanh Nam vai cậu Ba Tân và Mã Nam trong Tô Ánh Nguyệt, Tình yêu và tướng cướp. Là nghệ sĩ Phú Quý vai ông cậu và vai tên ăn cướp trong Hòn đảo thần Vệ Nữ, Nàng Xê Đa… Thập niên 1990-2000, sân khấu kịch bừng sáng, nhộn nhịp với những vở kịch hài như Quan thanh tra, Trưởng giả học làm sang, Đứa con tiền kiếp, Vàng hay bạc nhái, Bệnh sĩ…
Qua những giai đoạn này, với những chương trình hài tivi hay tạp kỹ hài trên sân khấu, khán giả cũng có được nhiều chương trình hài đặc sắc, giá trị như Trong nhà ngoài phố, Những người thích đùa, Đời cười, Gala cười, Thư giãn cuối tuần… Ngay cả tấu hài, khán giả vẫn nhớ được nhiều tiết mục hay như Ông mất gà bà mất nết, Vợ thằng Đậu của Hồng Vân - Lê Vũ Cầu, Ru lại câu hò của Hoài Linh… Những cái tên danh hài, sao hài ăn khách là những nghệ sĩ có bề dày, có tài nghệ đáng kính trọng, có đào tạo chính quy như Ngọc Giàu, Hồng Nga, Bảo Quốc, Thành Lộc, Hữu Châu, Hồng Vân, Minh Nhí, Tấn Beo, Kiều Oanh, Việt Hương, Thúy Nga và nghệ sĩ hải ngoại như Vân Sơn, Hoài Linh…
Tập vai hài trong suốt sáu tháng
Để có những tác phẩm hài để đời qua bao năm tháng, các diễn viên hài hiện nay xếp hàng học theo, nghệ sĩ Thanh Kim Huệ chia sẻ: “Diễn những vở như Ngao Sò Ốc Hến chúng tôi phải tập dữ lắm. Có vở tập cả tháng, có vở tập đến sáu tháng. Vở diễn này, gần như tất cả nghệ sĩ đều phải tự mình sáng tạo ra những nét diễn riêng như giọng nói khi thì thào, lúc chanh chua, lúc lẳng lơ, nhõng nhẽo… của tôi ở vai Thị Hến”. Nghệ sĩ Thanh Điền, trong vai quan huyện ngày nào, cho biết thêm: “Tập luyện nghiêm túc, tự sáng tạo cho vai diễn của riêng mình nhưng phải diễn trúng nữa. Chúng tôi là nghệ sĩ, lăn lộn lưu diễn trong cuộc sống nên luôn quan sát, học hỏi từ cuộc sống, mỗi người quanh mình không ngừng để tìm cái hay đưa lên sân khấu. Như quan huyện của tôi tính cách là sợ vợ, ăn hối lộ, dê gái, ức hiếp kẻ dưới. Tôi phải chọn ra những câu như “Đồ trong tay quan là của quan”, “Phạt 50 roi cái tội khóc thấy mà ghét”… nhưng ngôn ngữ phải đúng thời đó, phong cách phải đúng quan chứ không phải muốn diễn gì, nói gì cũng được”.
Phải có lòng tự trọng nghề nghiệp
Nghệ sĩ Minh Nhí thì cho biết: “Thời của tôi diễn viên phải qua học hành, đào tạo nghiêm túc, nghiêm khắc. Nhận một vở diễn, vai diễn, chúng tôi phải nghiên cứu nhân vật của mình thật kỹ về tính cách, nội tâm. Tập với đạo diễn xong mà thấy chưa được là chúng tôi ở lại tự tập với nhau, sẵn sàng góp ý cho nhau. Thấy các bạn khác trong vở diễn khán giả thích mà mình thì không là đêm về trằn trọc tìm cách diễn cho bằng người ta. Nhiều em diễn viên hài bây giờ kỹ thuật biểu diễn không có, không chịu học hành, rèn luyện, thế là họ chỉ nói được, diễn được những gì xàm xàm, nhảm nhảm chứ không có ý nghĩa, nội lực, chiều sâu. Họ cũng chẳng biết lắng nghe góp ý nghề nghiệp của công luận hay khán giả”.
Làm thế nào để hài hiện nay bớt nhảm đi, nâng chất lên, nghệ sĩ Minh Nhí nói: “Chúng tôi muốn trước hết những nhà quản lý có trách nhiệm, quyền hạn, cụ thể như các sở văn hóa, đài truyền hình phải khó khăn hơn. Phải kiểm duyệt sóng, kiểm duyệt từng tiết mục nghiêm hơn. Tự bản thân nghệ sĩ, những người làm nghề ở tất cả vị trí cũng phải đòi hỏi mình cao hơn nữa, không dễ dãi với chính mình”. Nghệ sĩ Thanh Điền và Thanh Kim Huệ đều cho rằng hài bây giờ có cái hay riêng, có cái khó của mình là không có kịch bản hay như trước đây. “Tôi nhớ và phục những nghệ sĩ hài như Bảo Quốc trước đây. Diễn sáng tạo, tìm tòi, thông minh nhưng đúng tính cách nhân vật, đưa ra được những bài học từ nhân vật như sự trơ trẽn, nịnh bợ, bán nước cầu vinh, cuối cùng nhận lãnh kết cục nhục nhã, mất hết. Các ngôi sao hài rất có duyên nhưng đều như cạn vốn. Tôi xem để học hỏi mà ước gì nhiều người trong số họ quay về thời chưa nổi tiếng để có thời gian hơn, nỗ lực hơn trong nghề như trước khi nổi tiếng” - nghệ sĩ Thanh Điền nói.
Nghệ sĩ Xuân Hương trong chương trình Những người thích đùa nổi tiếng làm nên thương hiệu Thanh Bạch - Xuân Hương.
Còn nghệ sĩ Xuân Hương, người nổi tiếng với những chương trình hài đầu tư công phu, nghiêm túc thì cho rằng: “Một chương trình hài muốn thu hút khán giả thì phải hội đủ ba yếu tố hay, mới, lạ chứ không phụ thuộc vào những cách gây hài thô tục hoặc nhảm nhí, bởi vì có rất nhiều cách gây hài nhưng nói tục và nói nhảm không nằm trong các thủ pháp gây hài. Theo tôi, việc tôn vinh các nghệ sĩ hài qua các giải thưởng cũng rất cần phải chặt chẽ, khách quan, công minh và nên đề cao những nghệ sĩ có tài năng thực sự, những tác phẩm có ý nghĩa, có giá trị giáo dục, không đi ngược lại đạo đức và văn hóa con người”.
Nghệ sĩ Xuân Hương trong chương trình Những người thích đùa nổi tiếng làm nên thương hiệu Thanh Bạch - Xuân Hương.