Ngày 25-2, Chi cục Thủy sản Bến Tre (Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre) cho biết từ hơn một tháng nay các hợp tác xã (HTX) Bảo Thuận, Tân Thủy, An Thủy (huyện Ba Tri); HTX thủy sản Rạng Đông (huyện Bình Đại) và HTX thủy sản Thạnh Lợi (huyện Thạnh Phú) xảy ra nhiều đợt nghêu chết hàng loạt, thiệt hại hàng trăm ha nghêu.
Cụ thể, ở huyện Bình Đại, HTX thủy sản Rạng Đông, nghêu chết tổng diện tích thiệt hại ước tính khoảng 65 ha. Cỡ nghêu chết 50-200 con/kg, mật độ nghêu chết dày khoảng 3,5-6 kg/m2, tỉ lệ chết 60%-90%.
Nghêu chết hàng loạt ngoài bãi biển tại các HTX nuôi nghêu ở Bến Tre. Ảnh: ĐH
Tại Ba Tri, HTX thủy sản An Thủy, nghêu bắt đầu chết nhiều từ khoảng ngày 20-1, hiện nay vẫn còn chết rải rác. Phần lớn, nghêu chết cục bộ ở các bãi gò cao, diện tích nghêu chết khoảng 50 ha, trọng lượng khoảng 70-80 con/kg, tỉ lệ nghêu khoảng 70%-80%. Riêng HTX thủy sản Tân Thủy, diện tích nghêu chết khoảng 119 ha, tỉ lệ chết khoảng 60%; tại HTX Thủy sản Bảo Thuận nghêu chết khoảng 43%-60%.
Tại huyện Thạnh Phú, ông Nguyễn Văn Quyết - Giám đốc HTX thủy sản Thạnh Lợi cho biết năm nay HTX Thạnh Lợi thả nuôi 80 ha nghêu. Tuy nhiên, năm nay, do hạn mặn đến sớm và độ mặn quá cao đã xảy ra hiện tượng nghêu chết hàng loạt. Tại lô 2 của HTX khoảng 40 ha, HTX đầu tư khoảng 8,4 tỉ đồng để nuôi nghêu. Đầu tháng 12-2019, HTX tiến hành thả giống đến khi đạt trọng lượng khoảng 200-300 con/kg thì nghêu chết khoảng 90%, thiệt hại hơn 7 tỉ đồng.
Nghêu thương phẩm chết bất thường giữa mùa hạn mặn gay gắt. Ảnh: ĐH
Tại lô 3 của HTX gồm 40 ha chuẩn bị thu hoạch nhưng từ trước tết đến nay đã chết khoảng 70%, thiệt hại khoảng 700 tấn nghêu (tương đương khoảng 14 tỉ đồng). “Hiện còn 30% còn lại hy vọng có thể lấy lại được ít vốn liếng tuy nhiên số lượng nghêu còn lại trọng lượng còn nhỏ khoảng 90-100 con/kg chưa thể thu hoạch hết được. HTX cũng đang tổ chức thu hoạch tỉa thưa nhưng trọng lượng nghêu đạt 70-80 con/kg còn rất hạn chế. Thiệt hại năm nay là quá nặng” - ông Quyết nói.
Trước tình hình nghêu chết hàng loạt trên, gây thiệt hại nặng nề và đang vào mùa hạn mặn gay gắt, Chi cục thủy sản tỉnh Bến Tre phối hợp với Chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh, Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2, khảo sát nắm tình hình nghêu chết và thu mẫu gửi Chi cục Thú y vùng 6 xét nghiệm tìm hiểu nguyên nhân.
Nghêu chết hàng loạt. Ảnh: ĐH
Chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh Bến Tre cho biết theo kết quả xét nghiệm của Chi cục Thú y vùng 6, hiện tượng nghêu chết không do ký sinh trùng Perkinsus olseni (loại ký sinh trùng gây dịch bệnh và chết nhiều trên nhuyễn thể) gây bệnh trên mẫu nghêu. Còn theo nhận định ban đầu của các HTX, hiện tượng nghêu chết trên là bất thường, không theo quy luật như những năm trước đây. Nghêu chết có thể do độ mặn tăng cao 26%-30‰ (tùy vùng nuôi) và chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm.
Chi cục Thủy sản tỉnh Bến Tre đã khuyến cáo các HTX thường xuyên vệ sinh, thu dọn xác nghêu chết không để xảy ra ô nhiễm môi trường, đồng thời chú ý việc thu hoạch sớm những loại nghêu tới tuổi nhằm hạn chế thiệt hại.