Nghị quyết 27 về Nhà nước pháp quyền: Thực hiện tốt nguyên tắc công dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm

(PLO)- Nghị quyết 27 nêu một trong những nhiệm vụ khi xây dựng Nhà nước pháp quyền trong giai đoạn mới là thực hiện tốt nguyên tắc công dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 9-11 vừa qua, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết 27-NQ/TW (Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành (BCH) Trung ương Đảng khóa XIII) về “tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới”.

Theo Nghị quyết, qua hơn 35 năm đổi mới và hơn 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh năm 1991, bổ sung, phát triển năm 2011), bên cạnh những kết quả đạt được, công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam vẫn còn những hạn chế, bất cập, có mặt chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, quản lý và bảo vệ đất nước trong tình hình mới.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp Ban chỉ đạo xây dựng đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền (NNPQ) XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”. Ảnh: VGP

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp Ban chỉ đạo xây dựng đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền (NNPQ) XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”. Ảnh: VGP

Từ tình hình đó, Nghị quyết 27 nêu 10 nhiệm vụ, giải pháp lớn cần thực hiện khi xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới, được thông qua tại Hội nghị Trung ương 6. Một trong số đó là bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân, thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Cụ thể, thể chế hoá đầy đủ và thực hiện đúng đắn, hiệu quả cơ chế Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, nhất là dân chủ ở cơ sở. Tổng kết việc thực hiện và nghiên cứu hoàn thiện các quy định pháp luật theo hướng phát huy tốt hơn các hình thức dân chủ trực tiếp của Nhân dân; có cơ chế bảo đảm thực hiện quyền của Nhân dân tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết, phản hồi ý kiến, kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo của Nhân dân.

Đổi mới cơ chế bầu cử để lựa chọn được những người xứng đáng đại diện cho Nhân dân; nghiên cứu việc bỏ phiếu bầu cử của công dân Việt Nam đang ở nước ngoài, làm rõ những trường hợp không được bầu cử. Phát huy dân chủ đi đôi với tăng cường pháp chế, đề cao đạo đức xã hội và trách nhiệm công dân, giữ vững kỷ luật, kỷ cương, đấu tranh kiên quyết với những biểu hiện dân chủ cực đoan, dân chủ hình thức; xử lý nghiêm mọi hành vi lợi dụng dân chủ để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Tiếp tục thể chế hoá, cụ thể hoá kịp thời, đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng và quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; nội luật hoá các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia; xác định rõ trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Đặc biệt, thực hiện tốt nguyên tắc công dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm; quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân, việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia - dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Bạn đọc có thể xem toàn văn Nghị quyết 27-NQ/TW dưới đây:

Nghi-quyet-27.pdf

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm