Ngày 8-7, sau cuộc gặp với hai người đồng cấp Nhật và Hàn Quốc, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo bác bỏ cáo buộc từ phía Triều Tiên cho rằng ông đã sử dụng “ngoại giao bắt nạt” trong các cuộc hội đàm hạt nhân tại Bình Nhưỡng.
Cụm từ này được Bộ Ngoại giao Triều Tiên sử dụng trong tuyên bố được hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa ngày 7-7, ngay sau khi ông Pompeo rời Bình Nhưỡng. Triều Tiên chỉ trích chính phủ Tổng thống Donald Trump muốn thúc đẩy những yêu cầu giải trừ hạt nhân mang tính chất đơn phương, rất lấy làm tiếc về điều này.
Triều Tiên cho rằng các cuộc đối thoại với Ngoại trưởng Pompeo đưa họ vào tình thế nguy hiểm thay vì củng cố niềm tin như mong đợi ban đầu và ý định giải trừ hạt nhân của họ có thể bị lung lay.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (trái) và hai người đồng cấp Nhật Taro Kono (giữa), Hàn Quốc Kang Kyung-wah (phải) tại Tokyo (Nhật) ngày 8-7. Ảnh: REUTERS
Tại Nhật ngày 8-7, ông Pompeo khẳng định vẫn sẽ theo đuổi đàm phán giải trừ hạt nhân với Triều Tiên. Ông Pompeo lạc quan rằng dù còn rất nhiều việc cần hoàn thành nhưng lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ thực hiện xóa bỏ vũ khí hạt nhân như đã cam kết với Tổng thống Trump tại thượng đỉnh Mỹ-Triều ở Singapore vào ngày 12-6.
Tại hội nghị thượng đỉnh, ông Kim đã đưa ra một cam kết khá khái quát về tiến trình phi hạt nhân hóa nhưng không đề cập chi tiết việc các chương trình hạt nhân này sẽ được tháo dỡ khi nào hay như thế nào. Trong khi đó, ông Trump đã dừng các cuộc tập trận chung quy mô lớn với Hàn Quốc để thể hiện thành ý với Triều Tiên.
Theo Reuters, diễn biến này dấy lên câu hỏi về hiệu quả của các cuộc đối thoại trong tương lai giữa Mỹ và Triều Tiên, rằng liệu Washington có thể thuyết phục Bình Nhưỡng loại trừ những vũ khí hạt nhân đe dọa đến an ninh của Mỹ và các nước đồng minh hay không.
Một số đánh giá tình báo của Mỹ gần đây đã kết luận rằng Triều Tiên không có ý định xóa bỏ hạt nhân hoàn toàn.
Về những tuyên bố gay gắt của phía Triều Tiên, Thượng nghị sĩ Lindsey Graham nhận định có yếu tố Trung Quốc, chính Trung Quốc đã kéo Triều Tiên ra khỏi các cam kết với Mỹ vì xung đột thương mại Mỹ-Trung.
“Tôi thấy bàn tay của Trung Quốc ở khắp mọi nơi” - Reuters dẫn lời ông Graham.
Nhiều nhà phân tích và lập pháp Mỹ cảnh báo các cuộc đối thoại với Triều Tiên dường như đã vấp phải nhiều khó khăn và có nguy cơ dừng lại.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (phải, giữa) gặp Phó Chủ tịch đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol (trái, giữa) vào ngày 7-7 tại Bình Nhưỡng. Ảnh: NYT
Nhiều nghị sĩ Mỹ bày tỏ quan ngại và thúc giục chính phủ Trump tăng thêm áp lực. Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Joni Ernst - thành viên của Ủy ban Quân vụ Thượng viện cho rằng các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn nên sớm được bắt đầu lại nếu đối thoại không có kết quả. Trước mắt ông Pompeo vẫn nhấn mạnh sau hai ngày làm việc tại Bình Nhưỡng rằng Mỹ sẽ không nới lỏng các cấm vận hiện tại đối với Triều Tiên để bảo vệ các đồng minh Nhật và Hàn Quốc.
Trong khi đó ông Richard Haass, Chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ, viết trên Twitter: “Đang tiềm ẩn một nguy cơ chiến tranh quân sự vì ông Trump có thể nói ông ấy đã cố gắng dùng ngoại giao nhưng bị ông Kim phản bội. Tuy vậy, phải thừa nhận một hội nghị thượng đỉnh gấp gáp và yêu cầu Triều Tiên phi hạt nhân hóa vội vã không phải một bài kiểm tra ngoại giao nghiêm túc”.