Nghịch lý mặt bằng cho thuê ở TP.HCM

(PLO)- Nhiều nhà phố mặt tiền đường lớn, khu trung tâm sầm uất của TP.HCM đăng bảng quảng cáo cho thuê thời gian dài vẫn không có khách.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nhà phố cho thuê tại khu vực trung tâm TP.HCM vẫn được các chủ nhà tăng giá bất chấp thực tế việc khách thuê trả mặt bằng ngày càng nhiều do chịu ảnh hưởng bởi sự khó khăn chung của nền kinh tế.

Chủ nhà tăng giá, khách thuê tháo chạy

Số liệu từ một đơn vị nghiên cứu thị trường cho thấy trong những tháng đầu năm 2023 thị trường nhà phố cho thuê tại TP.HCM diễn biến trái chiều. Dù nhu cầu tìm thuê giảm 5% nhưng giá chào thuê lại vẫn trên đà tăng trên 8% so với cuối năm 2022, thậm chí tăng mạnh ở một số quận trung tâm.

Anh Phạm Thịnh, chủ một nhà hàng nhượng quyền trên đường Hai Bà Trưng, quận 1, cho biết giá cho thuê từ thời điểm sau dịch đến nay gần như không giảm. Mức giá thuê mặt bằng lên tới 250 triệu đồng/tháng trong khi doanh thu sụt giảm, tiền mặt bằng chiếm tới 70%-80% chi phí nên anh buộc phải đóng cửa, trả mặt bằng từ cuối năm ngoái.

Nhiều mặt bằng cho thuê đóng cửa nhiều tháng nhưng chủ nhà vẫn không giảm giá. Ảnh: Q.HUY

Nhiều mặt bằng cho thuê đóng cửa nhiều tháng nhưng chủ nhà vẫn không giảm giá.
Ảnh: Q.HUY

Sau đó, anh Thịnh đi tìm vị trí khác trên các đường Nguyễn Thị Minh Khai, Phạm Ngọc Thạch, Cách Mạng Tháng Tám ở quận 1, quận 3… nhưng giá thuê cũng rất cao.

“Từ nay đến cuối năm, giá thuê có thể sẽ đi ngang và tăng nhẹ ở một số khu vực. Do tình hình kinh tế khó khăn, nhiều nhà phố cho thuê sẽ phải đối mặt với tình trạng trả mặt bằng, dịch chuyển kinh doanh ra các vùng ngoại thành hay thương lượng giá thuê nếu tiếp tục duy trì các hợp đồng dài hạn.

Ông ĐINH MINH TUẤN, Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực
phía Nam

“Tôi có thương lượng với chủ nhà, nói tình hình khó khăn nhưng hầu như họ không quan tâm” - anh Thịnh chia sẻ.

Tương tự, bà Ngọc Hà mở lại một spa chăm sóc da tại quận 1 cho biết đầu năm 2022, bà thuê được mặt bằng giá tương đối mềm nhưng đến đầu năm 2023, doanh thu sụt giảm, chi phí tăng cao, khách giảm 30%-40%. Bà Hà đã thương thảo, đề nghị chủ nhà giảm bớt giá thuê và rất ngạc nhiên khi chủ nhà không những không giảm mà còn tăng thêm 5% từ đầu năm nay.

“Tôi đành tìm một mặt bằng ở xa trung tâm hơn nhưng giá thuê chỉ thấp hơn một chút. Đến nay tôi thấy chỗ thuê cũ vẫn đóng cửa, chưa có khách mới” - bà Hà nói.

Tuy nhiên, cũng có vài chủ nhà dễ mến, thông cảm với khách thuê. Chị Minh Ánh (quận Tân Phú) cho biết chị đang cho thuê một mặt bằng trên đường Tân Kỳ Tân Quý (quận Bình Tân) với giá 25 triệu đồng/tháng.

“Thấy khách thuê kêu ca kinh doanh nội thất khó khăn, mà tôi thấy cũng đúng vì ngành xây dựng, bất động sản đang… đứng hình. Tôi hỗ trợ giảm 5 triệu đồng/tháng trong vòng sáu tháng nhưng khách cũng chỉ trụ được một tháng rồi trả mặt bằng. Gần năm nay tôi chưa có khách thuê mới nhưng giá không thể giảm được nữa vì mọi chi phí đều tăng” - chị Minh Ánh chia sẻ.

Tăng giá thuê vì… lãi suất cao

Lý do gì khiến giá cho thuê được các chủ nhà vẫn tăng, bất chấp ế ẩm, bỏ không mặt bằng trong thời gian dài? Ông Nguyễn Vũ, Giám đốc Trung tâm Giao dịch bất động sản Căn Nhà Mới, cho biết nhìn tổng thể thì vẫn có nhiều mặt bằng nhà phố cho thuê vẫn nhanh chóng có khách thuê ngay trong bối cảnh khó khăn. Lý do đó là chủ nhà và khách thuê tìm được tiếng nói chung, giá thuê hợp lý với doanh thu khách thuê thu về hằng tháng, đảm bảo không bên nào chịu thiệt. Những chủ nhà này có tài chính ổn định, họ không đầu tư hoặc đi vay ngân hàng đầu cơ bất động sản.

Vì thế, những mặt bằng cho thuê ế ẩm kéo dài, chủ nhà thậm chí tăng giá chủ yếu là do chủ nhà đầu tư bất động sản, đang vay ngân hàng để mua chính căn nhà phố đó hoặc thế chấp nhà đó vay ngân hàng để đầu tư. Lãi suất cho vay tăng cao 13%-15%/năm như hiện nay mà chi phí cho thuê mặt bằng tính trên giá trị bất động sản chỉ khoảng 5%.

“Do vậy, những bảng rao cho thuê các mặt bằng này sau một thời gian ế ẩm nhiều chủ nhà thay bằng bảng rao bán luôn” - ông Vũ nói.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng nhiều mặt bằng quận trung tâm niêm yết giá cho thuê bằng USD cũng khiến cho giá thuê nhà tăng theo thời gian. Khi tỉ giá USD biến động, tiền VND mất giá thì chắc chắn sẽ làm giá cho thuê mặt bằng ngày càng tăng.

Ngoài ra, mặt bằng trống ở khu vực trung tâm không chỉ giá cao mà còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như khó xin giấy phép kinh doanh, giấy phép PCCC... Do vậy, các nhà bán lẻ sẽ tìm kiếm nhiều không gian hơn ở các khu vực ngoài trung tâm để ra mắt các cửa hàng bán lẻ tạm thời trong khoảng thời gian ngắn.

Nhu cầu tìm kiếm nhà phố cho thuê nội thành giảm mạnh

Theo báo cáo thị trường quý I-2023 của kênh Batdongsan.com.vn, nhu cầu tìm kiếm nhà phố cho thuê TP.HCM giảm ở các quận nội thành như quận 9 (giảm 58%), quận 7 (giảm 52%), quận Phú Nhuận (giảm 50%), quận 3 (giảm 45%), quận 2 (giảm 48%), quận 1 (giảm 40%)… so với quý IV-2022.

Riêng trong tháng 4-2023, lượt tìm kiếm nhà phố cho thuê ở TP.HCM giảm thêm 5%, lượng tin rao thuê giảm 20% so với tháng 3. Xét chung trên toàn thị trường, nhu cầu tìm thuê nhà phố của cả nước trong bốn tháng đầu năm đã giảm 8%, lượng tin rao thuê giảm 19% so với cùng kỳ nhưng giá thuê vẫn đều đặn tăng. Ví như giá thuê nhà phố ở quận Phú Nhuận tăng 9%, quận 3 tăng 13%, quận 7 tăng 11% và quận 10 tăng 2%. Ở khu vực trung tâm, giá thuê nhà phố ở quận 1 tăng hơn 17%.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm