Nghiêm trị cán bộ 'bảo kê', bao che cho hoạt động phạm tội kinh tế, buôn lậu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 6-9, Uỷ ban Tư pháp họp phiên thường trực mở rộng thẩm tra các báo cáo  tư pháp, trong đó có báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.

1.555 trang thông tin điện tử có tên miền “.vn” bị tin tặc tấn công

Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021 cho hay, từ 1-10-2020 đến 31-7-2021, cơ quan chức năng đã triển khai đồng bộ các kế hoạch, biện pháp bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn các sự kiện chính trị trọng đại, nhất là Đại hội 13 của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đồng thời bảo đảm an ninh tại các địa bàn chiến lược, an ninh kinh tế, an ninh chính trị nội bộ, an ninh truyền thống, an ninh mạng, đấu tranh xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhất là lợi dụng dịch bệnh COVID-19 để tuyên truyền chống phá Đảng, nhà nước, tung tin giả gây hoang mang dư luận.

Cơ quan An ninh điều tra các cấp đã khởi tố 21 vụ (bằng về số vụ so với năm trước), 28 bị can (giảm hơn 40%) phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia, góp phần xử lý nghiêm các đối tượng.

Báo điện tử Pháp luật TP.HCM bị hacker tấn công hồi giữa tháng 6 vừa qua. Ảnh: TN

Tuy nhiên, báo cáo Chính phủ nhận định tình hình an ninh quốc gia còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Các đối tượng phản động lưu vong, đối tượng chống đối trong nước gia tăng các hoạt động chống phá, nhất là nhằm vào các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước. Đồng thời lợi dụng những sơ hở, thiếu sót trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để xuyên tạc, chống phá Đảng, nhà nước.

An ninh mạng tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn, nhất là hoạt động tấn công, phát tán mã độc, phần mềm gián điệp mạng nhằm vào hệ thống cổng, trang thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước. Cụ thể, đã phát hiện 1.555 trang thông tin điện tử có tên miền “.vn” bị tin tặc tấn công, chèn biệt danh, thông điệp tin tặc, trong đó có 412 trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước.

Xử lý nghiêm việc “bảo kê”, bao che tội phạm

Cũng theo báo cáo của Chính phủ, trong năm 2021, cơ quan chức năng đã phát hiện 7.092 vụ phạm tội về trật tự quản ký kinh tế (tăng gần 22%) với 6.533 đối tượng (tăng gần 24%), 62 tổ chức (tăng hơn 226%, trong đó có 10 pháp nhân thương mại). Riêng tội phạm tham nhũng đã phát hiện 297 vụ (tăng gần 24%), 528 đối tượng (tăng hơn 3%).

Điểm nổi bật là đã chỉ đạo tăng cường công tác nghiệp vụ, nhận diện vi phạm, chọn đúng khâu đột phá để phát hiện, xử lý theo phương châm “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”.  Đáng chú ý, đã phát hiện, xử lý một số vụ án kinh tế, tham nhũng trong lĩnh vực y tế như vụ tại Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai, Sở Y tế Cần Thơ, Sơn La…; trong lĩnh vực giáo dục như vụ án tại Sở GD&ĐT Thanh Hoá, Quảng Ninh… Việc này có tác dụng răn đe, lan toả, phòng ngừa chung trên cả lĩnh vực.

Báo cáo của Chính phủ cũng cho thấy đã tăng cường hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo 389/CP và của các địa phương, nhất là trong chỉ đạo đấu tranh các hoạt động buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, các mặt hàng thiết yếu, thuốc, vật tư y tế phục vụ phòng, chống COVID-19.

Cơ quan chức năng cũng đã điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng trong các cơ quan chức năng “bảo kê”, bao che cho hoạt động phạm tội kinh tế, buôn lậu. Cụ thể, vụ án buôn lậu xăng dầu tại Đồng Nai đã khởi tố Ngô Văn Thuỵ, Đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu khu vực phía Nam, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan. Qua vụ án sản xuất sách giáo khoa giả tại Hà Nội đã khởi tố Trần Hùng, Phó Cục trưởng Cục quản lý thị trường Hà Nội và bốn đối tượng Cục Quản lý thị trường Hà Nội.

Báo cáo Chính phủ nhận định tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu diễn ra rất phức tạp, nhất là các vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai gây thất thoát tái ản lớn. Các vi phạm trong hoạt động đấu thầu, đấu giá, xã hội hoá y tế và chỉ định thầu mua trang thiết bị y tế phòng, chống dịch bệnh COVID- 19; hành vi sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển hàng cấm, trốn thuế, tiêu cực, tham nhũng “vặt” trong thực hiện các TTHC…

Theo báo cáo của Chính phủ, vấn đề tội phạm gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ, trong đó có lực lượng công an tăng đột biến trong năm 2020.  Nguyên nhân chủ yếu do các quy định về phòng, chống COVID-19, nhất là trong các khu vực thực hiện giãn cách xã hội khiến cho một bộ phận người dân có tâm lý chống đối.

Cạnh đó, hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước chưa cao, có nơi thực hiện mang tính hình thức, chưa tạo được sự ủng hộ của người dân.

Báo cáo của Chính phủ cũng đánh giá một bộ phận người dân thiếu hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật còn kém, bị các đối tượng chống đối lợi dụng kích động.

Đặc biệt, công tác xử lý hành vi gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ có thời điểm chưa nghiêm, nhất là trong phòng, chống COVID-19, chưa tạo tính răn đe cần thiết.

Trước tình hình trên, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, phố biến pháp luật để ngwofi dân hiểu đúng, hiểu rõ các quy định của pháp luật; qua đó đồng lòng ủng hộ cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ. Kết quả, dù số vụ chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng còn ở mức cao song đã từng bước được kéo giảm so với năm 2020 (số vụ chống người thi hành công vụ đã giảm hơn 9%, số vụ chống lực lượng công an giảm hơn 14%). 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm