Nghiên cứu đầu tư xây dựng cao tốc Vĩnh Hảo - Liên Khương

(PLO)- Cao tốc Vĩnh Hảo (Bình Thuận) - Liên Khương (Lâm Đồng) sẽ tăng cường liên kết vùng, đẩy mạnh giao thương, phát triển dịch vụ, du lịch giữa các địa phương.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 27-12-2023, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

cao tốc
Đường ven biển 719B kết nối cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây. Ảnh PN.

Trong đó có phương án phát triển mạng lưới giao thông đường bộ theo hướng tập trung nâng cấp các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, các tuyến kết nối ngang, đầu tư mở mới một số tuyến phục vụ khai phá tiềm năng của tỉnh và kết nối với cao tốc nhằm phục vụ phát triển công nghiệp, du lịch, khu vực dân cư, đô thị.

Cụ thể đầu tư xây dựng các tuyến đường cao tốc, đường ven biển quốc gia theo quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ quốc gia trên địa bàn; nâng cấp mở rộng hệ thống quốc lộ trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt quy hoạch đề cập đến việc nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc kết nối Vĩnh Hảo (Bình Thuận) - Liên Khương (Lâm Đồng) để tăng cường liên kết vùng, đẩy mạnh giao thương, phát triển dịch vụ, du lịch giữa các địa phương thuộc tiểu vùng Nam Tây Nguyên và tiểu vùng duyên hải Trung Bộ.

Bảo đảm phù hợp với quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

cao-toc1-1980.jpg
Cao tốc Vĩnh Hảo - Liên Khương sẽ tăng cường liên kết vùng, đẩy mạnh giao thương, phát triển dịch vụ, du lịch giữa các địa phương. Ảnh PN.

Cạnh đó, nâng cấp, cải tạo, mở mới một số tuyến đường tỉnh có tính chất quan trọng đạt từ cấp II - III, các tuyến còn lại tối thiểu đạt cấp IV.

Xây dựng mới, nâng cấp cải tạo các trục giao thông kết nối với mạng lưới giao thông quan trọng quốc gia (đường quốc lộ 1A, đường bộ cao tốc, đường ven biển quốc gia, đường sắt, cảng hàng không Phan Thiết, bến cảng Vĩnh Tân, bến cảng Sơn Mỹ) đến các khu đô thị, du lịch (nhất là Khu du lịch ven biển quốc gia Mũi Né)...

Ngoài ra, theo phương án phát triển mạng lưới giao thông cũng sẽ đầu tư 9 tuyến giao thông kết nối liên thông với đường bộ cao tốc đạt tiêu chuẩn tối thiểu đường cấp III đồng bằng, quy mô tối thiểu 2 làn xe; 6 tuyến giao thông chính kết nối đến Cảng hàng không Phan Thiết, Khu du lịch quốc gia Mũi Né; phát triển 5 tuyến giao thông phục vụ phát triển dịch vụ logistics tại khu vực bến cảng Vĩnh Tân.

Trong đó sẽ có 2 tuyến đường sắt nhẹ đô thị kết nối Sân bay Phan Thiết với Phan Rí Cửa (52km) và Khu du lịch Hòn Rơm-Mũi Né-Quảng trường biển Hàm Tiến-Trung tâm TP Phan Thiết (30km).

“Đầu tư phát triển, từng bước đồng bộ, hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống giao thông đô thị theo quy hoạch hệ thống đô thị của tỉnh và quy hoạch các đô thị trong huyện. Đầu tư tuyến đường ven biển nối trung tâm Phan Thiết với khu vực phía Nam và phía Bắc Phan Thiết.

Đảm bảo các chỉ tiêu kỹ thuật theo quy mô, tính chất đô thị. Dành quỹ đất để xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, các công trình ngầm và trồng cây xanh…”, quyết định của Thủ tướng Chính phủ nêu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm