Các nhà khoa học Trung Quốc đã chứng minh có hai loài gấu trúc đỏ khác nhau, được đặt tên là gấu trúc đỏ Trung Quốc (Ailirus styani) và gấu trúc đỏ Himalaya (Ailurus fulgens), trang tin News Scientist ngày 27-2 cho hay.
Khu vực phân bố tự nhiên của gấu trúc đỏ Trung Quốc là miền Bắc Myanmar, đông nam cao nguyên Thanh Tạng và vùng núi cao ở tỉnh Tứ Xuyên và Vân Nam (Trung Quốc). Trong khi gấu trúc đỏ Himalaya phân bố ở Nepal, Bhutan, Ấn Độ và nam cao nguyên Thanh Tạng.
Nhóm nghiên cứu của chuyên gia Yibo Hu và các cộng sự tại Viện Khoa học Bắc Kinh đưa ra kết luận trên sau khi nghiên cứu trình tự gen của 65 bộ gen hoàn chỉnh, 49 nhiễm sắc thể Y và 49 bộ gen ti thể của gấu trúc đỏ.
Các cá thể A và C là gấu trúc đỏ Trung Quốc, các cá thể B và D là gấu trúc đỏ Himalaya. Ảnh: PHYS.ORG
Trước đó, vì thiếu các nghiên cứu toàn diện về thông tin di truyền của gấu trúc đỏ, giới khoa học coi đây là hai phân loài của cùng một loài.
Nghiên cứu cho thấy so với gấu trúc đỏ Trung Quốc, gấu trúc đỏ Himalaya có ít đột biến hơn trong từng đơn vị cấu trúc của DNA và RNA, từ đó tạo ra bộ gen riêng biệt.
Nhóm nghiên cứu của ông Hu cũng nhận thấy các thể đơn bội tập trung ở các vùng khác nhau trên bộ gen của hai loài này. Cùng với đó, không có các biến dị tương tự nhau trên nhiễm sắc thể Y giữa những cá thể gấu trúc đỏ ở đông Himalaya và cá thể sống ở Tứ Xuyên.
Ông Hu nói điều này cho thấy sự khác biệt trong bộ gen của hai quần thể trên và theo thời gian, có ngày càng ít sự trao đổi các biến dị di truyền giữa hai nhóm cá thể. Sự chia tách này đã bắt đầu khoảng 200.000 năm trước, tạo ra hai loài khác nhau.
Các nhà khoa học cũng dựa vào một số khác biệt về hình thái học để phân loại. Ví dụ như gấu trúc đỏ Trung Quốc có bộ lông màu đậm hơn và vòng lông đuôi nổi bật hơn.
Các nhà khoa học cũng nhận định quần thể gấu trúc đỏ Himalaya đang có tính đa dạng di truyền thấp và số lượng cá thể nhỏ sau ba lần suy giảm số lượng cá thể từ khi hình thành loài tới nay.
Chuyên gia Hu cho rằng nên hạn chế sự giao thoa giữa hai loài trong môi trường nuôi nhốt để bảo tồn đặc tính di truyền độc đáo của từng loài.
Tuy nhiên, chuyên gia Jon Slate thuộc Đại học Sheffield (Anh) chỉ ra điểm chưa thuyết phục trong nghiên cứu này. Ông cho rằng nhóm của ông Hu chưa lấy mẫu từ các cá thể ở Bhutan và miền Bắc Ấn Độ.
"Không có các mẫu nghiên cứu từ các cá thể gấu trúc đỏ ở đó, sẽ khó khăn hơn để các nhà khoa học tự tin tuyên bố có hai loài riêng biệt" - ông Slate nói.
Gấu trúc đỏ là một loài động vật có vú thuộc bộ động vật ăn thịt (Carnivora) và những đại diện duy nhất còn tồn tại của họ gấu trúc đỏ (Ailuridae).
Chúng thường ăn cỏ, với sở thích đặc biệt là ăn lá tre, có ngoại hình giống với loài gấu và kích thước chỉ nhỉnh hơn mèo nhà một chút. Gấu trúc đỏ được Quỹ Bảo tồn thiên nhiên thế giới liệt vào nhóm động vật nguy cấp.