Bộ trưởng Bộ GTVT vừa quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch cảng hàng không Gia Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050.
Theo đó, các cấp thẩm quyền sẽ thực hiện lập quy hoạch cảng hàng không Gia Bình với diện tích khoảng 363 ha, trên cơ sở quy hoạch sân bay chuyên dùng Gia Bình và khu vực lân cận.
Mục tiêu, phát triển Cảng hàng không Gia Bình đáp ứng hoạt động phục vụ chuyên cơ, phù hợp với nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách; nghiên cứu đề xuất lộ trình đầu tư phù hợp.
Nội dung chủ yếu trong nhiệm vụ lập quy hoạch của cấp thẩm quyền là khảo sát, điều tra, thu thập các số liệu cần thiết phục vụ công tác lập quy hoạch; dự báo nhu cầu vận chuyển hàng không. Quy hoạch vùng trời, đường bay, phương thức bay phục vụ khai thác sân bay…
Dự án sân bay Gia Bình hiện đang được xây dựng tại xã Xuân Lai và thị trấn Gia Bình, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, diện tích khoảng 125 ha, cách cảng hàng không Nội Bài 43km. Sau khi hoàn thành giai đoạn 1, đây sẽ là sân bay trực thăng cấp 3, quân sự cấp 3, dân dụng tương đương cấp 3C theo tiêu chuẩn của ICAO.
Sân bay có thể bảo đảm cất, hạ cánh cho các loại trực thăng Chinook CH-47D, Mi-8, Mi-171, máy bay vận tải Casa-295.
Theo chỉ đạo mới đây của lãnh đạo Chính phủ, sân bay này cần được nghiên cứu khả năng hình thành cảng hàng không Gia Bình.
Mục đích, sân bay không chỉ là nơi dự bị cho hoạt động bay của Quân chủng Phòng không Không quân (Bộ Quốc phòng) mà còn là nơi dự bị cho các sân bay trong khu vực khi có tình huống khẩn cấp. Nơi đây cũng có thể đảm bảo hoạt động của các chuyến bay chuyên cơ phục vụ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chính khách quốc tế trên các loại máy bay cánh bằng loại lớn.
Sân bay và cảng hàng không khác nhau như thế nào?
Cảng hàng không là khu vực xác định bao gồm sân bay, nhà ga và các trang bị, thiết bị, công trình cần thiết khác được sử dụng cho máy bay đi, đến và thực hiện vận chuyển hàng không.
Sân bay là một phần của cảng hàng không, chỉ bao gồm các khu vực cụ thể phục vụ cho việc cất, hạ cánh và hoạt động của máy bay.