Theo kết quả của cuộc nghiên cứu, những bệnh nhân nhiễm COVID-19 mang biến thể Omicron, đặc biệt những người được tiêm chủng đầy đủ trước đó, đã phát triển khả năng miễn dịch tăng cường chống lại biến thể Delta.
Cuộc nghiên cứu được thực hiện với sự tham gia của 33 người, bao gồm những người đã được tiêm chủng và chưa tiêm chủng bị nhiễm biến thể Omicron ở Nam Phi.
Nhân viên y tế đang tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho một thiếu niên ở Johannesburg, Nam Phi, ngày 9-12. Ảnh: REUTERS
Các nhà khoa học Nam Phi phát hiện ra rằng bên cạnh việc mức độ kháng thể chống lại Omicron tăng lên 14 lần sau 14 ngày nhiễm bệnh, họ cũng nhận thấy mức độ kháng thể chống lại biến thể Delta tăng lên 4,4 lần.
“Sự gia tăng khả năng chống lại biến thể Delta ở những người bị nhiễm biến thể Omicron có thể giúp làm giảm khả năng tái nhiễm của các bệnh nhân” - các nhà khoa học cho biết.
Ông Alex Sigal, một giáo sư tại Viện Nghiên cứu Sức khỏe Châu Phi ở Nam Phi, đã viết trên trang Twitter của mình hôm 27-12 rằng nếu biến thể Omicron có độc lực nhẹ hơn, theo những gì quan sát được ở Nam Phi, thì "biến thể này sẽ giúp đẩy Delta ra ngoài".
Hiện kết quả trên vẫn chưa được giới chuyên gia xem xét và đánh giá, song đây có thể là một dấu hiệu tích cực có thể giúp chuyển biến tình hình đại dịch trong thời gian sắp tới.
Theo một nghiên cứu trước đó cũng ở Nam Phi, nguy cơ nhập viện và mắc bệnh nặng ở những người nhiễm biến thể Omicron là thấp hơn so với Delta, mặc dù các nhà nghiên cứu cho rằng nguyên nhân đằng sau việc này có thể do khả năng miễn dịch cộng đồng cao.
Biến thể Omicron, được phát hiện lần đầu tiên ở miền nam châu Phi vào tháng 11, đã lan rộng trên toàn thế giới kể từ đó và đe dọa gây quá tải cho các bệnh viện cũng như phá vỡ kế hoạch du lịch nghỉ lễ của nhiều người.