Kết quả trên thu được là do nhóm nghiên cứu cho Omicron tiếp xúc với mẫu mô lấy từ phế quản người. Điều này giúp lý giải phần nào tại sao Omicron lại có khả năng lây lan cao bất thường như nhiều chuyên gia trên thế giới đã cảnh báo thời gian qua.
Ảnh minh họa virus SARS-CoV-2. Ảnh: AFP
Dù vậy, nhóm nghiên cứu cũng phát hiện khi tiếp xúc với mẫu mô lấy từ phổi thì Omicron lại sinh sôi chậm hơn 10 lần, có thể là chỉ dấu cho thấy biến thể này thực sự có độc tính không cao.
Trưởng nhóm nghiên cứu - TS Michael Chan Chi-wai cho biết các kết quả nghiên cứu như của nhóm ông cần phải được thu nhận và đánh giá hết sức cẩn trọng.
Độ nguy hiểm của một dịch bệnh nói chung không thể chỉ đánh giá thông qua mức độ lây lan của nó cao hay thấp, mà còn phải tính tới cả các yếu tố như phản ứng miễn dịch của cơ thể người - chẳng hạn liệu hệ miễn dịch của người đó đã bị rơi vào tình trạng quá tải chưa.
"Cũng cần lưu ý là khi virus lây nhiễm càng nhiều người thì rủi ro xuất hiện các ca thể nặng và tử vong càng cao, dù cho khả năng gây bệnh của virus đó không cao. Vì vậy, khi xem xét điều này cùng với phát hiện mới của chúng tôi và những nghiên cứu khác cho thấy Omicron có thể né được kháng thể vaccine và hệ miễn dịch của cơ thể, biến thể này đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn" - ông Chi-wai khẳng định.
Cùng chia sẻ với tờ The Guardian, PGS Jeremy Kamil thuộc ĐH Louisiana (Mỹ) cho biết phát hiện mới của nhóm chuyên gia ĐH Hong Kong cho thấy biến thể Omicron sẽ một số lợi thế nhất định khi lây lan giữa con người với nhau so với các biến thể trước như Delta.
"Kết hợp cùng khả năng né tránh được kháng thể chống lây nhiễm, Omcron với khả năng lây lan nhanh chóng của nó rất có thể sẽ vẫn lan truyền mạnh trong số những người đã tiêm đủ hai liều vaccine nhưng chưa tiêm liều tăng cường" - ông Kamil nói.