Ngõ cụt ngoại giao cho cuộc chiến Syria

Cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ về tình hình Syria tại New York hôm 21-9 (giờ địa phương) kéo dài ba tiếng trong không khí nặng nề. Kết quả cuộc họp chỉ là ngõ cụt về ngoại giao.

Phát biểu khai mạc cuộc họp, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon nhắc đến nội chiến ở Syria và nói: “Một thảm kịch đang gieo xấu hổ cho chúng ta. Một thất bại tập thể sẽ phải ám ảnh các nước thuộc Hội đồng Bảo an này”.

Mỹ và Nga vốn là hai nước bảo trợ cho thỏa thuận ngừng bắn tại Syria ký kết ở Genève ngày 9-9 (có hiệu lực từ tối 12-9 nhưng chỉ kéo dài một tuần) đã cao giọng chỉ trích nhau trong cuộc họp.

Đặc phái viên của LHQ về Syria Staffan de Mistura thừa nhận những khó khăn về thiết lập các điều kiện nối lại đàm phán hòa bình.

Ông giải thích: “Điều này dường như là ảo tưởng. Tôi đã đọc thấy điều đó trong ánh mắt các ngài nhưng nếu chúng ta không áp đặt điều đó thì chúng ta sẽ không đạt đến gì cả”.

Hội đồng Bảo an LHQ đứng trước bài toán chiến tranh và hòa bình ở Syria. Biếm họa của OSAMA HAJJAJ (Jordan)

Theo tường thuật của báo Le Monde, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov là người thuộc các nước chủ chốt liên quan đến nội chiến Syria mở lời đầu tiên.

Ông phát biểu: “Tôi xin lỗi khi nói về các tài liệu mà gần như không ai đã xem qua và nước Nga sẵn sàng công bố”.

Ông nói đến thỏa thuận Mỹ-Nga về ngừng bắn ở Syria và vấn đề hợp tác quân sự Mỹ-Nga để không kích bọn khủng bố IS và tổ chức Mặt trận Al-Nusra trước đây (tên mới là Jabhat Fateh al-Sham).

Ông nhắc lại các mục tiêu: Khẩn cấp loại trừ bọn khủng bố và bọn thánh chiến, quân nổi dậy phải chịu trách nhiệm về các vi phạm ngừng bắn, đàm phán chính trị về Syria khai mạc mà không có điều kiện tiên quyết về phía phe đối lập Syria (đòi Tổng thống Bashar al-Assad phải ra đi).

Sau đó đến lượt Ngoại trưởng Mỹ John Kerry phát biểu.

Từ giữa tháng 7, ông John Kerry đã tăng cường gặp người đồng cấp Nga cho dù Pháp và Anh chỉ trích và một bộ phận Bộ Ngoại giao Mỹ nói ông ngây thơ với Nga.

Ông nhấn mạnh ông có cảm giác ông và người đồng cấp Nga đang ở hai vũ trụ song song.

Ông nêu ra các sự kiện và các chứng cứ cho thấy chế độ Syria, Nga hoặc cả hai có liên quan đến vụ ném bom vào đoàn xe chở hàng cứu trợ nhân đạo của LHQ hôm 19-9 cũng như vụ hai xe cứu thương bị không kích ở phía nam Aleppo tối 20-9 làm bốn người chết.

Thế rồi ông John Kerry chỉ trích: “Mọi người trong phòng này đều hiểu có ủng hộ (chế độ Syria) từ bàn này và chúng ta biết họ là ai, người có khả năng ảnh hưởng đến các tác nhân của cuộc xung đột”.

Ông đề nghị Nga cần chứng tỏ thiện chí và cam kết bằng cách bắt buộc chính phủ Syria không cho máy bay cất cánh và cấm ném bom ở Aleppo.

Ngày 22-9, Nhóm Quốc tế ủng hộ Syria gồm 23 nước và tổ chức quốc tế sẽ họp lần nữa về tình hình Syria bên lề phiên họp cấp cao thường niên Đại hội đồng LHQ ở New York. Mỹ và Nga sẽ chủ trì cuộc họp. Hôm 20-9, cuộc họp lần đầu của Nhóm Quốc tế ủng hộ Syria đã kết thúc trong không khí rất nặng nề. Không có thông báo cụ thể nào được công bố.

Ngày 22-9, chiến sự bùng nổ ác liệt ở Aleppo (Syria) giữa quân đội chính phủ và liên quân gồm quân nổi dậy và quân thánh chiến. Đêm trước đó, khu vực phía tây Aleppo do quân nổi dậy kiểm soát đã bị máy bay chính phủ ném bom dồn dập. Từ khi thỏa thuận ngừng bắn hết hiệu lực vào đầu tuần, chiến sự đã bùng nổ trên toàn lãnh thổ Syria.

______________________________

Cần thiết phải thiết lập một cơ chế giám sát ngừng bắn và trừng phạt những kẻ chủ mưu tấn công bằng vũ khí hóa học… Không có hòa bình nếu không có trừng phạt.

Ngoại trưởng Pháp JEAN-MARC AYRAULT phát biểu tại cuộc họp Hội đồng Bảo an LHQ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm