Việc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất để góp phần thúc đẩy kinh doanh và tăng trưởng nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay là điều cấp thiết. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào mỗi trụ cột giảm lãi suất thì vẫn chưa thể gánh nổi cỗ máy kinh tế trong bối cảnh có nhiều thách thức hiện hữu.
Cụ thể, nền kinh tế đang gặp khó khăn như kết luận của ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, sau khi phân tích tình hình kinh tế trong và ngoài nước ngay phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội ngày 22-5 vừa qua.
Điều này cũng dễ nhận thấy khi sức sản xuất của Việt Nam trong tháng 4 tiếp tục suy giảm với chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) rớt dưới 50 điểm. Với độ mở nền kinh tế lên đến 200% GDP, tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu nên ngay khi kinh tế toàn cầu suy thoái, Việt Nam lập tức bị ảnh hưởng.
Thị trường nội địa cũng đang đối diện với sức mua yếu nên việc kinh doanh của doanh nghiệp lao đao. Làn sóng đóng cửa, cho công nhân nghỉ việc, bán tài sản dưới giá trị thực đã và đang diễn ra.
Trong bối cảnh trên, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục hạ lãi suất điều hành và huy động lần thứ ba trong năm. Trước đó, trong tháng 3, NHNN đã hai lần áp dụng chính sách hạ lãi suất này. Mục tiêu của NHNN là để khơi thông thị trường vốn và hỗ trợ cho kế hoạchtăng trưởng kinh tế năm 2023. Quan trọng hơn là để tạo cho doanh nghiệp (DN) tiếp cận vốn với chi phí rẻ nhằm kinh doanh có hiệu quả, tạo công ăn việc làm, đóng góp tốt cho ngân sách.
Lãi suất tiền gửi giảm sẽ là động lực giúp cá nhân, DN tìm kiếm các cơ hội mới mang lại lợi suất cao hơn so với ngân hàng, khuyến khích tiêu dùng. Cá nhân và DN cũng có cơ hội tiếp cận khoản vay với lãi suất phải trả thấp hơn, giúp tiết kiệm được chi phí. Thực tế cho thấy dù lãi suất huy động giảm nhanh về gần mặt bằng cuối năm 2022 nhưng lãi suất cho vay vẫn giảm rất ít.
Các chuyên gia có chung nhận định lãi suất cho vay cần phải giảm mạnh mẽ hơn, thay vì chậm rãi và dè dặt như hiện nay. Chỉ như vậy mới tạo ra động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho nền kinh tế. Vì môi trường lãi suất cao sẽ khiến chi phí vay vốn của DN tăng cao, đẩy giá thành sản phẩm lên cao. Giá đắt đỏ, thu nhập giảm thì người tiêu dùng sẽ thắt chặt hầu bao.
Thế nhưng, nếu chỉ trông chờ vào mỗi nút thắt hạ nhiệt lãi suất thì không phải là bài toán tối ưu. Vì NHNN còn phải đảm bảo kiểm soát tốt tỉ giá, ổn định lạm phát, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng trong khi vẫn phải đảm bảo nhu cầu tín dụng cho nền kinh tế.
Vì vậy, lúc này chính sách tài khóa cần triển khai một cách tích cực thông qua tháo gỡ khó khăn và đẩy mạnh (giải ngân) đầu tư công. Cạnh đó, xây dựng một thị trường vốn gồm cổ phiếu và trái phiếu phát triển ổn định, lành mạnh để không dồn gánh nặng lên vai ngân hàng. Ngoài ra, cần thúc đẩy nhanh các gói hỗ trợ lãi suất để hỗ trợ DN; cần quyết liệt giảm các loại thuế, phí, cải tổ mạnh mẽ môi trường kinh doanh…
Khi thực hiện chính sách tiền tệ hiệu quả, phối hợp đồng bộ với chính sách tài khóa hợp lý thì mới có thể vực dậy nền kinh tế vốn đang gặp nhiều thách thức.