Mật độ các cuộc hội nghị lớn nhỏ diễn ra dày đặc và gây lãng phí vô cùng lớn về thời gian và tiền bạc. Không cấp lớn thì cấp nhỏ, không ban này thì ngành kia. Mỗi đại biểu đến dự được phát cho một tập tài liệu dài vài chục trang. Ban đầu còn có nhiều người kiên nhẫn “dò chính tả” khi báo cáo viên đọc lại báo cáo. Sau đó có người ngủ gật, có người “tám” với nhau, thầm lặng hơn thì lấy điện thoại ra lướt Facebook. Nếu ban tổ chức gửi tài liệu trước qua email cho đại biểu nghiên cứu, sau đó đến dự chỉ để thảo luận thì ắt hiệu quả hơn nhiều.
Riêng về các số liệu báo cáo hội nghị, có rất nhiều con số không thể tin được. Bạn tôi làm giáo viên kể, trưởng phòng giáo dục đã quán triệt đến các trường: “Năm nay huyện ta đã đăng ký thi đua”. Vậy là các trường tìm cách nâng khống tỉ lệ học sinh khá giỏi, “lùa” hết học sinh lên lớp bất kể biết chắc em học yếu sẽ rất chật vật khi phải ngồi nhầm lớp. Khó nhất là việc “năn nỉ” học sinh nghỉ học quay lại lớp, nhất là ở các vùng có nhiều em học sinh dân tộc thiểu số khi các em đã đến tuổi lao động. Vậy là địa phương báo cáo là các em đã chuyển đến địa phương khác hoặc bị bệnh không thể theo học để không bị rớt chuẩn phổ cập, dù ngày nào các em đó cũng dắt trâu ngang qua trường học.
Người dân khá nghi ngờ một số kết quả báo cáo. Vậy nên khi một địa phương công bố số liệu trên báo rằng 90% người dân đồng thuận với chính quyền trong kế hoạch chỉnh trang đô thị, một loạt các comment trên trang fanpage của địa phương đó đã phản đối.
Chống căn bệnh này không dễ, có khi chỉ hô hào chống bệnh hình thức cũng chỉ cho có hình thức mà thôi!
ÁNH HỒNG (TP Đà Lạt, Lâm Đồng)