Sau hai số báo vừa qua, Pháp Luật TP.HCM nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc chia sẻ quan điểm về tính sĩ diện hão của người Việt. Hy vọng mỗi người Việt biết giới hạn tốt-xấu trong văn hóa ứng xử của mình để xã hội ngày càng có nhiều người sống thật hơn.
ThS xã hội học LÊ MINH TIẾN:
Sự nể trọng đến từ vẻ bề ngoài rất dễ mất đi
Người ta biết giữ thể diện cho bản thân và gia đình là một điều tích cực. Bởi như thế nghĩa là họ biết quan tâm tới bản thân, gia đình và cố gắng sống sao cho xứng đáng. Người biết giữ thể diện là không vì những mối lợi mà chà đạp lên những giá trị nhân văn. Cho dù gặp khó khăn hay phải sống trong cảnh cơ hàn họ vẫn sống trong một tư thế hiên ngang theo kiểu “đầu đội trời, chân đạp đất”.
Trái lại, thói sĩ diện hão lại là một căn bệnh vì nó không phản ánh đúng con người thật. Khi người ta cố làm ra vẻ giàu sang, thông thái với mục tiêu được người khác kính nể, trọng vọng trong khi thực chất hoàn toàn khác thì đó là một triệu chứng của căn bệnh sĩ diện hão. Sở dĩ con người ta cố đánh bóng vẻ bên ngoài bằng những thứ hào nhoáng như nhà cửa, xe cộ, quần áo, trang sức… là để che lấp cái trống rỗng bên trong. Ở đây, một phần cũng do trong xã hội hiện đại, một bộ phận dân chúng quá đề cao những thứ bề ngoài, những giá trị vật chất.
Sự kính nể của người khác, của cộng đồng đối với những thứ bên ngoài sẽ không còn nữa khi những thứ đó mất đi. Thế nên con người phải có một sự phản tỉnh, tức là phải biết suy nghĩ về những gì là quan trọng trong kiếp người trước khi hành động. Xã hội cũng phải định hình những giá trị chứ không nên cổ súy cho những gì thuộc về hư danh.
Giáo dục tốt sẽ giúp các bạn trẻ định hướng các giá trị. Ảnh: PHẠM ANH
Anh KLAUS CHAN, quản lý doanh nghiệp đến từ Đài Loan:
Không chỉ riêng người Việt mắc bệnh sĩ
Không chỉ có các bạn trẻ Việt Nam ưa sĩ diện hão đâu, nhiều người Đài Loan cũng sĩ diện hão như vậy. Tôi thấy nhiều bạn trẻ chạy theo hàng hiệu, mua sắm các loại điện thoại đắt tiền như một kiểu thời trang. Điều này rất không cần thiết và lãng phí. Đài Loan có thể có mức sống cao hơn Việt Nam nhưng việc sở hữu hàng hiệu và các thiết bị điện tử cũng không dễ dàng gì. Nhưng dường như đấy là trào lưu chung của giới trẻ.
Tôi nghĩ nền giáo dục tốt sẽ giúp các bạn trẻ định hướng các giá trị. Ở Đài Loan có nhiều trường học quốc tế, nền giáo dục khá tốt và cởi mở. Nền giáo dục tốt sẽ giúp con người thay đổi suy nghĩ và tôn trọng sự riêng tư cá nhân. Đây sẽ là giá trị chung và giúp con người tự nhận thức bản thân.
Ngoài ra nếp sống của cha mẹ trong gia đình sẽ ảnh hưởng lớn tới con cái. Tôi thích sống giản dị. Tôi không sử dụng điện thoại quá đắt tiền và chỉ thay đổi khi thật sự cần thiết.
Anh DUC NGUYEN, chuyên gia máy tính, làm việc tại California:
Nhìn từ hai nền văn hóa
Tôi qua Mỹ từ khi còn rất nhỏ. Ở trường tôi được giáo dục theo nền giáo dục Mỹ. Về nhà tôi được mẹ dạy về văn hóa Việt Nam. Tôi cảm thấy mình rất may mắn khi được hiểu biết về cả hai nền văn hóa phương Đông và phương Tây.
Ở Việt Nam, nhiều người rất cần phải phô trương hình thức. Làm mộ cho người thân cũng phải phô trương ra ngoài thì rất buồn cười. Điều này không giúp gì cho con người hiểu biết về nguồn cội hoặc tôn giáo của mình sâu sắc hơn.
Ở Mỹ, nghĩa trang rất thanh bình. Mọi người đều tôn trọng nhau và bình đẳng với nhau, ngay cả khi về thế giới bên kia. Không có ngôi mộ nào to hơn, không có tấm bia nào hoành tráng hơn. Tất cả chỉ là một tấm bia đá nằm trên mặt đất, ghi tên, tuổi người quá cố. Đến khi người thân mình mất đi mà vẫn còn đua chen, phô trương thì tâm bao giờ mới thanh thản, vui vẻ được.
Tuy nhiên, thuộc tính văn hóa này là do ông bà để lại nên con cháu khó mà thay đổi được. Ở bên này cũng có những người Việt lớn tuổi vẫn giữ nhiều nét tính cách đó nhưng con cháu của họ thì chịu ảnh hưởng văn hóa Mỹ. Truyền thông và nền giáo dục phương Tây dạy con người ta nên sống đúng với con người mình, châm biếm sự giả tạo, phô trương. Thế hệ trẻ Việt Nam đã tiếp xúc nhiều từ văn hóa phương Tây, tôi hy vọng họ sẽ biết chọn lọc cái tốt và bỏ đi cái xấu từ văn hóa này để chọn cho mình một thái độ sống đúng.