Ngoại trưởng Mỹ rơi nước mắt khi nói về chiến tranh Việt Nam

Trong 3 ngày 26 đến 28-4, tại thư viện Tổng thống Lyndon Johnson ở TP Austin (bang Texas, Mỹ) diễn ra một hội thảo về chiến tranh Việt Nam nhằm phân tích và rút ra bài học từ cuộc chiến, làm kinh nghiệm cho chính sách đối ngoại Mỹ, theo hãng tin CNN (Mỹ).

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry từng tham gia chiến tranh Việt Nam và nhận được nhiều huy chương với vai trò trung úy hải quân Mỹ. Tuy nhiên rời quân đội, ông Kerry trở thành một trong những người hoạt động phản đối chiến tranh Việt Nam năng nổ nhất.

Ông từng dẫn đầu một cuộc biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam tại Washington năm 1971. Trong một cuộc điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện năm này, ông đã gọi chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến man rợ.

Trong vai trò nghị sĩ đại diện bang Massachusetts, ông đã có 10 năm dài theo đuổi giúp bình thường hóa quan hệ Mỹ và Việt Nam.

Ngoại trưởng Kerry tham dự hội thảo về chiến tranh Việt Nam. (Ảnh: Nick Ut/AP)

Ngày 27-4, trước khoảng 1.000 khách mời là các cựu binh, học giả, chính khách Mỹ, Ngoại trưởng Kerry đã có bài phát biểu trong niềm xúc động lớn.

Ngoại trưởng Kerry nhắc nhớ lại những hệ hụy, đau thương của chiến tranh. Ông nhớ lại thời còn tham gia cuộc chiến, đã có thời điểm ông ngồi trên nóc khách sạn Rex (TP.HCM), nhìn lửa cháy và bom đạn nổ khắp TP. Cuộc chiến qua đi, ông đã từng về lại khách sạn Rex để chứng kiến một TP.HCM thay da đổi thịt.

“Đã 45 năm kể từ cuộc điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện năm 1971, quan hệ hai nước chúng ta đã có những bước ngoặt quan trọng. Vẫn còn đó những lựa chọn khó khăn để đưa quan hệ chúng ta đạt được tầm cao nhất. Tuy nhiên nhờ có rất rất nhiều người Việt Nam và người Mỹ quyết định không để quá khứ cản đường tương lai, chúng ta có thể nói Việt Nam giờ là một đối tác mà các quan hệ cá nhân và quốc gia ngày càng nồng ấm.”

 “Đó là tài sản chung của chúng ta, và là điều mà tôi hy vọng chúng ta sẽ tiếp tục củng cố trong những năm tới.”

Trong quá trình hồi tưởng lại cuộc điều trần lịch sử này, Ngoại trưởng Kerry đã phải ngừng lại nhiều lần, uống nước, cố gắng để kiểm soát cảm xúc và nước mắt, theo báo Washington Post (Mỹ).

Ngoại trưởng Kerry phát biểu tại hội thảo về chiến tranh Việt Nam. (Ảnh: AP)

Ngoại trưởng Kerry đánh giá cao sự hợp tác chân thành của Việt Nam trong cuộc tìm kiếm hài cốt lính Mỹ thiệt mạng trong chiến tranh Việt Nam.  “Họ rất cởi mở, họ đào cả cánh đồng, cho phép chúng tôi khảo sát nhà cửa, họ làm tất cả để chúng tôi tìm kiếm hài cốt quân nhân Mỹ.”

Ông lần đầu công khai về một chuyến sang lại Việt Nam trong thời gian ông nỗ lực kéo gần quan hệ hai nước. Trong chuyến đi này, ông đã hội kiến các lãnh đạo Việt Nam, cố gắng thuyết phục họ cho phép ông đến khảo sát phần đất bên dưới lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh vì có thông tin có thể có quân nhân Mỹ thiệt mạng trong chiến tranh Việt Nam nằm lại ở đây. “Thật ngạc nhiên là họ đã đồng ý. Tôi xuống lăng và khảo sát nhưng không tìm thấy ai.”

Dù thẳng thắn đề cập đến một số bất đồng còn tồn tại giữa hai nước, Ngoại trưởng Kerry cũng nhắc đến sự hợp tác hai nước trong các lĩnh vực an ninh, thương mại, du lịch, giáo dục.

“Sự thay đổi và tiến triển trong quan hệ hai nước là điều phi thường và khó tưởng tượng. Thời điểm năm 1968, không ai có thể nghĩ đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có thể sang thăm Mỹ năm 2015, rồi Tổng thống Obama sẽ thăm Việt Nam vào tháng tới.” Ông Kerry cũng sẽ tháp tùng Tổng thống Obama trong chuyến thăm này.

Ngoại trưởng Kerry nhận định, kinh nghiệm quý báu trong bi kịch cuộc chiến Việt Nam là sự nhắc nhở nguy cơ mắc sai lầm, là sự nhìn sự việc qua lăng kính sai lệch và không màng đến các tổn thất đau thương mà chiến tranh mang lại. Ông thẳng thắn thừa nhận bài học lớn nhất mà Mỹ học được từ cuộc chiến Việt Nam là không nên nhìn nhận sự việc của một nước khác bằng lăng kính của mình, mà cần nhìn nhận từ vị trí nước đó.

Tham gia hội thảo, ngoài Ngoại trưởng Kerry còn có cựu Ngoại trưởng Herry Kissinger phục vụ trong chính phủ hai Tổng thống Richard Nixon và Gerald Ford, và nhà hoạt động chống chiến tranh Việt Nam nổi tiếng Tom Hayden.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm