Sau ba ngày xét xử, sáng qua (11-7), TAND quận 1, TP.HCM đã tuyên án vụ tranh chấp hợp đồng hợp tác giữa nguyên đơn là diễn viên kịch nói Ngọc Trinh và Nhà hát Kịch TP.HCM (gọi tắt là nhà hát). HĐXX đã chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Ngọc Trinh, tuyên buộc bị đơn bồi thường 233 triệu đồng là những chi phí mà Ngọc Trinh đã đầu tư vào các vở kịch được dàn dựng và biểu diễn tại nhà hát, có hóa đơn và chứng từ hợp lệ.
Hiệu lực của hợp đồng bằng miệng
HĐXX nhận định việc hai bên hợp tác tuy chưa ký hợp đồng chính thức nhưng đã diễn ra trên thực tế vì đã có 55 suất diễn do Ngọc Trinh dàn dựng được công diễn tại nhà hát.
Nội dung của hợp đồng hợp tác đầu tư dàn dựng tổ chức hoạt động biểu diễn nghệ thuật giữa hai bên không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội nên đủ điều kiện có hiệu lực theo Điều 122 BLDS 2005. Do đó hai bên có trách nhiệm thực hiện đúng hợp đồng một cách trung thực, theo tinh thần hợp tác và thỏa thuận giữa đôi bên, bảo đảm tin cậy lẫn nhau.
Theo đề nghị của ông Trần Khánh Hoàng (Giám đốc nhà hát) hồi tháng 4-2014 thì hai bên xác lập hợp đồng làm việc có hiệu lực từ ngày 1-5-2014 đến 30-4-2015. Như vậy, ngoài quan hệ đối tác Ngọc Trinh còn là viên chức của nhà hát, đến ngày 10-9-2014 thì Ngọc Trinh xin nghỉ việc.
Tòa bác bỏ ý kiến của luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nhà hát, cho rằng Ngọc Trinh nộp đơn xin nghỉ thì coi như Ngọc Trinh đề nghị chấm dứt hợp tác. Bởi theo tòa thì Ngọc Trinh có là viên chức của nhà hát hay không cũng không phải căn cứ xác lập hay chấm dứt quan hệ hợp tác giữa hai bên.
Tòa cũng bác luận cứ của luật sư bảo vệ bị đơn cho rằng Ngọc Trinh lúc đầu thấy đường lối ông Khánh Hoàng đưa ra tốt nên nhận lời, về sau thấy không phù hợp nên xin ra là chuyện thường. Lý do là tại biên bản họp ngày 1-11-2014 do nhà hát giao nộp không thể hiện nội dung Ngọc Trinh đề nghị chấm dứt hợp tác...
Diễn viên Ngọc Trinh chia sẻ cảm xúc với báo chí sau khi tòa tuyên án. Ảnh: HOÀNG GIANG
Nóng vội khi giải quyết mâu thuẫn
Tòa đánh giá các biên bản mà hai bên giao nộp. Theo đó, ông Quý Bình là người chủ trì các cuộc họp với tư cách phó giám đốc nhà hát. Ông cũng là người đứng tên đại diện nhà hát trong bản thỏa thuận hợp tác. Lúc này ông Khánh Hoàng đang nghỉ bệnh, giao quyền điều hành nhà hát cho ông Quý Bình. Cho nên trong cuộc họp, dù ý kiến ông Quý Bình đưa ra bằng lời nói hay bằng văn bản thì đều mang tính đại diện cho nhà hát. Vì vậy, không thể xem ông Quý Bình nói với tư cách cá nhân nên không có giá trị pháp lý.
Tòa xét chủ trương xã hội hóa là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm thu hút toàn xã hội, các thành phần kinh tế tham gia, cung cấp và phổ biến văn hóa, nhằm từng bước nâng cao phục vụ văn hóa tinh thần nhân dân. Mục đích và nội dung hợp tác giữa nhà hát và nhóm kịch Ngọc Trinh không chỉ góp phần thực hiện chủ trương xã hội hóa mà còn nhằm bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ diễn viên trẻ bổ sung cho sân khấu kịch nói.
Quá trình hợp tác không tránh khỏi những va chạm nhưng hai bên đã có sự nóng vội trong giải quyết. Việc nhà hát chấm dứt hợp tác với lý do hai bên chưa ký kết hợp đồng chính thức là chưa thể hiện thiện chí của mình, chưa chứng tỏ được vai trò của một đơn vị có bề dày truyền thống, cơ sở vật chất của một sân khấu kịch TP.
Xét việc đơn phương chấm dứt hợp đồng, phía nhà hát phải bồi thường những chi phí, thiệt hại cho Ngọc Trinh theo đúng thỏa thuận giữa hai bên. Các khoản được tính vào chi phí đầu tư gồm các đạo cụ, đạo diễn, trang trí… Các chi phí này phải cần thiết, hợp lý, cụ thể, có hóa đơn, chứng từ hợp lệ theo quy định.
Xét các khoản chi phí cúng tổ mà Ngọc Trinh yêu cầu, bị đơn thừa nhận phù hợp với hoạt động sân khấu nhưng nguyên đơn không chứng minh được số tiền này gộp với chi phí ăn uống nên không đủ cơ sở để chấp nhận.
Sau phiên tòa, phía nhà hát cho biết sẽ kháng cáo bản án sơ thẩm.
Diễn biến vụ kiện Năm 2014, ông Trần Khánh Hoàng, Giám đốc nhà hát, đã có thỏa thuận hợp tác với diễn viên Ngọc Trinh để dàn dựng và tổ chức biểu diễn nghệ thuật theo phương thức xã hội hóa. Sau khi hai bên không thỏa thuận được với nhau về một số quyền lợi nên nhà hát đã chấm dứt hợp tác với Ngọc Trinh trong ngày 1-11-2014. Ngọc Trinh khởi kiện yêu cầu tòa buộc nhà hát hoàn trả chi phí đầu tư cho sáu vở kịch đã biểu diễn, chi phí bù lỗ diễn viên biểu diễn, chi phí đầu tư kịch bản Tết năm 2015…, tổng cộng hơn 546 triệu đồng. Tại tòa, hai bên đều thừa nhận mặc dù chưa ký hợp đồng thỏa thuận nhưng đã có thỏa thuận miệng về chi phí, doanh thu, lợi nhuận và tỉ lệ ăn chia. Ngọc Trinh đã rút lại hai yêu cầu đòi bồi thường cho một vở kịch và các chi phí biểu diễn 116 triệu đồng. Nhà hát thì chấp nhận cho Ngọc Trinh biểu diễn mỗi tuần một suất miễn phí trong một năm, nếu chưa đủ thì tiếp tục cho đến khi thu hồi vốn… |