Cách QL26 gần 10 km, thuộc xã Cư Króa, huyện M’Drăk (Đắk Lắk) có rất đông đồng bào người H’Mông đã di cư vào sinh sống từ nhiều năm qua. Họ yêu thương đùm bọc với nhau, đoàn kết chung lòng xây dựng quê hương mới và vẫn giữ được lối sống, trang phục truyền thống.
Hình ảnh cụ bà trong trang phục truyền thống, những đứa trẻ trên lưng trâu giúp gia đình, hay nụ cười hồn nhiên của những cô gái tuổi đôi mươi… mang cho ta cảm giác đang ở giữa đất rừng Tây Bắc xa xôi.
Ông Giàng Seo Chấu, Trưởng ban Công tác mặt trận của thôn 7, xã Cư Króa, cho biết: “Thôn chúng tôi hiện nay có khoảng 187 hộ, 833 khẩu, trong đó có 145 hộ đã có hộ khẩu thường trú. Đồng bào chúng tôi phần đông quê ở Bắc Hà, Lào Cai vào đây những năm 1998".
"Trong những năm qua chúng tôi luôn được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân địa phương đã mở đường, xây trường học, kéo hệ thống lưới điện, có nhà sinh hoạt cộng đồng… chăm lo các công việc làm ăn như trồng lúa nước, trồng sắn (củ mì), trồng rừng… do đó đời sống của đồng bào từng bước được ổn định. Nhiều hộ gia đình xây được nhà to, nhà sàn kiên cố, mua sắm xe máy loại đắt tiền…”.
Theo tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, dân số người H’Mông ở Việt Nam là 1.068.189 người, đứng thứ tám trong bảng danh sách các dân tộc ở Việt Nam. Do tập quán du mục nên một số người H’Mông đã di dân vào tận Tây Nguyên, sống rải rác ở một số nơi thuộc các tỉnh như Gia Lai, Kon Tum và Đắk Lắk.
Dưới đây xin giới thiệu đến bạn đọc những hình ảnh đời sống, tinh thần của đồng bào người H’Mông ở thôn 7, xã Cư Króa: