Tuy nhiên, sau 7 năm thi công, đến nay dự án vẫn còn ngổn ngang, do đó người dân vẫn phải chịu cảnh “bì bõm” mỗi khi có triều cường.
Mỗi năm làm được... 10%
Dự án bờ hữu ven sông Sài Gòn (ban quản lý dự án Sở NN-PTNT làm chủ đầu tư) được chia thành 2 tiểu dự án là Nam rạch Tra, bắt đầu từ rạch Vàm Thuật (quận 12) đến rạch Tra (huyện Hóc Môn) và Bắc rạch Tra, từ rạch Tra đến Tỉnh lộ 8 (huyện Củ Chi).
Dự án Nam rạch Tra có tổng vốn 389 tỉ đồng, sau 7 năm thi công, đến nay mới chỉ hoàn thành được 65% đê bao (43.190 m), 68% khối lượng xây lắp cống (148 cống) và lắp đặt được 89 cửa van ngăn lũ.
Dự án Bắc rạch Tra có tổng vốn 280,5 tỉ đồng, do không đền bù nhiều và nguồn vốn đầu tư có đủ nên thi công nhanh hơn dự án Nam rạch Tra. Dự án này phải đắp 42.460 m đê bao và 140 cống các loại, đến nay hoàn thành được 2.420 m trong tổng số 9.557 m đê bao ven sông Sài Gòn, vẫn còn đến 32.903 m bờ bao rạch nội đồng và 87 cống chưa thi công.
Hàng chục “bờ bao con” liên tục bể vì triều cường trong khi
“bờ bao mẹ” là dự án bờ hữu ven sông Sài Gòn lại liên tục trễ hẹn. Ảnh: N.PHÚ
Ông Nguyễn Tăng Thành, Phó Giám đốc ban quản lý dự án, cho biết: “Mặc dù hiện nay dự án chưa hoàn tất nhưng đã phát huy tác dụng rõ rệt. Năm vừa rồi, nhiều hạng mục hoàn thành đã giúp một số khu vực ở quận 12, huyện Hóc Môn thoát khỏi cảnh ngập sâu”.
Theo ban quản lý dự án, hiện nay triều cường cao nhất chưa tới 1,6 m trong khi dự án này theo thiết kế có thể kháng cự được với triều cường cao đến 2,2 m.
Giải thích nguyên nhân dự án triển khai chậm, ban quản lý dự án cho biết từ năm 2002 đến năm 2006 do gặp trở ngại về vốn nên dự án Nam rạch Tra không tiến triển gì.
Đến năm 2006 Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) cho vay 143,7 tỉ đồng nhưng cuối năm 2007 mới giải ngân được khoản vay trên nên mới có tiền để tăng tốc thi công.
Đồng thời, việc giải phóng mặt bằng ở dự án này cũng vô cùng khó khăn và kéo dài qua nhiều năm do các hộ dân không đồng ý với giá đền bù.
Còn vướng hơn 100 hộ dân
Đối với dự án Nam rạch Tra, ông Thành khẳng định vấn đề cốt yếu là phải có mặt bằng để thi công mới có thể đẩy nhanh tiến độ dự án.
Hiện nay số hộ dân chưa đồng ý mức giá đền bù chủ yếu tập trung ở quận 12. Ông Nguyễn Tương Minh, Phó Chủ tịch UBND quận 12, cho biết hiện nay còn vướng 32 hộ dân. “Đơn giá đền bù thấp nên người dân không chịu.
Tuy nhiên, về mặt nguyên tắc đơn giá không thể nâng nên đối với những trường hợp cá biệt, vận động không xong phải tiến hành cưỡng chế theo quy trình, nếu có phải tiến hành sau Tết Nguyên đán và theo đúng quy trình pháp luật”- ông Minh nói.
Như vậy, mặc dù thừa nhận sẽ cố hết sức để bàn giao mặt bằng đúng hẹn theo như chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Trung Tín, chậm nhất đến ngày 5-2 phải bàn giao mặt bằng, nhưng rất có thể việc bàn giao mặt bằng ở quận 12 kéo dài đến cuối tháng 2-2010.
Còn về phần vốn của dự án này, theo tính toán của ban quản lý dự án, đã tăng thêm 38 tỉ đồng do phải áp dụng thiết bị công nghệ hiện đại. Được biết, theo thỏa ước vay với AFD, hạn cuối giải ngân là năm 2012.
Đối với dự án Bắc rạch Tra, ông Thành cho biết do dự án này chỉ nằm trên địa bàn xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi nên việc áp giá đền bù thực hiện thuận lợi hơn so với dự án Nam rạch Tra.
Hiện nay dự án còn vướng 91 nhà dân, tuy nhiên UNBD xã đã “đối thoại” được với những hộ dân này nên việc bàn giao mặt bằng sẽ được thực hiện nhanh. “Nếu mặt bằng bàn giao sớm, chúng tôi tin tưởng đến gần giữa năm 2011 toàn bộ dự án bờ hữu ven sông Sài Gòn sẽ hoàn thành!”- ông Thành khẳng định.
Quận Thủ Đức còn lâu mới hết ngập ! Quận Thủ Đức - một trong những quận hằng năm hứng chịu tai họa nặng nhất từ “bà thủy” - chưa biết khi nào được thoát ngập.
|