Ngư dân Phú Yên nâng cấp tàu, nâng cao chất lượng đánh bắt hải sản

(PLO)- Phú Yên là một trong những tỉnh phát triển mạnh ngành thủy sản. Ngư dân tỉnh đang từng ngày nâng cao chất lượng đánh bắt và đa dạng hóa sản phẩm.

Phú Yên có bờ biển dài 189 km với nhiều đầm, vịnh như vịnh Xuân Đài, Vũng Rô, đầm Ô Loan thuận lợi phát triển nghề đánh bắt hải sản. Trong những năm qua, tỉnh Phú Yên rất chú trọng triển khai chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định 67 của Chính phủ, Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ và một số chính sách khác.

Năm 2022, giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản chiếm 53% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Tàu cá và sản lượng thủy sản khai thác vùng khơi không ngừng tăng lên. Ông Lê Tấn Hổ, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên, cho biết tỉnh đang xây dựng quy hoạch phát triển chung của tỉnh giai đoạn 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, xác định rõ vị trí, vai trò của ngành thuỷ hải sản trong phát triển kinh tế.

Đặc biệt, Phú Yên được xem là cái nôi của nghề câu cá ngừ đại dương ở Việt Nam. Nghề câu cá ngừ đại ở đây được hình thành từ những năm đầu thập niên 1900. Cá ngừ đại dương là sản phẩm đánh bắt chủ lực của tỉnh.

Tỉnh đang có gần 550 chiếc tàu hành nghề câu cá ngừ vây vàng và cá ngừ mắt to. Những năm trước đây, sản lượng khai thác cá ngừ đại dương của địa phương đạt khoảng 7.000 tấn. Tuy nhiên, năm 2022 chỉ đạt 3.300 tấn.

Cá ngừ đại dương của tỉnh Phú Yên đánh bắt hầu hết là xuất khẩu, trong đó có xuất khẩu vào thị trường châu Âu.

Toàn tỉnh có chín cơ sở thu mua cá ngừ đại dương, trong đó một nhà máy chế biến đóng hộp tại thị xã Sông Cầu và năm cơ sở chế biến, bảo quản tại KCN Hòa Hiệp, thị xã Đông Hòa và An Phú, TP Tuy Hòa. Những cơ sở này đều xuất khẩu sang các thị trường như Châu Âu, Mỹ.

Ông Lê Văn Hồng, Giám đốc Công ty cổ phần Bá Hải, cho biết công ty chuyên xuất khẩu sản phẩm cá ngừ đại dương đã chế biến sang thị trường Châu Âu và nội địa. Công ty luôn chú trọng đầu tư máy móc hiện đại để chế biến, bảo quản sản phẩm đảm bảo chất lượng với thị trường. "Trong tương lai, ngành cá ngừ đại dương của tỉnh vẫn ổn định. Tuy nhiên, cần có sự điều phối, cân đối và đưa ngư dân ra ngư trường lớn để khai thác. Như vậy, ngành khai thác hải sản của tỉnh mới bền vững" - ông Hồng nói.

Tỉnh Phú Yên đã đăng ký nhãn hiệu tập thể “Cá ngừ Phú Yên”. Bên cạnh đó, tỉnh đang triển khai bản ghi nhớ với tập đoàn của Nhật Bản về phát triển thủy sản. Đặc biệt là tổ chức và phát triển sản phẩm cá ngừ đại dương, xây dựng cảng cá ngừ chuyên dụng, chợ đấu giá cá ngừ tại Đông Tác, hợp tác về công nghệ khai thác, bảo quản với Nhật Bản. Đây sẽ là cơ hội tốt để Phú Yên phát triển các chuỗi liên kết trong khai thác, chế biến cá ngừ, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm, ngư dân được hưởng lợi nhiều hơn.

Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên, cho biết tỉnh đã có chủ trương đầu tư, nâng cấp bốn cảng cá gồm Phú Lạc, Đông Tác, Tiên Châu và Dân Phước đủ điều kiện cho tàu khai thác vùng khơi.

Những ngày giữa tháng 8-2023, cảng cá Phú Lạc, xã Hòa Hiệp Nam, thị xã Đông Hòa, rộn ràng cảnh mua bán hải sản.

Hàng chục tàu cá Phú Yên, Bình Định đậu san sát để bán cá cho các thương lái. Ngư dân cho biết họ vừa trúng đàn cá nục.

Tàu đánh lưới chụp BD93934 của ngư dân Hồ Anh Quý cho biết tàu anh trúng luồng cá nục nên chỉ một đêm đã đánh được hơn bốn tấn. Anh Bền đã tranh thủ cho tàu vào cảng Phú Lạc để bán cho thương lái. "Trúng luồng cá, tàu đánh một đêm được hơn bốn tấn. Cá được giá cũng đủ phí tổn" - thuyền viên Bền cho hay.

Ngư dân này cho hay đang mùa cá nục nên tàu theo đàn cá vào đánh khu vực biển Phú Yên. Vào mùa, tàu anh cũng đi câu cá ngừ đại dương. Gia đình anh có đội tàu phân công tàu đánh bắt, hậu cầu để thuận tiện cho việc đánh bắt và bán hải sản.

Theo các ngư dân, các tàu cá đều đã gắn thiết bị giám sát hành trình để yên tâm đánh bắt trên biển. Thiết bị giám sát hành trình sẽ giúp họ chủ động hơn trong việc theo đàn cá để đánh bắt. "Có thiết bị giám sát hành trình gia đình ở nhà cũng biết tàu mình đang đi đánh bắt ở đâu. Trường hợp ở nhà biết sắp có thời tiết xấu gia đình cũng có thể thông báo để mình tránh" - ngư dân Phạm Ngọc Châu, ngụ ở thị xã Đông Hòa, chia sẻ.

Theo thương lái, cá nục bảo quản trong nước đá có giá khoảng 25.000 đồng/kg, cá trong khay khoảng 15.000 đồng/kg. Hiện đang vào mùa cá nục nên các thương lái thu gom về bán cho các cơ sở chế biến cá hộp.

Cá sau khi được cân ký, các thương lái liền muối đá, đưa lên xe đông lạnh để vận chuyển đến nhà máy.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh, năm 2022, sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 63.840 tấn. Trong đó, sản lượng cá khai thác biển ước đạt 57.300 tấn.

Các cảng cá sẽ giám sát 100% sản lượng, thành phần loài cá bốc dỡ qua cảng đối với các tàu cá không nằm trong danh sách tàu cá khai thác thủy sản bất hợp pháp.

"Ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân về vấn đề IUU đã có nhiều thay đổi, việc chấp hành của nhóm tàu từ 15m trở lên đã dần tốt hơn. Với nhóm tàu dưới 12m, hiện nay chưa bắt buộc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình nên phải kiên trì truyền thông để ngư dân nắm luật, không vi phạm; phối hợp với biên phòng, chi cục thuỷ sản để giám sát" - ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới