Ngừng họp giải quyết giữa vợ chồng ông chủ Trung Nguyên

Trước đó, ngày 18-7-2016, bà Diệp Thảo yêu cầu tòa án hủy bỏ các nghị quyết của đại hội cổ đông, hủy bỏ các quyết định và nghị quyết của HĐQT và các biên bản cuộc họp với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Đặng Lê Nguyên Vũ và Công ty Cổ phần Cà phê hòa tan Trung Nguyên (gọi tắt là Công ty Trung Nguyên).

Tạm ngừng phiên họp

Theo hồ sơ, bà Diệp Thảo yêu cầu tòa thực hiện thủ tục trưng cầu giám định đối với những chứng cứ mà bên kia nộp cho tòa được cho là giả mạo nhằm thay đổi người quản lý điều hành tại Công ty Trung Nguyên. Lý do mà ngày 29-11 TAND tỉnh Bình Dương tạm ngừng phiên họp là tại phiên họp, người yêu cầu giải quyết việc kinh doanh, thương mại đề nghị giám định theo các đơn đề nghị trưng cầu giám định lần một, lần hai và lần ba. Đồng thời, đại diện VKSND tỉnh đề nghị tòa án thực hiện thủ tục giám định theo yêu cầu xác minh, thu thập chứng cứ của viện này.

Phát hiện chứng cứ mới, trưng cầu giám định

Ngày 28-8, qua nghiên cứu các tài liệu được luật sư sao chụp, bà Diệp Thảo đã phát hiện hai tài liệu quan trọng mà bà cho là đã bị làm giả để thay đổi người quản lý điều hành tại Công ty Trung Nguyên, đặc biệt là Nhà máy cà phê hòa tan Trung Nguyên tại Bình Dương.

Hai tài liệu đó là biên bản họp đại hội đồng cổ đông của Tập đoàn Trung Nguyên và quyết định của đại hội đồng cổ đông của Tập đoàn Trung Nguyên.

Theo đó, hai tài liệu này cho rằng đại hội đồng cổ đông của Tập đoàn Trung Nguyên đã ủy quyền cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ là đại diện toàn bộ vốn góp của tập đoàn tại Trung Nguyên vào tháng 12-2011.

Các tài liệu này do người đại diện theo ủy quyền của ông Vũ và công ty nộp theo yêu cầu của TAND tỉnh Bình Dương.

Phía bà Diệp Thảo cho rằng hai tài liệu nói trên đã bị làm giả nhằm “loại bỏ” hoàn toàn vai trò của bà tại công ty. Dựa trên những chứng cứ thu thập được, bà Diệp Thảo đã có đơn tố cáo chứng cứ giả mạo và ba lần đề nghị trưng cầu giám định.

Theo phía bà Diệp Thảo thì các tài liệu mà phía bên kia nộp cho tòa thì chỉ là bản phôtô và không có ngày, nội dung trang trước và trang sau mâu thuẫn lẫn nhau, có sự cắt dán, phôtô chữ ký...

Từ đó phía bà Diệp Thảo yêu cầu tòa làm rõ một số nội dung như biên bản họp đại hội đồng cổ đông Tập đoàn Trung Nguyên do người đại diện ủy quyền của bên kia giao nộp có phải được phôtô từ biên bản họp do tòa án thu thập từ Phòng đăng ký kinh doanh - Sở KH&ĐT tỉnh Bình Dương không? Chữ ký ông Vũ trong quyết định đại hội đồng cổ đông Tập đoàn Trung Nguyên do tòa thu thập từ Phòng đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, được ký vào khoảng thời gian nào? Các chữ số được sửa chữa, tẩy xóa trong biên bản và quyết định đại hội đồng cổ đông Tập đoàn Trung Nguyên do tòa án thu thập từ Phòng đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương được thực hiện vào khoảng thời gian nào. Nội dung trước khi bị sửa chữa là gì?...

Bà Diệp Thảo mong rằng các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, giải quyết vụ việc của bà đúng quy định pháp luật để các nhà đầu tư thật sự yên tâm khi đầu tư kinh doanh.

Tội làm giả con dấu, tài liệu

Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm…

(Trích Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi bổ sung năm 2017)

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm