“Đường đang kẹt không cho xây thêm cao tầng, trừ khi chủ đầu tư muốn làm nhanh dự án thì đóng góp kinh phí để Nhà nước đầu tư hạ tầng, phục vụ lại chuyện xây dựng” - KTS Ngô Viết Nam Sơn cho hay. Nhiều chuyên gia khác cũng góp ý kiến để tháo gỡ vấn nạn kẹt xe do cao ốc gây ra như phản ánh của Pháp Luật TP.HCM trong những ngày qua.
Chỗ kẹt xe phải chấp nhận tạm ngưng xây cao ốc
Liên quan đến các dự án cao ốc ở khu vực trung tâm, Sở QH-KT đang rà soát và phối hợp với Sở GTVT xác định các điểm nóng ùn tắc giao thông rồi khoanh vùng và đề xuất UBND TP.HCM hạn chế đầu tư cao ốc. Nghĩa là trong lúc chưa đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật thì phải tạm ngưng đầu tư cao ốc ở các điểm nóng này.
Trên thực tế, Nhà nước có trách nhiệm đầu tư, hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Khi những nơi đã có quy hoạch chi tiết mà không cấp phép đầu tư cao ốc cũng là sự bất cập, là cái khó trong phát triển kinh tế-xã hội. Hơn nữa, nhà đầu tư đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính thì Nhà nước phải có trách nhiệm đầu tư cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, do hai nguồn lực này có độ vênh lớn quá nên trong một giai đoạn nhất định phải chấp nhận tạm ngưng đầu tư cao ốc.
Trường hợp nhà đầu tư vẫn có nhu cầu đầu tư ở các điểm nóng này thì có thể xem xét nhưng họ phải đóng góp khoản kinh phí xử lý. Cái này Sở QH-KT sẽ phối hợp với Sở Tài chính để có tính toán, đề xuất cụ thể.
Ông NGUYỄN THANH TOÀN, Phó Giám đốc Sở QH-KT TP.HCM
Tham gia từ đầu gỡ kẹt về sau
Sở GTVT đang soạn thảo quy trình đánh giá tác động giao thông khi thực hiện các dự án cao ốc, trung tâm thương mại. Theo đó, trước khi thực hiện dự án, chủ đầu tư phải có trách nhiệm thuê tư vấn độc lập thực hiện việc đánh giá tác động của dự án trong quá trình thi công, khai thác đến hệ thống giao thông hiện hữu. Việc này nhằm chuẩn hóa trong việc phối hợp, tham gia góp ý của ngành giao thông về tác động của các dự án cao ốc, trung tâm thương mại đến hiện trạng giao thông.
Ngoài ra, UBND TP cũng đã giao nhiệm vụ cho Sở GTVT tham gia góp ý từ khâu xét duyệt các chỉ tiêu quy hoạch, lập quy hoạch mặt bằng đối với các dự án cao ốc, trung tâm thương mại. Điều này góp phần tháo gỡ các bất cập trong việc đầu tư cao ốc làm ảnh hưởng đến giao thông như lâu nay.
Bởi vì khi tham gia từ giai đoạn này, nếu xét thấy dự án có tác động xấu đến giao thông thì Sở GTVT sẽ có kiến nghị điều chỉnh quy mô, chức năng hoạt động hoặc khuyến cáo nhà đầu tư giãn tiến độ đầu tư, hoàn thiện dự án so với việc đầu tư, hoàn thiện hạ tầng giao thông của khu vực.
Ông TRẦN QUANG LÂM, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM
Chủ dự án một chung cư ở quận Bình Thạnh mua nhà dân ở hai bên hẻm ngoài dự án nhằm mở rộng hẻm từ 6 m thành 12 m, kết nối ra đường D1, được coi là một thành công trong việc giải quyết kẹt xe. Ảnh: MP
Không cấp phép theo kiểu nhồi nhét Tôi lấy ví dụ như đường đó tương lai sẽ mở rộng 30 m nhưng hiện tại mới chỉ có 10 m thì sẽ chỉ cấp phép theo năng lực đường. Đến khi đường mở rộng thêm mới thì mới cho tăng chỉ tiêu xây dựng. Ở nước ngoài, họ không cấp phép theo kiểu nhồi nhét, nén vào gây ra quá tải cho hạ tầng kỹ thuật lẫn hạ tầng xã hội. Vậy nhưng ở ta nhiều khu vực, tuyến đường giao thông đã ùn tắc nhưng vẫn thấy dự án đã hoặc đang tiếp tục triển khai xây lên. Nếu cứ đà này thì rất khó để giải quyết chuyện ùn tắc như lâu nay. Tôi đề nghị cần nghiêm túc xem xét lại việc cấp phép đầu tư cao ốc, trung tâm thương mại ở các khu vực ùn tắc giao thông. Nguyên tắc hạ tầng đi trước, xây dựng đi sau dứt khoát phải được thực hiện nghiêm túc. Đồng thời Nhà nước phải có trách nhiệm hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông theo quy hoạch. Vì vậy không thể nói nhà đầu tư có lỗi dù họ tìm nhiều cách tăng mật độ xây dựng, thêm tính năng cho dự án cao ốc, trung tâm thương mại. Vấn đề là việc các cơ quan có thẩm quyền xét duyệt, cấp phép. Đường đang kẹt không cho xây thêm cao tầng, trừ khi chủ đầu tư muốn làm nhanh dự án thì đóng góp kinh phí để Nhà nước đầu tư hạ tầng, phục vụ lại chuyện xây dựng. Sau đó, Nhà nước sẽ trả lại dần cho chủ đầu tư thông qua thuế hoặc các ưu đãi khác. Lâu nay các nhà đầu tư xây cao ốc rồi thu lại lợi nhuận khủng, đặc biệt ở khu vực trung tâm. Trong khi đó, các tác động xấu từ dự án thì người dân, xã hội gánh chịu nên việc ràng buộc trách nhiệm giảm thiểu ảnh hưởng là cần thiết. Cách làm này thực ra cũng không xa lạ gì ở nước ngoài. Nếu nhà đầu tư không đóng nổi thì xin mời ra vùng ngoại thành. Điều này lại càng có lợi cho TP.HCM. Tóm lại, tôi đề nghị cần chấm dứt quy trình ngược trong cấp phép xây dựng dự án nhà cao tầng, trung tâm thương mại... phải có đánh giá tác động và phải gắn trách nhiệm của nhà đầu tư đối với hệ quả do dự án của họ gây ra. KTS NGÔ VIẾT NAM SƠN |
Cần thêm các doanh nghiệp có trách nhiệm Thị trường bất động sản (BĐS) TP.HCM đã được hưởng lợi nhờ TP.HCM tập trung phát triển hệ thống hạ tầng, trước hết là cầu, đường, các tuyến metro; các dự án chỉnh trang các kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kênh Tàu Hủ - Ruột Ngựa, kênh Tân Hóa - Lò Gốm, rạch Bến Nghé, kênh Tẻ, kênh Tham Lương… Thị trường BĐS đã đóng góp rất lớn vào sự phát triển của TP.HCM, giải quyết một phần nhu cầu nhà và góp phần tạo nên diện mạo đô thị mới của TP.HCM. Tuy nhiên, nó cũng có mặt trái như việc chủ đầu tư lobby “khoét lõm” một số nơi không đủ điều kiện để xây chung cư, trung tâm thương mại. Hoặc có dự án chung cư phải “mượn đường” mới vào được. Nghĩa là dù không có đường vào nhưng dự án vẫn được cấp phép và hình thành. Hay như có nơi đường hiện hữu rộng chỉ 10 m song chủ dự án vẫn được xét duyệt các chỉ tiêu quy hoạch theo bề rộng dự phóng của đường là 30 m. Trong các tình huống trên, lỗi ở cả phía Nhà nước bởi các cán bộ có trách nhiệm không duyệt thì sao dự án được duyệt. Như vậy, tính liêm chính, kiến tạo của các cán bộ, cơ quan liên quan có điểm không ổn nên cần phải có biện pháp khắc phục. Về phía nhà đầu tư thì có những đơn vị “dẫn dắt” các cơ quan chức năng để tìm cách tăng lợi nhuận. Thế nhưng trong thị trường BĐS của TP.HCM hiện nay có nhiều nhà đầu tư có năng lực, tầm nhìn đã nêu cao trách nhiệm xã hội khi tham gia đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng của TP.HCM vừa có lợi cho xã hội vừa có lợi cho doanh nghiệp (DN). Đơn cử Công ty Phú Mỹ Hưng đã đầu tư, xây dựng trục đường Nguyễn Văn Linh và hoàn thiện hệ thống giao thông của khu vực. Ở phía Đông có Công ty Đại Quang Minh đã chi hơn chục ngàn tỉ đồng xây dựng bốn tuyến đường chính ở khu đô thị mới Thủ Thiêm, xây cầu Thủ Thiêm 2… Hoặc Vingroup đề nghị nâng cấp tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh, làm đường ven sông Sài Gòn. Các DN này đã đề nghị đầu tư, thực hiện đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông, nằm cả bên ngoài phạm vi dự án của họ. Đương nhiên đây không phải là việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” mà việc làm ấy mang lại lợi ích cho họ. Chính việc nâng cấp, xây dựng các tuyến đường tạo sự thông thoáng cho khu vực và làm giá trị sản phẩm tăng lên, DN tăng được doanh thu. Thực tế cho thấy có DN BĐS khi tham gia thị trường làm gia tăng ùn ứ giao thông, song có các DN làm giao thông thông thoáng hơn. Vì vậy, vấn đề là phải có bộ lọc hữu hiệu phát hiện, ngăn chặn các “con sâu làm rầu nồi canh” ấy và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các DN có trách nhiệm bỏ trước “3-4 con săn sắt” rồi sau đó bắt “con cá rô”, tạo lợi nhuận cho DN và xã hội. Ông LÊ HOÀNG CHÂU, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM |