Người ân của bệnh nhân nghèo

Không chỉ giúp tiền chữa trị, bà còn chu cấp cả tiền ăn học cho con cái của những bệnh nhân không qua khỏi cơn bạo bệnh. Bà tên là Nguyễn Thị Minh Minh, cựu giảng viên ĐH Nông Lâm Huế.

Đang lên cơn sốt nằm trên giường, bà Minh nghe điện thoại reo. Bà nhoài người bốc máy, đầu dây bên kia là giọng gấp gáp của một người phụ nữ: “Chị ơi, chị sang BV Trung ương Huế liền nhé! Có anh Trinh bị bỏng nặng, tay chân dính vào nhau nhìn thảm lắm, gia đình lại nghèo…”. Bà Minh liền rút nhiệt kế trong người vứt ra giường rồi lật đật mang máy ảnh, bút sổ và khoác áo mưa dắt xe ra khỏi nhà. Đứng trong nhà, ông Nguyễn Tư Triệt, chồng bà Minh, lắc đầu: “Bà ấy là vậy đó, dù đang ốm đau nhưng hễ nghe ai khó khăn là bà lại ngồi bật dậy…”.

Sẻ chia với những phận đời

Vừa thấy anh Trinh trên giường bệnh, bà Minh đặt tay lên trán hỏi thăm cặn kẽ về bệnh tật, sức khỏe và hoàn cảnh gia đình. Anh Trinh kể trong nước mắt: “Hôm đó tôi đi phụ xây thì vướng vào dây điện, lửa bùng lên thiêu cháy người, may mắn bà con gần đó ngắt điện, chuyển tới bệnh viện kịp thời…”. Anh Trinh bị bỏng trên 80%, phải băng bó, hai tay dính vào thân người. Nhà nghèo, anh Trinh làm nghề phụ xây, chạy cơm từng bữa để nuôi mẹ già. Từ khi tai họa ập tới, nhà anh phải bán đất, vay mượn tiền bà con chòm xóm để nhập viện.

Nghe xong, bà Minh liền rút 500.000 đồng đưa cho người thân anh mua cơm ăn tạm rồi bà ghi lại từng lời tâm sự cùng hình ảnh thương tâm của người bị nạn. Về nhà, bà Minh ngồi ngay vào bàn cặm cụi gõ từng câu chữ rồi gửi email cho người thân, bạn bè trong và ngoài nước nhờ chung tay giúp đỡ anh Trinh. Vài phút sau bà đã nhận được ba phản hồi hứa sẽ chuyển tiền giúp nạn nhân. “Với số tiền ít thì mình có thể bỏ ra giúp họ ngay. Nhưng chi phí cho ca phẫu thuật của anh Trinh khá nhiều, ít nhất cũng vài chục triệu đồng, một mình mình không kham nổi…” - bà Minh nói.

Niềm vui của mẹ con cháu Hạ Len khi được bà Minh (trái) trao tiền chữa trị. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Bà Minh kể trước đây hoàn cảnh gia đình bà khó khăn, đồng lương giảng viên không đủ nuôi ba đứa con gái ăn học. Nhiều lúc có ai trong nhà ốm đau bà phải chạy vạy tiền rất cực. Khi con cái trưởng thành, có công việc ổn định, bà muốn làm một việc gì đó để chia sẻ với những mảnh đời khó khăn.

Ban đầu bà chỉ san sẻ vài trăm ngàn theo kiểu có bao nhiêu giúp bấy nhiêu. Nhưng khi gặp những cảnh đời éo le, bi đát, có người đang giữa lằn ranh sống - chết mà không có tiền, bà lại nghĩ suy, trăn trở. “Tôi bắt đầu nghĩ cách vận động người thân, bạn bè cùng mình chung tay giúp sức. Về hưu năm 2009, tôi duy trì công việc này thường xuyên hơn, hầu như ngày nào tôi cũng lên bệnh viện. Hễ thấy hoàn cảnh thương tâm nào là các phòng khám lại điện thoại cho tôi” - bà Minh kể.

Bà Minh nói niềm vui lớn nhất của bà là mỗi lần giúp người khác chiến thắng được “thần chết”. “Như trường hợp em Nguyễn Đức Mạnh, quê ở Thái Bình. Bố giận mẹ nên nhốt cả gia đình trong nhà rồi châm lửa đốt. Kết cục, mẹ em bị lửa thiêu cháy, em bị bỏng nặng, còn bố sống sót nhưng sau đó lãnh án tử hình. Khi tôi gặp Mạnh, em bị bỏng hai tay dính vào người, thở ngáp, tiền không có chữa trị. Nhiều bệnh viện từ chối phẫu thuật tách hai cánh tay bị dính ra khỏi người vì khó thành công. Trước hoàn cảnh đó, tôi nhờ một bác sĩ từ Mỹ đến phẫu thuật. Hiện em đã đi học bình thường”.

Giúp đỡ cả thân nhân người quá cố

Sau mỗi lần giúp đỡ, bà Minh luôn ghi lại số điện thoại của từng người để hỏi thăm và sẵn sàng giúp đỡ tiếp nếu như gia cảnh của người đó gặp khó. Bà kể cách đây không lâu, chị Văn Thị Gái ở Quảng Trị mắc căn bệnh u não, mặc dù đã nhập viện nhưng chị vẫn xin về vì không có tiền. Mẹ chị quyết bán nhà và đất để lấy tiền chữa trị nhưng chị phản đối vì đó là nơi ở duy nhất của cả nhà. Cuộc tranh cãi của hai mẹ con khiến cả phòng trong bệnh viện rơi lệ.

“Khi biết được tin, tôi liền góp tiền và kêu gọi thêm người giúp đỡ. Nhưng căn bệnh ung thư của chị đã vào giai đoạn cuối nên một tuần sau thì chị mất. Trong cơn hấp hối, chị thều thào với tôi: “Em có hai đứa con, một bà mẹ mù. Giờ em chết họ chẳng biết dựa vào ai, chỉ mong cô giúp đỡ họ có cái ăn, cái mặc, em ở dưới cũng an lòng…”. Tôi mang câu chuyện kể cho con mình và rồi mẹ con quyết định góp tiền giúp đỡ ba bà cháu. Giờ thì hai đứa con gái của chị Gái đều học rất giỏi” - bà Minh kể.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Thu ở Quảng Điền (Thừa Thiên-Huế) bị bệnh ung thư, được bà Minh vận động bạn bè giúp đỡ nhưng chị không qua khỏi. Lúc chị mất, đứa con đầu mới ba tuổi, đứa thứ hai sáu tháng tuổi, phải ở trong chòi của bà ngoại ngoài phá Tam Giang. “Tôi đến thăm thấy các cháu xanh xao, gầy yếu vì không có sữa. Tôi về tích góp tiền hằng tháng để hỗ trợ sữa cho hai cháu. Giờ thì các cháu đều khỏe mạnh và được đi học như bao đứa trẻ khác”.

Hay như trường hợp anh Nguyễn Hùng ở Quảng Bình có vợ cùng sáu đứa con đều bị bệnh thận. Anh làm lụng cật lực, vay mượn tiền khắp nơi nhưng vẫn không đủ cho bảy mẹ con chạy thận. Trong lúc tưởng chừng như tuyệt vọng thì anh gặp được bà Minh. “Lúc tôi hứa giúp, anh Hùng không tin. Mãi đến khi tôi cầm tiền trao tận tay anh mới rưng rưng tin đó là sự thật. Nhưng rồi sau đó không lâu, ba đứa con cũng lần lượt bỏ anh. Giờ tôi vẫn quyên góp tiền giúp đỡ thường xuyên cho vợ và ba đứa con còn lại của anh Hùng” - bà Minh kể.

Chưa kịp nghỉ, điện thoại bà Minh lại reo. Nghe điện thoại xong, bà Minh nói: “Hôm nay bà Nguyễn Hòa quê ở Quảng Trị phải phẫu thuật ung thư. Chồng mất sớm, một mình bà nuôi mẹ già và ba đứa con ăn học. Khi phát hiện bệnh, bà nhất quyết ở nhà vì sợ tốn tiền. Lúc bà ngất, người nhà đưa vào viện, tỉnh dậy bà đòi về nhưng đứa con gái khóc miết. Khi biết chuyện, tôi liền kêu gọi mọi người giúp đỡ tiền phẫu thuật cho bà”.

Nói xong, bà Minh dắt xe ra mặc cho bên ngoài trời đang mưa phùn lạnh giá. Chồng bà nhìn theo cười hiền: “Bà về hưu bốn năm nay nhưng ngày nào cũng bận rộn. Có những đêm thấy bà thức thật khuya để trao đổi với bạn bè về các khoản tiền giúp đỡ. Nhìn cảnh ấy tôi thương vô cùng!”.

Dù mình đã giúp rất nhiều người nhưng cũng có không ít lần mình gặp họ khi căn bệnh đã quá nguy kịch, thời gian quyên góp tiền không được nhanh. Vì vậy, khi mình mang tiền đến thì họ đã về bên kia thế giới… Nhìn gia đình họ khóc ngất giữa bệnh viện, mình thấy có lỗi và cảm thấy bất lực, đau đớn vô cùng!

NGUYỄN THỊ MINH MINH

Nếu không có cô Minh giúp đỡ thì không biết ba bà cháu cháu sẽ ra sao... Cháu chỉ biết gửi lời cảm ơn đến cô Minh và hứa sẽ học thật giỏi để không phụ lòng mong mỏi của cô và mẹ!

Em NGUYỄN THỊ HIỀN, học sinh lớp 10, con của chị Văn Thị Gái ở Quảng Bình

VIẾT LONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới