Tại phiên họp của Thường trực Ủy ban Tư pháp mở rộng góp ý cho dự án Luật tạm giữ, tạm giam, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương thừa nhận việc thực hiện chế độ tạm giữ, tạm giam thời gian qua đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế và cả những khó khăn, vướng mắc.
Bị tạm giam được gặp người thân một lần/tháng
Hạn chế đầu tiên, theo ông Vương, quy định của pháp luật hiện hành về chế độ quản lý giam giữ đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam chưa cụ thể, đặc biệt là việc gặp thân nhân, người bào chữa của người bị tạm giữ, người bị tạm giam.
Để khắc phục hạn chế này, dự thảo quy định: Người bị tạm giữ có quyền được gặp thân nhân hoặc người khác một lần trong thời gian tạm giữ, một lần trong thời gian gia hạn tạm giữ; trường hợp tăng thêm số lần gặp phải được cơ quan đang thụ lý vụ án đồng ý... Người bị tạm giam có quyền được gặp thân nhân hoặc người khác một lần trong một tháng; trường hợp tăng thêm số lần gặp phải được cơ quan đang thụ lý vụ án đồng ý...
Luật sư, người bào chữa khác, trợ giúp viên pháp lý, người đại diện hợp pháp được gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam để thực hiện quyền bào chữa... Trường hợp cơ sở giam giữ không đồng ý cho gặp thì phải nêu rõ lý do.
“Đây là thay đổi rất cơ bản, thay đổi về chất” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Hồng nhận xét. Ông Hồng phân tích: Theo quy định hiện hành, thân nhân người bị tạm giữ, tạm giam và người bào chữa muốn gặp họ thì phải được sự cho phép của cơ quan đang thụ lý vụ án. Còn với quy định như dự thảo, quyền được gặp ngay là “quyền đương nhiên”.
Tuy nhiên, có một vấn đề mà nhiều đại biểu băn khoăn là dự thảo quy định sáu trường hợp thủ trưởng cơ sở giam giữ không đồng ý cho gặp người bị giam giữ, trong đó đáng chú ý nhất là trường hợp người bị tạm giữ, tạm giam không đồng ý gặp thân nhân, người bào chữa… Một số ý kiến quan ngại rằng đây sẽ là lý do được “vận dụng” nhiều nhất để cơ sở giam giữ từ chối không cho người bị tạm giữ, tạm giam được tiếp xúc với thân nhân, luật sư.
Chưa rõ quyền, nghĩa vụ khác
Đánh giá cao quy định về việc gặp thân nhân, người bào chữa… nhưng đa số ý kiến cũng thẳng thắn nhận định là dự thảo luật vẫn chưa quy định rõ các quyền và nghĩa vụ khác của người bị tạm giữ, tạm giam.
“Dự luật cần phải có một chương rõ ràng, đầy đủ về quyền, nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam và trách nhiệm của người quản lý việc tạm giữ, tạm giam” - Thường trực Ủy ban Tư pháp Đỗ Văn Đương nói.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền (người đại diện cho nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp về dự án luật này) thì cho rằng với quy định của Hiến pháp 2013, người bị tạm giữ, tạm giam chưa bị coi là tội phạm nên chế độ với họ phải khác chế độ của người thi hành án phạt tù. Dự luật cần quy định rõ tiêu chuẩn, định mức, nơi ở, chế độ sinh hoạt, chăm sóc y tế, quyền được bảo đảm về tính mạng, sức khỏe, quyền được tiếp cận thông tin… của người bị tạm giữ, tạm giam để phù hợp với quy định tại Điều 89 BLTTHS và Hiến pháp năm 2013.
Cũng theo ông Quyền, dự luật cũng mới chỉ quy định về quyền của người chuyển giới chứ chưa có quy định về người đồng tính, người có khuyết tật về giới tính để bảo đảm phân loại giam giữ cho phù hợp… Ngoài ra, dự luật còn có nhiều quy định trùng lặp, nhất là quy định liên quan đến chế độ đối với người bị tạm giữ, tạm giam.
“Nếu không nghiên cứu cẩn thận để quy định rõ ràng, đầy đủ, hợp lý thì tạm giữ sẽ giống như tạm giam, tạm giam sẽ giống như chấp hành án tù” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Đỗ Mạnh Hùng cảnh báo.
Kiện quyết định tạm giữ, tạm giam? Theo tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Tạm giữ, tạm giam, trong quá trình xây dựng dự luật còn nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề khởi kiện trong thực hiện chế độ tạm giữ, tạm giam. Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng nếu quy định VKS có thẩm quyền giải quyết tất cả khiếu nại trong thực hiện chế độ tạm giữ, tạm giam thì sẽ không bảo đảm nguyên tắc kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước. Mặt khác, trong trường hợp quyết định giải quyết khiếu nại của VKS có thẩm quyền không đúng pháp luật thì sẽ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, tạm giam. Những người ủng hộ quan điểm này đề xuất cần phải có một cơ chế để giải quyết trong trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của VKS. Cơ chế ở đây là người bị tạm giữ, tạm giam có quyền khởi kiện hành chính đối với quyết định tạm giữ, tạm giam và quyết định giải quyết khiếu nại của VKS. Tờ trình của Chính phủ cũng nêu: “Chính phủ thấy ý kiến đề nghị bổ sung quyền khởi kiện của người bị tạm giữ, người bị tạm giam là hợp lý để bảo đảm tốt hơn lợi ích hợp pháp của họ trong điều kiện họ đang bị tạm giữ, tạm giam, khó có thể tự mình thực hiện được quyền khiếu nại khi thấy quyền lợi của mình bị xâm phạm nhưng chưa được giải quyết”. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết ông ủng hộ dự luật không quy định về việc khởi kiện. “Đây là quyết định tư pháp chứ không phải quyết định hành chính” - ông Hiện lý giải. Cán bộ thiếu và yếu Báo cáo tổng kết 16 năm thực hiện chế độ tạm giữ, tạm giam nhận định cán bộ, chiến sĩ ở nhiều nơi còn thiếu và yếu về nghiệp vụ, phần lớn chưa được đào tạo nghiệp vụ quản lý tạm giam, tạm giữ. Tình trạng đưa chiến sĩ nghĩa vụ vào làm luôn công tác quản giáo cũng chiếm số lượng lớn… Chúng tôi cho rằng đây là một thực tế cần phải tính, từ đó quy định tiêu chuẩn thế nào với người làm công tác này. Bà LÊ THỊ NGA, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp |