Theo ông Triệu Quang Định, Phó Vụ trưởng Vụ kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự (Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao) cho hay, tình trạng “đầu gấu”, “anh chị” ở một số nhà tạm giữ, tạm giam vẫn còn. Một số nơi giam, giữ còn có chức danh “trực buồng” để giúp cán bộ quản giáo nắm tình hình, duy trì trật tự nên đã xảy ra nhiều vụ án cố ý gây thương tích, giết người do “trực buồng” hoặc người bị giam, giữ gây ra. Có nơi quản lý, giám sát chưa chặt dẫn đến việc người bị kết án tử hình lợi dụng trốn khỏi nơi giam giữ.
Cá biệt còn để xảy ra tình trạng người bị kết án tử hình có thai trong quá trình giam giữ như ở Hòa Bình, TP.HCM. Có trường hợp cán bộ ở nhà tạm giữ đi uống rượu về trong tình trạng say xỉn nên đã kêu bị can đang bị tạm giam ra cạo gió. Do cán bộ quá say nên sau đó đã ngủ quên và lợi dụng sơ hở này bị can đã lấy chìa khóa mở cửa trại giam trốn thoát.
Để ngăn chặn tình trạng trên, ông Định cho rằng, nên có quy định Viện Kiểm sát có quyền kiểm sát đột xuất tại cơ sở tạm giữ, tạm giam; gặp hỏi người bị tạm giữ, tạm giam về điều kiện giam giữ. Viện Kiểm sát cũng có quyền yêu cầu trưởng nhà giam giữ cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc tạm giữ, tạm giam; thông báo tình hình tạm giữ, tạm giam, trả lời về quyết định biện pháp hoặc việc làm vi phạm pháp luật trong việc tạm giữ, tạm giam.
TS Nguyễn Công Giao – Khoa Luật – ĐH Quốc gia Hà Nội cũng đề nghị bổ sung vào dự luật các quy định ngăn chặn điều tra viên và cán bộ quản lý tra tấn, ép cung, bức cung hoặc có những hành động đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hay hạ nhục người bị tạm giữ, tạm giam.
Về chế độ thông tin cho người bị tạm giữ, tạm giam, dự thảo Luật quy định, trung bình 20 người bị tạm giữ, tạm giam được cấp một số báo Nhân dân hoặc báo địa phương. Thủ trưởng cơ sở tạm giữ, tạm giam tổ chức cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam nghe Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài phát thanh hoặc truyền thanh địa phương, đọc báo Nhân dân hoặc báo địa phương.