Người bị rối loạn nhịp tim ngày càng tăng nhanh

Đó là thống kê về số lượng bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim được điều trị bằng phương pháp triệt đốt ổ loạn nhịp mà BV Thống Nhất TP.HCM tiếp nhận trong bốn năm gần đây.

Theo GS-TS-BS Nguyễn Đức Công, Giám đốc BV Thống Nhất, điều trị loạn nhịp tim có nhiều phương pháp nhưng chủ yếu là triệt đốt ổ loạn nhịp bằng năng lượng tần số sóng radio. Bệnh rối loạn nhịp tim rất nguy hiểm vì thường dẫn đến suy tim, hình thành cục máu đông gây tắc mạch dẫn đến đột qụy, đột tử.

BS Công cho biết: “Số lượng bệnh nhân được triệt đốt tại BV trong bốn năm vừa qua tăng rất nhanh, gần gấp đôi. Năm 2013, chỉ có 360 bệnh nhân thì đến năm 2015 là 609, năm 2016 tăng lên 725 bệnh nhân. Trong 10 tháng đầu năm 2017 là 710 bệnh nhân. Nhiều bệnh nhân bị rối loạn nhịp phức tạp đòi hỏi có hệ thống thăm dò và triệt đốt loạn nhịp hiện đại hơn”.

Để nâng cao khả năng điều trị cho bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim đang tăng nhanh, vừa qua BV Thống Nhất đã được Tỉnh ủy, UBND Tỉnh Đồng Nai hỗ trợ 9,1 tỉ đồng để mua hệ thống thăm dò và triệt đốt rối loạn nhịp tim Ensite hiện đại nhất Đông Nam Á. Hệ thống có khả năng lập bản đồ điện học ba chiều trong buồng tim, tái tạo hình ảnh buồng tim nhiều mặt, nhanh gấp 27 lần so hệ thống trước được sử dụng tại BV. Ngoài ra, máy còn kết hợp thêm nhiều phần mềm thế hệ mới giúp định vị chính xác và nhanh chóng ổ loạn nhịp nên rút ngắn thời gian thủ thuật, đỡ mệt mỏi căng thẳng cho bác sĩ và người bệnh. Thời gian thủ thuật chỉ từ bốn đến năm tiếng.


Một ca triệt đốt bằng hệ thống thăm dò và triệt đốt loạn nhịp tim mới nhất tại BV Thống Nhất

Là một trong hai bệnh nhân được thụ hưởng phương pháp hiện đại nhất Đông Nam Á vào ngày 9-11, ông Nguyễn Minh Trí (60 tuổi), Chủ tịch Hội Lão khoa TP.HCM, cho biết tình cờ phát hiện bệnh rung nhĩ, một dạng rối loạn nhịp tim thường gặp nhất khi lên cơn đột quỵ.


Ông Trí vui mừng vì sức khỏe tiến triển tốt

Ông Trí cho biết hiện tại cảm thấy sức khỏe rất tốt, có thể đi tập thể dục trong thời gian khá lâu mà không thấy mệt. Theo ông Trí, theo thống kê mỗi năm tại Việt Nam có 200.000 người mắc đột quỵ nhưng thường chữa đột quỵ mà không nghĩ đến mắc bệnh rung nhĩ. Bệnh viện đưa vào trang thiết bị tiên tiến điều trị bệnh rất ý nghĩa, góp phần giải quyết gánh nặng cho người bệnh bởi di chứng đột quỵ của bệnh rung nhĩ.

Một bệnh nhân khác là ông Đặng Văn Hiếu (50 tuổi), ngụ Bến Tre, cách đây ba năm ông Hiếu phát hiện ra bệnh, đi khám nhiều nơi và uống thuốc điều trị nhưng không cải thiện được bệnh. Sau khi trải qua điều trị bằng hệ thống điều trị mới, ông cho biết hiện thấy sức khỏe ổn định. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới