Những người biểu tình, ủng hộ chính phủ Nga ở Ukraine đã trả tự do cho một con tin người Thụy Điển trong số 7 người thuộc tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) mà họ đã bắt giữ và cuối tuần trước. Tuy nhiên, những người này không có ý định thả thêm một người nào nữa trước tuyên bố Mỹ và EU sẽ “thêm đòn” trừng phạt Nga.
Trong ngày hôm nay sẽ có thêm nhiều cái tên, được cho là “thân thiết” với tổng thống Nga Putin bị cho vào danh sách trừng phạt. Trong khi đó, ở Donetsk – Ukraine, những người biểu tình vẫn khăng khăng đòi hỏi một nhà nước “dân chủ cộng hòa”. Một nhóm người biểu tình có vũ trang đã khống chế đài truyền hình để yêu cầu bắt đầu phát sóng một kênh truyền hình của Nga.
Một lãnh đạo cấp cao của OSCE rời khỏi tòa nhà chính phủ ở Slaviansk với nét mặt căng thẳng. Ảnh: Reuters
Cố vấn an ninh quốc gia tại Nhà Trắng, ông Tony Blinken, cho biết một trong các biện pháp “mạnh tay” hơn của Mỹ sẽ là ban lệnh cấm đến Mỹ cũng như phong tỏa tài sản của những cá nhân, tổ chức có vai trò quan trọng đối với chính phủ Nga. “Chúng tôi sẽ xác định những người trong vòng tròn của tổng thống Putin, đây là những tổ chức, công ty có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế nước Nga. Bước tiếp theo sẽ nhắm tới là các hoạt động sản xuất công nghệ cao của nước này”.
Mặc dù tổng thống Putin vẫn bác bỏ những cáo buộc Nga có liên quan trong vấn đề bất ổn ở Ukraine, Mỹ vẫn khẳng định “có nhiều bằng chứng cho thấy họ chính là người sách động các cuộc biểu tình ở miền Đông”. Tuần trước, một thỏa ước quốc tế được lập nhằm khôi phục tình hình ổn định cho Ukraine, nhưng theo ông Obama thì tổng thống Putin đã không “động một ngón tay” để thực hiện nó.
Những bất đồng ngày càng gia tăng giữa các “ông lớn”, trong khi người biểu tình vẫn kiên trì các hoạt động của họ trong nhiều tuần qua. Điều này khiến vấn đề ở Ukraine đang đi vào bế tắc.
Người biểu tình ở Ukraine vẫn rất hào hứng xuống đường. Ảnh: Reuters
An Khương