Một thỏa thuận mới cho phép tăng số binh sĩ Mỹ luân chuyển đến Philippines đồn trú là mục tiêu của sự phản đối này.
Cho dù đất nước Philippines đang đối diện với những sức ép quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc trên biển Đông, mà gần đây nhất là vụ bao vây một tiền đồn của thủy quân lục chiến Philippines trên bãi cạn Ayungin suốt tháng 3, song vẫn có những tiếng nói phản đối sự gia tăng hiện diện của quân đội Mỹ.
Người dân Philippines phản đối chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Obama - Ảnh: Reuters
Không thể hoài nghi tinh thần yêu nước của những đảng cánh tả như đảng của Renato Reyes, tổng thư ký Đảng Tân liên minh yêu nước (viết tắt là Đảng Bayan). Reyes không chỉ tổ chức biểu tình trước tòa đại sứ Mỹ mà còn từng biểu tình trước tòa đại sứ Trung Quốc. Đảng của Reyes cũng ủng hộ việc chính phủ do Tổng thống Aquino lãnh đạo đưa các yêu sách của Trung Quốc trên biển Đông ra trước tòa án quốc tế, đồng thời mạnh mẽ “lên án Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Philippines bằng cách chiếm các hòn đảo nhỏ và quân sự hóa các vùng biển vốn thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Các yêu sách của Trung Quốc trong cái gọi là bản đồ đường chín khúc hoàn toàn phi lý và đi ngược lại các công ước quốc tế. Việc Trung Quốc nay đòi 90% biển Đông có thể sánh với chuyện nước Ý ngày nay bỗng dưng đòi hết tất cả lãnh thổ của đế quốc La Mã ngày xưa! Thật là tào lao!”. Ông Reyes tin tưởng rằng một “thắng lợi pháp lý tại tòa án trọng tài quốc tế sẽ nâng cao tinh thần Philippines, đồng thời giúp ích cho các nước khác cũng liên quan đến những tranh chấp tương tự với Trung Quốc”.
Tất nhiên, theo tờ The Inquirer của Philippines, cũng có những tiếng nói hoan nghênh việc có thêm tàu chiến và máy bay Mỹ ghé Philippines như quân đội, giới kinh doanh, báo chí, bên cạnh những phản đối của cánh tả vốn nhấn mạnh đến tính hợp hiến của một thỏa thuận “Tăng cường hợp tác quốc phòng”, mà trong thực tế là “tăng cường sự hiện diện luân phiên của quân đội Mỹ ở Philippines” như tên gọi trước đây của thỏa hiệp mới này. Ông Reyes nhấn mạnh: “Vấn đề là họ cố tìm cách lách qua luật pháp của chúng tôi và tự đặt mình lên trên luật pháp Philippines, và bằng cách đó họ vi phạm chủ quyền của chúng tôi”.
Thậm chí nay ở Manila, ngay cả Tổng thống Benigno Aquino cũng tỏ một số thái độ trước sự lừng khừng giúp đỡ của Mỹ. Chỉ ba ngày trước khi Tổng thống Obama đến Manila, ông Aquino lại lên tiếng sẽ mua máy bay huấn luyện - chiến đấu FA-50 của Hàn Quốc để thay thế các chiếc F-5 từ thời chiến tranh VN nay đã xếp xó, cùng tám trực thăng chiến đấu đa năng của Canada!
Chuyện Mỹ chỉ phái một chiếc máy bay thám thính lượn qua đầu chiếc tàu vận tải của hải quân Philippines đang vượt vòng vây của các tàu Trung Quốc tiếp tế cho đồng đội của mình ở bãi cạn Ayungin rồi “vẫy tay chào”... hồi cuối tháng 3 vừa rồi buộc ông Obama có thêm bảo chứng cho những cam kết của Mỹ hơn nữa.
Không cả tin bất cứ đồng minh hay thân hữu nào, đa dạng hóa các quan hệ, quốc tế hóa các tranh chấp để tạo điều kiện cho tự lực tự cường là bài học rút ra từ 40 năm qua trên biển Đông mà cả Tokyo lẫn Manila đã và đang ghi nhớ. Nhất là khi không phải ngân sách Mỹ thật sự “hẻo”: ngân sách viện trợ quốc phòng cho Israel tài khóa 2014 vẫn y nguyên 3,4 tỉ USD, trong đó 220 triệu USD dành cho hệ thống chống tên lửa “Mái vòm sắt” (nguồn: Isarel Hayom), trong khi tổng ngân sách viện trợ cho Philippines cũng tài khóa 2014 là 178 triệu USD (nguồn: philstar.com).
*Cách tốt nhất để Philippines đứng lên chống lại Trung Quốc hay bất kỳ kẻ xâm lược nước ngoài nào khác là làm sao để Philippines thật sự độc lập, lao vào một chương trình công nghiệp hóa đất nước, xây dựng khả năng kinh tế của chính mình. Một nền công nghiệp và kinh tế cứng cáp hơn sẽ cho phép [Philippines] tăng cường năng lực quân sự của mình để tự vệ với bên ngoài". Ông Renato Reyes (Tổng thư ký Đảng Bayan) |
Theo DANH ĐỨC (Tuổi Trẻ)