KỶ NIỆM 75 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH - LIỆT SĨ (27-7-1947 – 27-7-2022):

Người canh “giấc ngủ” cho các liệt sĩ Trường Sơn

(PLO)- Có những người cả cuộc đời gắn liền với công việc quản lý, hương khói ở Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Những bước chân, tiếng nói của du khách xa dần khi đồng hồ điểm 22 giờ. Không gian yên ắng, tĩnh mịch bao quanh bởi rừng cây thông. Các nhân viên làm việc tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn thu dọn những bao hương còn dở, hoặc các vật dụng còn lại trên mặt sàn.

Những ngày tháng 7 này, nghĩa trang bắt đầu mở cửa cho người dân vào thăm viếng ban đêm. “Mỗi ca tối có bốn anh em làm việc. Cứ hết khách thăm viếng thì mình về” - anh Trần Văn Nhân (32 tuổi, Phó Trưởng phòng quản lý nghĩa trang) nói. Mỗi đêm họ nghỉ ngơi khoảng 5 tiếng đồng hồ, rồi trở lại công việc khi trời chưa kịp sáng.

Anh Trần Văn Nhân, Phó Trưởng phòng quản lý nghĩa trang. Ảnh: NGUYỄN DO

Anh Trần Văn Nhân, Phó Trưởng phòng quản lý nghĩa trang. Ảnh: NGUYỄN DO

Người dân đến thăm viếng Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn. Ảnh: NGUYỄN DO

Người dân đến thăm viếng Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn. Ảnh: NGUYỄN DO

16 tiếng làm việc mỗi ngày

4 giờ 30 sáng, trời còn tối mờ, anh Nhân phải đi quãng đường 10 km để đến nơi làm việc. “Ngày trước đường sá khó khăn nhưng các chú, các anh đi trước nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, giờ thuận lợi hơn nhiều” - anh Nhân nói.

“Đây chỉ là con đường ngắn, hằng ngày có những người vượt cả ngàn cây số đến dâng hương lên các anh hùng liệt sĩ” - anh Nhân cho hay.

Khi đến nơi, 13 thành viên tỏa đi mọi nơi, mỗi người một nhiệm vụ, người làm vệ sinh, người chuẩn bị mọi công đoạn để sẵn sàng tổ chức khi có đoàn đến viếng.

Nghĩa trang mở cửa từ 7 giờ sáng nhưng có những cuộc thăm viếng đã bắt đầu từ 5 giờ. “Các đoàn đi xa đến, mình cố gắng hỗ trợ họ hết sức có thể, mình làm sớm cho họ khỏi phải đợi” - anh Nhân nói.

Từ 7 giờ sáng những ngày cuối tháng 7, dòng người ở mọi miền Tổ quốc hướng về Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn. Ông Hoàng Văn Minh, Phó Ban quản lý nghĩa trang, có mặt tổ chức lễ viếng.

Đứng trước những ngôi mộ nằm sát nhau, khói hương trắng xóa khiến nhiều người không kìm được cảm xúc.

“Kính viếng hương hồn các anh hùng liệt sĩ đang an nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, kính thưa quý vị đại biểu…” - giọng đọc truyền cảm của người đàn ông 54 tuổi vang lên trước hơn 10.000 liệt sĩ đã hy sinh trên đường Trường Sơn huyền thoại. Đứng trước những ngôi mộ nằm sát nhau, khói hương trắng xóa khiến nhiều người không kìm được cảm xúc.

Các thành viên khác trong ban tiến hành dâng vòng hoa, người thắp hương, người đón tiếp, người hướng dẫn các đoàn vào thăm viếng từng khu mộ, giúp người dân tìm phần mộ của người thân. “Hiện nay có 14 người biên chế, trong đó có một người đã tăng cường về sở nhưng công việc ở đây lại quá nhiều.

Anh em có ngày làm gấp đôi thời gian ngày thường, có anh em thường làm 8 tiếng thì những ngày này làm đến 15, 16 tiếng. Những bữa cơm trưa, cơm tối đều cơ động, lúc khách ít thì anh em thay nhau ăn. Tuy vất vả nhưng anh em ai nấy đều tự hào, không nề hà nhau” - ông Minh nói.

Cảm thấy trống vắng khi
mộ liệt sĩ được chuyển đi

Dành gần cả cuộc đời cho nghĩa trang, ông Hoàng Văn Minh chứng kiến nhiều câu chuyện cảm động của người nhà, đồng đội liệt sĩ tìm được nhau. Rồi việc chăm sóc các phần mộ thành ra quen, một ngôi mộ được người nhà chuyển đi, những ngày sau đó ông cảm thấy trống vắng.

Những năm gần đây, có vài chục người xin đưa liệt sĩ trở về quê hương. Nhiều gia đình đã liên hệ làm thủ tục, đến ngày chuyển đi thì họ thay đổi quyết định. “Họ nói rằng liệt sĩ không muốn về, muốn ở lại với đồng đội” - ông Minh kể. “Những việc đó càng thôi thúc chúng tôi chăm sóc ngày càng tốt hơn cho người đã khuất được ấm lòng, cho người nhà các liệt sĩ an tâm” - ông Minh chia sẻ.

Cái nghiệp với nghề quản trang

Là người lớn tuổi nhất đang làm việc tại nghĩa trang, ông Hoàng Văn Minh cho biết từ năm 1993 khi còn là chàng trai tuổi 25, ông đã đến đây làm việc.

Lúc mới lên, cũng như bao người khác, ông Minh sợ đủ thứ trên đời, “mới bước chân vào đây thì tư tưởng rút lui là nhiều”. Ông miêu tả thêm: “Xung quanh những hàng mộ liệt sĩ cỏ cây um tùm, còn có cả heo rừng chạy nhảy”.

Những năm đó, người dân đến viếng thưa thớt, không đông như hiện nay. Những người tìm đến chủ yếu là bố, bà mẹ già, những anh chị em đi tìm người thân. Họ khóc khi tìm thấy tên người thân được khắc trên bia đá, các cán bộ quản trang cũng khóc.

“Cứ thế thời gian trôi qua, bây giờ nhìn lại đã gần 30 năm gắn bó với nghĩa trang, giờ tôi cảm thấy mọi thứ bình thường và cũng như cái nghiệp của mình rồi. Nhiều ngày làm việc, tối về nghĩ mà tôi rất tự hào với công việc này” - ông Minh nói.

“Hướng dẫn viên”, “phóng viên”… nghĩa trang

Còn anh Trần Văn Nhân, từ một sinh viên báo chí, một lần khi còn là sinh viên năm hai, anh đã đến đây mà nghĩ vu vơ: “Sau này liệt sĩ có chọn thì mình về làm”. Và rồi anh cũng bén duyên với Nghĩa trang Trường Sơn. Từ đó tới nay, anh kiêm luôn nhiều vai trò tại đây.

Ra trường, làm báo được khoảng một năm, anh Nhân bắt đầu lên làm việc tại nghĩa trang này. Công việc hằng ngày tiếp xúc với người dân trong cả nước buộc anh phải tìm hiểu về lịch sử của Bộ đội Trường Sơn, Đoàn 559 và quá trình hình thành xây dựng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn để giới thiệu đến mọi người.

Trong suốt thời gian qua, khi có đoàn du khách đến muốn tìm hiểu, anh Nhân đều đảm nhận vai trò là một “hướng dẫn viên”. Là cử nhân báo chí cũng giúp anh kiêm luôn vai “phóng viên” để viết những bài về hoạt động của nghĩa trang đăng trên website.

“Làm việc ở đây tuy có vất vả nhưng tôi rất tự hào. Mỗi ngày luôn có những cuộc gặp gỡ, trò chuyện, giúp mình có thêm kiến thức. Trong thời gian làm việc ở đây, anh em luôn đặt cái tâm của mình lên trên, hết mình để phục vụ “giấc ngủ” cho các liệt sĩ” - anh Nhân chia sẻ.•

Tình cờ tìm được mộ người thân

Làm việc trong nhiều năm qua, anh Trần Văn Nhân có nhiều cơ hội tiếp xúc với những câu chuyện cảm động. Anh nhớ rất rõ về trường hợp một gia đình ở Phú Quốc, Kiên Giang tìm thấy phần mộ của người thân một cách rất hy hữu.

“Người này đã đi tìm khắp nơi nhưng một hôm, ông ghé thắp hương tại nghĩa trang thì vô tình tìm được phần mộ người cha của mình khiến ông bật khóc nức nở” - anh Nhân kể.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm