Tháng 7, mùa Vu lan, bông hồng đỏ cài trên ngực như một dấu chỉ cho ta biết ta còn mẹ. Nhưng Vu lan đâu chỉ là mẹ mà còn cả cha. Tháng 7 cũng là lúc tôi vừa kết thúc một phiên tòa kéo dài đến gần năm năm, phiên tòa đẫm nước mắt của một người cha không được cài hoa hồng đỏ.
Nhói lòng gà trống nuôi con
Vợ mất khi ông còn rất trẻ, tuổi 32 gà trống phải nuôi đàn con sáu đứa, đứa đầu chỉ 16 tuổi, con gái út tròn 15 ngày tuổi đỏ hỏn. Không đi thêm bước nữa, ông ôm các con mình vào lòng bằng những ngày đội nắng Củ Chi đi mót khoai mì. Những buổi tối ê mình vì cả ngày lội rạch kênh vớt bèo hoa dâu bán cho trại nuôi heo. Sinh ngay tại đất Củ Chi, vùng đất khô cằn, nghèo khó nhưng hun đúc trong ông ý chí cần cù. Ông nhẫn nại nuôi con để thực hiện lời hứa với vợ mình lúc đi xa là sẽ nuôi dạy các con thành người.
Trời không phụ lòng người đàn ông tần tảo, một nắng hai sương - những tính từ thường chỉ dành cho phụ nữ. Nhưng với ông, nó xứng đáng khi vừa làm cha vừa làm mẹ. Ông kể rằng đã phải chạy đôn chạy đáo, hoảng hốt nhờ bà hàng xóm khi vào một ngày tan học, cô con gái đầu ngất xỉu vì tâm lý khi đến dậy thì lần đầu tiên... Nhưng ông đã đùm bọc, bảo vệ các con mình ba trai, ba gái ăn học đàng hoàng.
Ông dành dụm, chắt chiu. Lúc đất ở huyện Củ Chi còn rẻ, ông mua được hai mảnh với tổng diện tích 2.619,8 m2 và ông cũng xây được căn nhà để cha con che nắng che mưa. Thế rồi cũng đến ngày các con ông ăn học trưởng thành. Đứa con gái đầu tốt nghiệp trung cấp ngành may, đứa con gái giữa là chủ cửa hàng vải, cô út tốt nghiệp đại học ngành công nghệ thông tin. Ba đứa con trai đều có gia đình và ông cười mãn nguyện bên đàn cháu khi nhìn di ảnh của vợ trên bàn thờ. Duy chỉ có ba cô con gái dù lớn tuổi nhưng không ai chịu lấy chồng, vì thế ông cho ba cô căn nhà để ở chung.
Năm 2007, ở tuổi 65, ông bị tai biến nặng. Sợ không qua khỏi, ông nhờ dịch vụ xác lập hợp đồng tặng cho quyền sử dụng hai mảnh đất mà ông chắt chiu cả đời cho hai cô con gái út. Bởi vì hai cô đã hứa chắc như đinh đóng cột với ông rằng sẽ chăm sóc, phụng dưỡng ông đến khi qua đời. Hai mảnh đất ấy hiện cũng là nguồn sống của ông khi ông cho người khác thuê để trồng rau muống. Nhưng với tốc độ đô thị hóa nhanh ở Củ Chi, hai mảnh đất ruộng ngày trước giờ đã có giá hơn 10 tỉ đồng.
Hai tháng sau khi ký hợp đồng cũng là lúc nguồn trợ cấp ít ỏi 3 triệu đồng/tháng bị ba cô con gái cắt ngay lập tức, ông bắt đầu sống lay lắt ở bệnh viện, lúc con dâu, lúc thì con trai vào chăm bằng những đồng tiền kham khổ. Thế rồi như một phép màu, giữa lúc bệnh viện tiên liệu rất xấu về bệnh tình thì ông lại phục hồi nhanh chóng, ông khỏe hẳn. Ngày xuất viện cũng là ngày ông nhận được trát mời của TAND huyện Củ Chi. Hai cô con gái kiện đòi ông giao đất đã tặng cho theo hợp đồng đã được công chứng hợp lệ.
Kết thúc có hậu
Trời Củ Chi nắng như thiêu đốt nhưng ông ngồi co rúm trong chiếc áo rộng thùng thình trên băng ghế dài trong phiên tòa sơ thẩm. Trên bục dành cho luật sư, tôi nổi gai ốc khi vị thẩm phán chủ tọa tháo mắt kiếng, nhìn về phía nguyên đơn và nhấn giọng: “Tôi chỉ hỏi hai chị một câu, nếu cha chết hai chị có để tang không?”. Cả khán phòng im phăng phắc, im lặng một lúc thì cô gái út trả lời: “Thưa tòa, đó là chuyện riêng của gia đình tôi, tôi không trả lời. Còn ba, ông ấy đã cho đất rồi thì phải giao đất cho chúng tôi”.
Nghe con gái trả lời đến đây, ông bất thần đứng dậy, mặt đỏ gay, thở hổn hển rồi nói rít qua kẽ răng về phía HĐXX: “Nếu tòa xử buộc giao đất cho hai con gái tôi, tôi sẽ tự tử ngay trước mặt tòa”. Như cảm nhận được ông không chỉ nói chơi, sau khi hội ý, vị thẩm phán đã cho hoãn phiên tòa lần thứ nhất.
Gần hai tháng sau, phiên tòa sơ thẩm lần hai được mở lại. Vị nữ hội thẩm nhân dân đã bật khóc ngay trên ghế xét xử khi cố gắng hòa giải, vận động, giải thích, phía dưới bàn dành cho đương sự. Tôi vốn rất hiểu, rất đồng cảm với ông nhưng pháp luật là pháp luật, do hợp đồng tặng cho đã hoàn tất, điều kiện tặng cho không được ghi vào hợp đồng nên không được xem là hợp đồng tặng cho có điều kiện. Vì thế, vị thẩm phán đã nghẹn giọng rất nhiều lần khi tuyên đọc bản án tuyên buộc ông phải giao đất cho hai con.
Ông kháng cáo và như một sự màu nhiệm, khi cấp phúc thẩm phát hiện chứng cứ pháp lý quan trọng mà cả HĐXX cấp sơ thẩm và luật sư không phát hiện được. Đó là trong giấy đỏ do ông đứng tên trước khi tặng cho hai con gái thì thời hạn sử dụng đất chỉ đến năm 2015 nhưng trong hợp đồng tặng cho lại ghi đến năm 2045. Như vậy, ngay khi xác lập hợp đồng tặng cho ông đã vượt quá quyền mà pháp luật cho phép. Hay nói cách khác, ông không có quyền tặng cho quyền sử dụng đất đến năm 2045, vì thế hợp đồng tặng cho vô hiệu.
Dù chưa tuyên án nhưng vị thẩm phán đã giải thích rành rọt cho hai bên về pháp luật. Nghe xong, ông biết gần như chắc đã chạm tay vào hai mảnh đất vốn là tài sản của mình. Nhưng khi HĐXX chuẩn bị thông báo vào nghị án thì ông lại đứng phắt dậy, nhìn về phía con và nói: “Thưa tòa, tụi nó là con tôi, dù tòa xử thế nào tôi cũng tự nguyện cho hai con một thửa đất, tôi chỉ xin giữ lại một thửa để tiếp tục cho người ta thuê trồng rau muống”.
Quá bất ngờ trước đề nghị của ông, vị thẩm phán ngạc nhiên hỏi: “Ông có chắc đây là ý của mình?”. Ông gật đầu, cười hiền khô: “Tôi chắc vì hai đứa nó là con tôi, tôi nuôi từ thời còn đỏ hỏn, thưa tòa”.
Cuối cùng, tòa phúc thẩm tuyên ghi nhận sự tự nguyện của ông để lại cho hai con gái một mảnh đất, một mảnh ông giữ lại để tiếp tục cho thuê làm sinh kế và lo hậu sự tuổi già. Ông bước nhanh về phía bàn luật sư bắt tay tôi, nói rành rọt đủ nghe: “Nước mắt luôn chảy xuôi, phải không luật sư?!”.
Bóng ông rời khuất cổng tòa trong cơn mưa chiều giữa mùa Vu lan báo hiếu.