Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp dệt may, da giày và đồ gỗ. Bởi từ lâu châu Âu là thị trường trọng điểm của các ngành trên, đem lại giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn.
Tuy nhiên, để hưởng lợi trên nền tảng EVFTA đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải có các giải pháp đúng đắn, nếu không sẽ mất thị trường vào tay các đối thủ cạnh tranh khác.
Giá quần, áo sẽ rẻ hơn 12% so với trước đây
Nhận được tin EVFTA được Nghị viện châu Âu phê chuẩn, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Công ty May 10, không kìm nén được sự vui mừng. Vì hơn ai hết, ông Việt hiểu rằng ngành dệt may không chỉ hưởng lợi mà cả công ty ông sẽ có nhiều cơ hội bán hàng trong tương lai.
“Đây là thông tin đầy tích cực với chúng tôi, vì hiện công ty đang sản xuất, hợp tác và cung cấp hàng cho nhiều đối tác châu Âu (EU). Khi hiệp định có hiệu lực, tùy vào các sản phẩm mà Việt Nam sản xuất và đáp ứng được yêu cầu xuất xứ, các sản phẩm May 10 xuất khẩu sang châu Âu có giá rẻ hơn 9%-12% so với trước đây. Như hai sản phẩm áo sơmi, áo vest mỗi năm chúng tôi xuất khẩu gần 700.000 chiếc sang EU, khi EVFTA có hiệu lực thuế nhập vào thị trường này sẽ giảm 12%. Giá sản phẩm giảm sẽ cạnh tranh hơn, các đối tác sẽ nhập nhiều hàng Việt Nam hơn” - ông Việt phân tích.
Trong khi đó, nhìn thấy trước cơ hội về việc EVFTA sẽ có hiệu lực trong năm 2020, Công ty Dệt may đầu tư thương mại Thành Công (TCM) đã có những bước chuẩn bị bài bản. Đơn cử như đầu tư vào các nhà máy dệt, nhuộm, may và mở rộng quy mô để tăng tốc tăng trưởng tại thị trường EU.
Theo ông Trần Như Tùng, Phó Tổng giám đốc TCM, hiện các sản phẩm công ty xuất khẩu vào EU đang bị áp thuế bình quân 12%. Khi EVFTA có hiệu lực với mức thuế giảm nên sản phẩm cạnh tranh hơn và doanh thu từ thị trường này sẽ tăng tốc hơn so với kim ngạch xuất khẩu sang EU hiện đang đóng góp khoảng 10% tổng doanh thu của công ty. Ngoài ra, TCM đã tự chủ sản xuất vải nên lợi thế còn cao hơn do đáp ứng được nguyên tắc xuất xứ mà EU đặt ra.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Trương Văn Cẩm đánh giá hiện thuế suất xuất khẩu hàng dệt may sang EU bình quân là 9,6%. Nhưng khi EVFTA có hiệu lực thì thuế suất sẽ giảm dần về 0% trong vòng bảy năm. Vì thế ngành này kỳ vọng tăng trưởng xuất khẩu sẽ cán mốc 40 tỉ USD trong năm 2020.
Quần, áo do các công ty Việt xuất sang châu Âu sẽ cạnh tranh tốt hơn do được giảm thuế. Ảnh: QH
Thuế nhiều sản phẩm da giày, túi xách về O%
Da giày cũng là ngành đứng trước nhiều cơ hội khi EVFTA có hiệu lực. Theo đó, thuế khoảng 37% dòng sản phẩm da giày sẽ về 0% ngay sau khi hiệp định có hiệu lực, phần còn lại giảm dần sau 3-7 năm.
Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, nhận xét EU là thị trường truyền thống và trọng điểm của ngành da giày nên những lợi thế mà EVFTA mang lại là cơ hội rất tốt. Đặc biệt, hiện nay nhiều doanh nghiệp trong nước đã mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới công nghệ, tăng cường thiết kế mẫu, tạo ra nhiều sản phẩm phù hợp nhu cầu của khách hàng.
Điều ông Kiệt nói là hoàn toàn có cơ sở. Bởi ngay trước khi EVFTA được thông qua, ngành này đã đem về hàng tỉ USD từ thị trường châu Âu. Theo Tổng cục Hải quan, nếu năm 2017, xuất khẩu da giày và túi xách sang châu Âu đạt giá trị hơn 5,4 tỉ USD thì đến năm 2019 đã đạt gần 6 tỉ USD.
Tạo ra sức ép thay đổi Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Trương Văn Cẩm cho rằng EVFTA tạo ra sức ép nhất định, thúc đẩy những cải cách về thể chế Việt Nam, buộc phải nội lực hóa các quy định mà chúng ta đã cam kết. “Với những thay đổi đó, chúng tôi cho rằng các doanh nghiệp dệt may cũng như dệt may Việt Nam sẽ được hưởng thuận lợi hóa thương mại, về thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành, những rào cản cho đến nay doanh nghiệp vẫn đang mắc phải” - ông Cẩm nói. |
Không chỉ có màu hồng
Cơ hội là khá nhiều khi EVFTA có hiệu lực nhưng để nắm bắt hoàn toàn được cơ hội đòi hỏi các doanh nghiệp nỗ lực rất lớn vì phải đáp ứng nhiều điều kiện ràng buộc của hiệp định này. Theo ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, hiện khó khăn của doanh nghiệp dệt may phải đối mặt vẫn là yêu cầu về quy tắc xuất xứ.
Cụ thể, hàng dệt may Việt Nam vào EU phải sử dụng vải sản xuất tại Việt Nam, việc cắt may được thực hiện bởi doanh nghiệp Việt hoặc doanh nghiệp EU. Điều này gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp dệt may trong việc nhận ưu đãi do trong nước chưa chủ động sản xuất được sợi và vải.
“Lâu nay chúng ta tập trung khâu may là khá lớn, khâu dệt nhuộm hiện nay còn đang rất yếu. Nguyên nhân do đầu tư về may đòi hỏi vốn không nhiều nhưng với dệt nhuộm thì rất lớn. Tất nhiên vốn không phải vai trò quyết định, mà theo tôi quyết định ở đây là nguồn nhân lực. Con người đào tạo đáp ứng yêu cầu vẫn còn chậm” - ông Cẩm thừa nhận.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, cho rằng EU là thị trường tích cực nhất thu hút đầu tư vào Việt Nam trong sản xuất nguyên phụ liệu, kể cả sản xuất thành phẩm để xuất khẩu trở lại EU. Tuy nhiên, cần lưu ý EU khuyến khích cơ chế các công ty tự chứng nhận xuất xứ, thay vì các doanh nghiệp khai và được cấp C/O như trước đây.
“Với thủ tục mới như vậy, doanh nghiệp phải nắm bắt chặt chẽ để thực thi chuẩn, nếu không sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến đơn hàng xuất khẩu của chính doanh nghiệp mình và các đơn vị khác” - bà Xuân lưu ý.
Đồ gỗ Việt dễ vào bếp châu Âu Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, nhìn nhận EVFTA có hiệu lực là cơ hội vàng cho ngành gỗ Việt Nam tăng trưởng cao và phát triển bền vững, ổn định. Riêng năm 2019, giá trị kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ vào EU đạt gần 900 triệu USD, tăng gần 9% so với cùng kỳ. Do đó, kỳ vọng đồ gỗ sẽ tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu thêm ít nhất 15%-20% khi hiệp định này có hiệu lực. “Không chỉ vậy, việc giảm thuế về 0% cho các sản phẩm máy móc giúp các doanh nghiệp gỗ có thể tiếp cận được máy móc tân tiến từ EU với giá cả thấp hơn, từ đó nâng cao năng lực ngành gỗ của Việt Nam. EU cũng là nguồn cung gỗ hợp pháp lớn thứ hai cho Việt Nam sau thị trường Mỹ” - ông Quyền cho biết. |