Việt Nam quyết chuyển mình trên ‘cao tốc’ EVFTA

Chiều 13-2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam (VN) Pier Giorgio Aliberti.

VN quyết tâm thực thi hiệu quả EVFTA, EVIPA

Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi Nghị viện châu Âu đã phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do VN-EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư VN-EU (EVIPA) với tỉ lệ phiếu thuận cao. Đây là một sự kiện trọng đại của năm kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa VN và EU. Thủ tướng cho rằng người dân và cộng đồng doanh nghiệp (DN) hai bên đều rất vui mừng về sự kiện quan trọng này.

Thủ tướng khẳng định Chính phủ, các bộ, ngành VN làm hết sức mình để thực hiện các cam kết với EU. Thủ tướng nêu rõ hai hiệp định này sẽ đem lại lợi ích cho cả nhân dân hai bên.

Nhất trí với ý kiến của Thủ tướng, Đại sứ Pier Giorgio Aliberti cho rằng có được kết quả này là nhờ nỗ lực chung của cả hai bên. Theo đại sứ, số phiếu thuận cao cho thấy sự đánh giá tích cực của EU đối với VN; thể hiện lòng tin của EU đối với quá trình cải cách của VN. EU sẵn sàng đồng hành với VN trong quá trình này. “Chúng ta cần chung vui với nhau thời khắc lịch sử này nhưng đây mới là sự khởi đầu để đi tới quá trình thực thi” - đại sứ bày tỏ và tin tưởng VN sẽ nắm bắt được cơ hội này. EU cam kết sát cánh cùng VN để bảo đảm quá trình thực thi hiệp định thành công.

Ghi nhận ý kiến của đại sứ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định VN quyết tâm thực thi hiệu quả EVFTA và EVIPA. Thủ tướng cho biết đã chỉ đạo các bộ, ngành của VN tích cực chuẩn bị các thủ tục nội bộ, sớm trình Quốc hội hồ sơ hai hiệp định. Dự kiến Quốc hội VN sẽ xem xét, phê chuẩn EVFTA và EVIPA vào kỳ họp Quốc hội tới. 

Ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, Chính phủ VN sẽ sớm ban hành chương trình hành động quốc gia thực hiện hai hiệp định với các nhiệm vụ, biện pháp đồng bộ, cụ thể và tổ chức triển khai nghiêm túc tới các bộ, ngành, địa phương và DN.

Trình độ phát triển của VN thấp hơn EU, do đó Thủ tướng mong EU nhận thức rõ sự khác biệt này để hỗ trợ VN nâng cao năng lực thực thi hiệp định. Thủ tướng khẳng định VN luôn ủng hộ và tạo mọi điều kiện cho các nhà đầu tư EU làm ăn thành công ở VN; tin tưởng mạnh mẽ hai bên có niềm tin rất lớn về triển vọng hiệp định.

Đại sứ Pier Giorgio Aliberti nhất trí cho rằng hai bên cần hợp tác trong quá trình thực thi, nâng cao nhận thức của người dân, DN về lợi ích của hiệp định. Có nhiều cơ hội trước mắt mà hai bên cần nắm bắt. EU sẽ nỗ lực để tuyên truyền cho các DN của 27 quốc gia thành viên hiểu được cơ hội này và cụ thể hóa bằng các hoạt động đầu tư tại VN.

Đại sứ cũng mong phía VN tuyên truyền tích cực cho người dân và DN hiểu rõ về hiệp định. Đại sứ đánh giá cao sự hợp tác của phía VN trong việc xử lý các kiến nghị, giải quyết các vấn đề mà phía EU quan tâm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Pier Giorgio Aliberti, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam nhân dịp Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA) vừa được Nghị viện châu Âu thông qua chiều 13-2. Ảnh: TTXVN

Mở được cửa, bước vào thị trường khó tính

Cùng ngày, trả lời báo chí, sau khi EVFTA và EVIPA được Nghị viện châu Âu chính thức phê chuẩn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nói: “Chúng ta đã vượt qua được những chặng đường khó khăn nhất để đưa EVFTA đi vào thực thi” .

Là người đứng đầu cơ quan trực tiếp đàm phán suốt tám năm qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết EVFTA được coi là đòn bẩy cho kinh tế VN tăng trưởng.

Tính đến thời điểm hiện nay, EU là thị trường nhập khẩu lớn nhất hàng hóa VN mà chúng ta có hiệp định thương mại tự do. Tuy nhiên, thị phần hàng hóa nhập khẩu từ VN so với tổng nhập khẩu của khu vực này còn khiêm tốn so với tiềm năng, một phần do vẫn còn rào cản đối với hàng hóa VN, phần khác do năng lực cạnh tranh của chúng ta còn hạn chế.

Vì vậy, cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ có được từ Hiệp định EVFTA chắc chắn sẽ làm tăng khả năng cạnh tranh về giá của hàng hóa VN khi nhập khẩu vào thị trường quan trọng này, giúp thúc đẩy quan hệ thương mại VN-EU và mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu của VN.

Theo bộ trưởng, mức mở cửa thị trường trong EVFTA có thể coi là mức cam kết cao nhất mà VN đạt được trong các FTA đã được ký kết cho tới nay. Điều này càng có ý nghĩa khi hiện nay mới chỉ hơn 42% kim ngạch xuất khẩu của VN sang EU được hưởng mức thuế 0% theo chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP).

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu những mặt hàng, ngành nghề mà VN sẽ được và chưa được hưởng lợi từ hai hiệp định. Cụ thể, mặt hàng, ngành nghề được lợi đều là những ngành VN vốn có lợi thế cạnh tranh cao như giày dép, mũ, hàng dệt may và nông thủy sản. Các ngành chịu sức ép cạnh tranh dự kiến gồm hóa chất, phương tiện và thiết bị vận tải, thực phẩm chế biến và sản phẩm kim loại cơ bản.

Ông phân tích DN VN cũng sẽ được lợi từ nguồn hàng hóa, nguyên liệu nhập khẩu với chất lượng tốt và ổn định với mức giá hợp lý hơn từ EU. Đặc biệt là nguồn máy móc, thiết bị, công nghệ/kỹ thuật cao từ các nước EU, qua đó để nâng cao năng suất và cải thiện chất lượng sản phẩm của mình. Khi hàng hóa, dịch vụ từ EU nhập khẩu vào VN sẽ tạo ra một sức ép cạnh tranh để DN VN nỗ lực cải thiện năng lực cạnh tranh.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng cho hay đây là sức ép cạnh tranh lành mạnh, có chọn lọc và theo lộ trình phù hợp. Quan trọng hơn, do cơ cấu kinh tế của EU và VN mang tính bổ sung rất cao, không đối đầu trực tiếp nên dự kiến sức ép cạnh tranh sẽ không lớn.

Ngoài ra, do cam kết mở cửa của VN là có lộ trình, đặc biệt đối với những nhóm sản phẩm nhạy cảm, do đó EVFTA cũng là cơ hội, sức ép hợp lý để các DN VN điều chỉnh, thay đổi phương thức kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.

“Với EVFTA, chuỗi giá trị mới của VN với một đối tác quan trọng trên thế giới sẽ được hình thành. Môi trường đầu tư mở hơn và thuận lợi hơn, khi triển vọng xuất khẩu hấp dẫn hơn sẽ thu hút đầu tư FDI từ EU vào VN nhiều hơn, đặc biệt là các lĩnh vực như dịch vụ, tài chính, ô tô, chế biến chế tạo, công nghệ thông tin, công nghệ cao, nông sản thực phẩm chế biến...” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Một thập niên nỗ lực để bước lên “cao tốc” VN-EU

Nếu tính từ khi VN và EU nhất trí khởi động đàm phán EVFTA vào tháng 10-2010 cho tới ngày 12-2, khi hiệp định này chính thức được phía EU phê chuẩn đã kéo dài gần tròn 10 năm.

Một chuyện đáng nhớ, trước khi lễ ký kết Hiệp định EVFTA và EVIPA diễn ra ngày 30-6-2019 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang có chuyến công tác quan trọng tham dự Hội nghị thượng đỉnh nhóm G20 và thăm chính thức Nhật Bản. Tuy nhiên, giữa lịch trình dày đặc, ông đã từ Osaka bay về Hà Nội để chứng kiến và phát biểu tại lễ ký kết và bay trở lại Nhật Bản ngay trong ngày.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hai hiệp định mở ra chân trời mới hợp tác rộng lớn, toàn diện và phát triển mạnh mẽ hơn của VN và EU. Thủ tướng đã bày tỏ tin tưởng khi có hiệu lực, hai hiệp định sẽ như tuyến đường cao tốc quy mô lớn hiện đại nối gần hơn nữa EU và VN. Và hôm nay tuyến cao tốc đó đã chính thức vận hành. 

Cơ hội cho cả hai bên

Việt Nam quyết chuyển mình trên ‘cao tốc’ EVFTA ảnh 2

Sự kiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và VN (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) được phê chuẩn là thời khắc lịch sử giữa EU-VN, mở ra một chương mới về tăng cường thương mại và đầu tư giữa hai phía. Các hiệp định này sẽ cho phép DN châu Âu đón đầu xu thế phát triển kinh tế - xã hội tại VN, có thêm cơ hội tham gia vào các thị trường, sản phẩm và dịch vụ của châu Âu. Tương tự như vậy, các công ty châu Âu cũng có thể thâm nhập sâu hơn vào thị trường đang phát triển mạnh của VN.

Kết quả cuộc bỏ phiếu này là kết tinh của gần một thập niên nỗ lực không ngừng nghỉ. Các cuộc đàm phán đã bắt đầu từ năm 2012 và Hiệp hội DN châu Âu tại VN EuroCham đã đồng hành cùng EVFTA trong suốt 12 vòng đối thoại.

Ông NICOLAS AUDIER
Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại VN (EuroCham)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm